Sống nhếch nhác giữa dự án 'treo' gần 20 năm giữa trung tâm thành phố

Lê Tân
Lê Tân
12/11/2018 15:58 GMT+7

Hơn 80 hộ dân tổ dân phố số 3 Đông Chính, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng sống trong cảnh lụt lội , nhà cửa xuống cấp gần 20 năm qua, vì những vướng mắc trong dự án KĐT mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi.

[VIDEO] Gần 20 năm sống chung với chuột bọ, rác rưởi trong dự án “chưa về đích”
Tổ dân phố số 3 Đông Chính nằm ngay sau Trung tâm thương mại Parkson, BigG và Lô 22, một trong những khu dân cư mới và đẹp nhất Hải Phòng. Nhưng trái ngược với sự hoành tránh, to đẹp này, tổ dân phố số 3 là một khu dân cư nhếch nhác, lụp xụp.
Con đường chạy dọc khu dân cư vốn là đường liên xã, nay gần như bỏ hoang và lởm chởm đá, nhiều đoạn ngập nước cả tháng sau mỗi trận mưa. Cạnh đường là những ngôi nhà bỏ hoang nằm xen kẽ những ngôi nhà ẩm thấp, xuống cấp, xung quanh cỏ mọc um tùm và rất nhiều rác.
Sống nhiều năm trong cảnh bồn chồn trông ngóng dự án được dứt điểm nên người dân ở đây rất nhạy cảm với người lạ. Thấy chúng tôi, một số người xúm lại bàn tán. Khi biết chúng tôi là phóng viên, bà con như vớ được chỗ trút bức xúc nên thay nhau bày tỏ ý kiến.
Bà Vũ Thị Nhỏ (75 tuổi, sống 45 năm tại đây) nói: “Năm 2000, chúng tôi nhận được thông báo giải tỏa để làm dự án, đến nay đã 18 năm mà không có tiến triển gì. Đất đá cứ đùn lên, cống rãnh ứ đọng, đường sá hỏng hết”. Bà Nhỏ chỉ tay vào bức tường đầy rêu mốc và cho biết trời chỉ mưa to tầm 10 phút là nước tràn từ ngoài đường vào trong nhà, người dân phải trèo lên giường để sinh hoạt.
Để chứng minh cho lời bà Nhỏ, ông Phạm Trọng Vũ (74 tuổi, ngụ số nhà 380) dẫn chúng tôi vào nhà để xem con trai ông đang hì hục múc nước đọng vào xô đem đi đổ. “Mưa dừng 1 tuần rồi nhưng khu này thấp mà đọng nước, nên nước ngầm cứ đùn lên, múc mãi không hết”, ông Vũ bức xúc. Để ngăn nước tràn thêm vào nhà, ông Vũ phải nâng nền nhà lên cao đến 50 cm nhưng không có kết quả.
Đằng sau nhà ông Vũ là một khu đất rộng lớn, cỏ mọc um tùm. Nhiều vật liệu công trình được tập kết ở đây đã bất đầu xuống cấp, hư hỏng. “Ngày xưa, khu đất này là đầm nước. Từ khi có dự án, đầm nước bị lấp đi để phân lô lấy đất tái định cư. Thế rồi cứ bỏ đấy cho cây cỏ mọc um tùm”, ông Vũ thông tin. Ngoài ra, nhiều người ở nơi khác còn tưởng đây là khu vực bỏ hoang nên mang rác, chất thải xây dựng đến đổ.
Sống trong cảnh lụt lội, u ám là thế nhưng hơn 80 hộ dân ở đây vẫn không di dời. Lý giải điều này, đại diện các hộ dân, ông Phạm Văn Vũ cho biết: “Người dân rất ủng hộ dự án nhưng có 2 nguyên nhân khiến chúng tôi chưa đi được. Một là giá đền bù quá thấp, chỉ có 100.000 đồng/m2. Nhà tôi hơn 130 m2 được đền bù có hơn 11 triệu tiền đất (chưa tính công trình) thì làm sao chịu được. Thứ 2 là nhà nước cũng chưa rõ ràng việc bố trí tái định cư. Nhiều gia đình đã bàn giao đất lâu rồi mà vẫn phải đi thuê nhà để ở.
Chính quyền sẽ “xử” theo luật
Trao đổi với Thanh Niên, ông Chu Hoàng Hải, Phó trưởng phòng TN-MT quận Ngô Quyền, cho biết khu dân cư số 3 Đông Chính thuộc lô 20, 21, khu vực bố trí tái định cư của Dự án đường Ngã 5 - sân bay Cát Bi. Đúng như ý kiến của người dân, ông Hải xác nhận: “Các kiến nghị của người dân, chúng tôi đều đã nắm được. Về cơ bản có 2 nguyên nhân khiến bà con chưa di dời. Một là họ chưa đồng tình với giá đền bù, hai là chưa đồng ý với điểm bố trí tái định cư”.
Theo đó, việc dự án thực hiện phương án giải phóng mặt bằng của dự án không đồng bộ mà làm theo từng cụm dân cư. Do vậy, các hộ dân có thể chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 là các hộ đã kiểm kê, lập phương án đền bù trước năm 2014. Nhóm này được đền bù bằng cách áp giá đất và tiền đền bù đất sẽ ít. “Với những hộ dân chưa nhận tiền thuộc nhóm này, thành phố đã có quyết định hỗ trợ thêm tiền kiến trúc, vật tư để người dân đỡ thiệt. Ai nhận tiền rồi thì thôi”, ông Hải thông tin.
Nhóm 2 là các hộ dân được kiểm kê, lập phương án đền bù sau 1.7.2014. Các hộ này sẽ được thành phố thuê đơn vị tư vấn lập bảng giá theo vị trí và giá thị trường. Sau khi có bảng giá hợp lý, thành phố sẽ phê duyệt và chuyển cho quận giải phóng mặt bằng. “Về giá thì tất cả đều phải theo luật. Chúng tôi không thể tự ý làm gì được. Khi thành phố đã quyết thì chúng tôi sẽ làm, các hộ cố ý chây ì sẽ bị cưỡng chế”, ông Chu Hoàng Hải nói.
Về việc người dân phản ánh chưa được bố trí chỗ tái định cư nên chưa đi, ông Chu Hoàng Hải giải thích: “Các hộ dân tại đây được ưu tiên tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, có hộ đã bàn giao mặt bằng, có hộ không, nên mặt bằng chưa sạch, chưa thể trao quyết định tại định cư được. Thứ 2, khu đất cạnh đó cũng được bố trí để người dân chọn nhưng đa phần họ không thích vì cho rằng nơi này trước là bãi tha ma. Tuy nhiên, chúng tôi đang đẩy mạnh tiến độ và sẽ giải quyết dứt điểm tồn tại ở khu vực này trong thời gian tới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.