Sống ở Cuba: Di sản ‘quý tộc’

03/01/2017 09:01 GMT+7

Gần 400 năm là thuộc địa của Tây Ban Nha để lại di sản rất lớn trong văn hóa Cuba, đặc biệt là “cốt cách quý tộc” châu Âu.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng các môn nghệ thuật hàn lâm như hội họa, nhạc cổ điển và đặc biệt là ballet từ lâu đã là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Cuba.
Nét quý phái kế thừa
Có thể nói, Cuba là một trong những nước đứng đầu thế giới về ballet. Những buổi diễn thường xuyên diễn ra và người xem đông nườm nượp. Giá vé cho loại hình này khá rẻ vì được chính phủ hỗ trợ.

tin liên quan

Sống ở Cuba: Bóng ma cấm vận
Đối với người Cuba, cấm vận là nguyên do dẫn đến mọi khó khăn, thách thức mà họ phải đối mặt trong hơn nửa thế kỷ qua.
Trong khi người nước ngoài tại Cuba phải trả khoảng 20 - 25 USD thì dân Cuba chỉ trả 20 - 25 peso (khoảng 1 USD) mà chỗ ngồi không khác gì nhau. “Ở Cuba, những nghệ sĩ múa ballet rất được công chúng quý trọng và hầu hết họ đều có thể kiếm tiền nhiều hơn bác sĩ”, một người bạn Cuba cho biết.
Tôi may mắn được dự buổi khai mạc Liên hoan ballet quốc tế Habana diễn ra tại thủ đô Havana. Đây là một trong những sự kiện nổi bật nhất thế giới trong năm của bộ môn này. Nhà cửa ở Cuba xập xệ thế nào thì nhà hát trái ngược hẳn, đẹp lung linh.
Ngày thường có thể phải “chạy ăn từng bữa” nhưng đến buổi diễn, khán giả đều mặc đúng trang phục dạ hội, sang trọng và quý phái không ngờ. Một số người mặc áo vest đã cũ nhưng được ủi phẳng phiu, đôi giày “Tây” có phần mòn vẹt nhưng được chùi kỹ lưỡng.
Họ vẫn tự tin đến thưởng thức bộ môn nghệ thuật cao cấp này.
Luôn xếp hàng, không xả rác
Đường sá ở Cuba rất sạch sẽ. Bất cứ đâu, người dân đều đứng xếp hàng, không chen lấn. Tuy nghèo nhưng cuối tuần, gia đình thỉnh thoảng vẫn tổ chức ăn uống, vui chơi, đi nghỉ dưỡng. Có tiền thì đi hạng sang, ít tiền thì đi hạng “bèo”.
Anh Lê Hà, phóng viên TTXVN tại Cuba, cho biết: “Học sinh ở đây khi chọn trường đại học thường đặt khả năng và sở thích lên hàng đầu chứ không chạy theo trào lưu, xu thế thị trường. Khi mua đồ, nếu không có giá niêm yết, người Cuba thấy giá phù hợp thì mua chứ ít mặc cả vì họ nghĩ người bán cũng cần phải có lời. Không ai chỉ chăm chăm cái lợi cho bản thân trước”.
Hôm ấy là buổi tri ân Alicia Alonso, một trong những nghệ sĩ ballet vĩ đại nhất thế giới. Bà cụ 90 tuổi trong chiếc đầm diễn màu đỏ đi phải có người dìu nhưng vẫn cố gắng nghiêng đầu, nhún chân chào khán giả.
Cả khán phòng đồng loạt đứng dậy vỗ tay không ngớt, đầy trân trọng và tự hào. Được hòa mình trong không khí như thế, nhìn cách mọi người tôn vinh như thế mới thấy người Cuba yêu ballet đến dường nào.
Họ yêu thích thật sự, không “làm màu” để chứng tỏ “ta đây có trình độ thưởng thức”.
Từng học và hiện đang làm việc tại Cuba, anh Nghiêm Xuân Quang, Giám đốc tiếp thị Công ty Thái Bình, cho biết cuộc sống người Cuba tuy chưa hẳn sung túc nhưng rất biết quý trọng bản thân, ra đường quần áo lúc nào cũng phẳng phiu, chị em luôn sử dụng nước hoa thơm phức dù chỉ là loại rẻ tiền.
“Con tôi chưa tới 1 tuổi, đi tiêm chủng đã phải mang giày như tất cả trẻ em ở đây, trong khi ở VN con nít cỡ đó chỉ mang vớ. Điều này chứng tỏ ngay từ bé, người Cuba đã hình thành nếp nghĩ ra đường là phải mang giày ngoài việc bảo vệ chân còn vì lịch sự”, anh nói.
Tình làng nghĩa xóm
Tôi ở nhà Nguyễn Trọng Việt, bác sĩ người VN làm việc tại Trung tâm tim mạch tỉnh Villa Clara, đúng lúc khu phố anh bị cúp nước. Nhà Việt lại không có bồn chứa lớn, nên chỉ trữ được trong 2 thùng phuy. Vì thế, lúc tắm, mỗi người chỉ dùng một xô nhỏ. Đến ngày thứ ba, nước cạn sạch. Mọi người phải ngưng tắm, nước chỉ dùng để nấu uống.
“Bình thường khu này không thiếu nước. Buổi sáng cấp nước từ 6 - 10 giờ, buổi chiều từ 17 - 21 giờ. Đợt này do đường ống bị hư, nên thiếu nước cả một vùng. Nhiều nhà phải bỏ tiền thuê xe bồn ở nơi khác đến châm nước”, anh cho biết.
Gần nửa đêm, xe bồn đến châm nước một nhà trong xóm. Nhà nào xung quanh cũng nháo nhào. Cảnh tượng này gợi tôi nhớ đến thời bao cấp ở VN, nước cũng có lúc quý hiếm như thế. Đôi lúc có nước mừng còn hơn bắt được vàng. Trong những lúc khó khăn, tình hàng xóm láng giềng càng bộc lộ rõ. Bà chủ nhà kiếm mua được xe bồn nước, sau khi bơm nhà mình xong đã hào phóng san sẻ sang các nhà khác. Những nhà này lại tiếp tục chia chút nước mới có cho các nhà cạnh bên.
Lãnh tụ Fidel Castro từng nói: “Giúp người không phải là cho thứ mình dư thừa mà chia sẻ chút ít mình đang có”. Điều này thật sự đúng với dân Cuba. Việt kể sở dĩ người Cuba có thể sống qua những giai đoạn khó khăn nhất là do họ luôn đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau. Nhà ai khổ quá, bà con láng giềng sẽ cùng cho thức ăn, đồ đạc sinh hoạt.
“Con tôi mới sinh toàn xài đồ tặng. Đó là cái nôi xài rồi của bà hàng xóm, là áo quần cũ của bà con, của bệnh nhân cũ, là mớ tã của bạn bè… Mọi người đều nghèo, chẳng ai giàu hơn nhưng khi ai có chuyện họ sẽ xúm lại giúp”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.