Thương nhớ phù sa

25/08/2022 09:00 GMT+7

Mùa hạn này, năm trước, tôi đang theo dõi, cập nhật tình hình Covid-19 đang diễn ra khắp nơi trên cả nước, bỗng nhận được tin con sông quê một thời lặn hụp, nước ngọt quanh năm giờ trơ đáy, lặng căm…

Thấy cả bầu trời nhớ thương trở nên khô quắt lại dưới cái nắng chang chang cháy da, cháy thịt. Qua lời ba mô tả, trong trí nhớ của mình, tôi thấy hiện lên cánh đồng xanh xưa giờ nứt nẻ, cây lúa mới ngậm sữa đòng đòng cạn nước, khóc mùa đau. Vườn cây ba bỏ biết bao công sức chăm sóc, đang sai oằn trái vì thiếu nước lá cũng bạc khô màu. Nghĩ mà thương cha già vắt kiệt sức, tìm mọi cách khai thông mương cống hy vọng nước vô tới đồng cứu cây lúa trổ bông. Cơn hạn hán đang hoành hành khắp miền Tây châu thổ quê tôi.

Người dân ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) tưới nước với hy vọng cứu được vườn hành đã bị cháy vàng

ngọc dương

Hình ảnh thất mùa, đói khát đã hình thành nỗi sợ, hoang mang giữa lúc đại dịch tràn lan. Cả nước gồng mình vượt qua cơn đại nạn. “Con ơi! Hạn mặn tới vùng mình rồi”. Lời ba nói nghe nghẹn lòng như mắc cạn ở một ngã ba sông, mơ màn thấy cánh lục bình uể oải trôi, chẳng buồn dập dềnh như muôn thuở. Con sông trước cửa nhà tôi, xưa giờ ôm vườn cây, đồng lúa chỉ là một nhánh sông nhỏ của dòng Cổ Chiên từng mang phù sa bồi đắp ruộng vườn đang chảy tràn trong trí nhớ, dần hiện ra. Nước trong xanh mùa thu dịu mát, nước đục ngầu mùa nước nổi lênh láng về. Nơi bến nước có cây còng gie ra tỏa bóng mát, bọn con nít hay ào xuống đó tập lội, tắm sông.

Giờ đây, ba nói đang cạn dần và ba cố hết sức mình chắt từng giọt nước ngọt cuối cùng cứu cây lúa, vườn cây, dù biết chắc vụ này sắp trắng tay. Thương cây lúa nuôi mình, nỡ lòng nào ngồi nhìn lúa từng ngày gục chết, ba thao thức vô ra. Mùa nhọc nhằn hằn trên vầng trán, đôi mắt trũng sâu sau nhiều đêm trăn trở, nhìn cảnh ruộng nứt nẻ mà thương đôi chân ba đến vô cùng! Cái khăn vắt vai rớt hoài theo giọt nước mắt già nua, bàn tay ba chai sạn lau vội mà rưng rưng không thành tiếng. Đêm nhớ tiếng dế nỉ non kêu bạn tình sum hợp, nghe ba trở mình tằng hắng, khúc khắc ho.

Vốc nước ngày xưa từng khỏa vào lòng xiết bao nhung nhớ, uống ngụm nước quê nhà sao ngọt lịm lòng ta. Dòng sông ơi! Cánh đồng xa! Giờ không tôm cá, cánh chim chiều cũng vắng bóng trời xanh. Hạn mặn rồi bà con ơi! Tiếng thảng thốt gọi nhau rơi lưng chừng xa xót. Ò… ó… o… o… tiếng gà gáy trưa khàn hơi mỏi mệt rồi nằm dụi bên gốc chuối rủ tàu. Nước mặn xâm nhập sâu, thiếu nước ngọt về bà con mình khốn khó, tìm cách nào để khắc phục đây? Lời khẩn thiết bà con quê giục nhau nghe hối hả. Giàn bầu, giàn bí khô dây, trái quéo cùng chia bùi sẻ ngọt giữa mùa hạn hán mà thương để đâu cho xiết? Nghĩa đồng bào! Tiếng ấy cất lên nghe ấm lòng lúc mùa màng thất bát, cùng bọc mẹ Âu Cơ bà con quê tôi chung tay qua cảnh nguy nan.

Tôi nhớ tháng tám mùa về, theo con nước bạc cá tôm vùng vẫy chỉ cần quăng lưới xuống dòng là đủ cả nhà ăn. Tôi, chân trần dò giẫm bên mép nước vớt “con nước” lên cho tan rồi thả xuống, phù sa dính đầy kẽ móng chân mới thấy cái mộc mạc quê mùa vẫn còn trong tiềm thức, chưa phai. Khi nước xuống màu đỏ nâu nơi phù sa bồi đắp như đánh dấu “cột mốc chủ quyền”. Người xa quê nương vào đó mà tìm về nguồn về cội. Mùa theo mùa lắng đọng một lớp đất màu mỡ cho bà con mình trồng cấy. Cây hớn hở reo cho trái chín đầy cành, lúa thương người dày công chăm bón cũng rung rinh cười trong nắng sớm, hừng đông. Cuộc sống yên bình, sung túc ấm no bà con mình luôn biết ơn phù sa mang tới.

Tôi nhớ mãi phù sa trong vời vợi nhớ và cánh chuồn nghiêng nắng lúc ban trưa. Đám con nít hay ngồi rình bắt con chuồn chuồn cho cắn rún thiệt đau cho mau biết lội. Một trò chơi dung dị đến buồn cười. Trẻ con nào miền sông nước chẳng mơ biết lội để lặn hụp cho phù sa dính đầy hai bên mép như chú hề trong tuồng cổ nó từng xem. Vô tư vui, rồi thả hồn theo cơn mưa đầu mùa xâm xấp nắng, lại nhìn con chuồn chuồn hong đôi cánh mỏng, dệt mơ ước xa xôi. Nhớ tháng ba mưa nắng mới như đùa, bất chợt đến, bất chợt đi đỏng đảnh như chị nhà quê giận dỗi. Khi xa sông, xa ruộng đồng vội vội, thao thiết nhớ cánh cò mà thương mà nhớ cái thuở chăn trâu. Tuổi thơ của mình đâu? Tôi muốn chạy về bên sông quệt nắm đất lên hít mùi bùn quen thuộc, muốn chạy ra cánh đồng làng ngắm con cò trắng thong thả bay. Có hay không, ai ngăn dòng sông chảy. Nước cạn đồng, ai đó có chạnh lòng đau? Ba lặng nhìn cảnh đất bạc màu, thương những chiếc lá non mềm chưa kịp xanh đời đã vội thay nhau tàn úa. Nó chẳng biết băn khoăn khi tàu rủ lá, chỉ biết hiến dâng đến tận cùng vì đã sống hết mình.

Trăng còn treo trên đỉnh trời cô lẻ, tôi ngước nhìn chợt thấy chị Hằng thoáng chút ưu tư. Nước đâu còn miên man chảy cho chị tha hồ thả bóng soi gương, đùa giỡn theo từng cơn sóng gợn. Tôi da diết nhớ chiếc xuồng cắm bên bờ đợi, vừa cất tiếng 'Má ơi', cũng đủ xốn xang lòng. Bên mé sông, cây sào tre khô quăng tiếng thở dài, rồi vặn mình răng rắc giữa ban trưa nghe đứt ruột.

Thương ba má, tôi chạy về tìm lại đục trong, nơi bến cũ, bàn chân như mắc cạn giữa dòng sông xưa. Nghe trong xào xạc gió đưa, tiếng rơi thảng thốt khóc mùa cằn khô. Tôi băng đồng nghe rưng rưng đất khóc. Cây lúa trách đời mình nghẹn hạt còn đâu. Bà con đang khát cả một vùng châu thổ sông sâu, tôi đứng đây muốn ôm nước vào lòng mà còn đâu nữa, hạt phù sa giờ se mình làm hạt bụi, nhỏ nhoi. Vườn cây xanh khát nước sắp trơ cành buồn tủi, lặng im nghe: “Cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ…”. Câu hát vang lên nói thay lòng người khắc khoải chờ mong. Phù sa ơi! Thương nhớ đến vô cùng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.