Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 3: Ngõ siêu nhỏ

25/01/2013 10:07 GMT+7

Ở phố cổ Hà Nội có khá nhiều ngõ ngách chật hẹp. Nhưng mọi sinh hoạt dân phố đều lệ thuộc vào những cái ngõ siêu nhỏ này.

Ở phố cổ Hà Nội có khá nhiều ngõ ngách chật hẹp. Nhưng mọi sinh hoạt dân phố đều lệ thuộc vào những cái ngõ siêu nhỏ này.

>> Kỳ 1: Nhật ký một đêm phố cổ

Người béo phải nghiêng, người cao phải cúi

“Ở cái ngõ này người béo phải đi nghiêng, người cao phải cúi” - bà Nguyễn Thị Huệ (68 tuổi), một cư dân của ngõ 24 Hàng Điếu, cho biết. Con ngõ ấy nơi hẹp nhất chỉ 49,5cm, chỗ rộng nhất 61,5cm, nơi thấp nhất 1,68m. Ngõ không dài nhưng phần phía trong không có ánh sáng trời nên 24/24 tối mù mịt, muốn đi vào trong ngõ phải bật đèn từ ngoài. Đã thế có đoạn lại trồi lên mấy bậc ximăng, đi ban ngày bật đèn pin không cẩn thận vẫn ngã dúi dụi.

 Ngõ siêu nhỏ 1
Ngõ 24 Hàng Điếu chỉ vừa khít một người đi - Ảnh: My Lăng

“Trước nó rộng được 70cm, vách bằng liếp hơn 20 năm. Năm 2004 người ta lấy lại tường, xây tường con kiến nên mới chật như thế”, bà Huệ cho hay. Ngõ nhỏ đến mức bế cháu nhỏ phải bế thẳng, nếu bế bên hông phải đi nghiêng song song với bờ tường. Đang đi mà có người ở ngoài muốn vào phải nhường nhau một người đi trước. Ngõ hẹp đến nỗi khi có việc dắt xe đạp ra phải ép sát lưng vào tường, phải lách, phải nhích từng chút một. “Đánh vật với nó ít nhất 10 phút mới ra được dù ngõ chưa đến 20m”, bà Huệ chia sẻ.

Căn nhà bà Huệ trước là hầm trú máy bay. Vì nhà quá nhỏ nên khi con dâu bà sinh đứa thứ hai, vợ chồng người con út đã xin về nhà ngoại bên phố Khâm Thiên. “Thoắt cái đã 14-15 năm. Ngày đám cưới nó tôi phải mượn nhà người bạn ở 37 Hàng Điếu, mượn luôn cả lối đi dọc phố lấy chỗ đặt bàn” - bà Huệ trầm ngâm hồi tưởng.

Kỷ lục con ngõ nhỏ nhất thuộc về ngõ 34 Hàng Da với chỗ rộng nhất 60cm, nơi hẹp nhất chỉ có 46cm do lồi ra một cột chống ximăng. “Năm 1980, người ta đục bớt một góc cái bờ tường lồi ra ấy, vừa đúng chỗ tầm tay để dắt xe đạp ra chứ nó nhỏ quá, không ngồi lên xe mà đi được” - ông Lê Thanh Bình (45 tuổi), một người dân trong số nhà 34 Hàng Da, cho biết.

“Ở ngõ tôi, tất cả những ai có xe đều đưa hết ra vỉa hè khóa lại, cũng phải đến 10 chiếc. Được cái ở đây rất an ninh, lại gần bar, có người thức đêm bán hàng nước và taxi đỗ nhiều, mười mấy năm nay chưa bao giờ mất xe” - anh Hoàng Văn Xuân, một người dân ở ngõ 44 Hàng Buồm, cho biết.

Cũng có người không dám đi xe tay ga xịn, phải đổi xe khác. Đó là câu chuyện có thật của anh Ngô Văn Tín ở ngõ 80 Đồng Xuân. “Ngày mới về đây tôi đi xe Dylan, ở được 2-3 ngày tôi phải bán rẻ đi mua xe Dream. Người ở đây hạn chế xe tay ga, chỉ mua xe rẻ tiền. Xe tay ga vào đây hay bị sứt sát. Đến cái xe máy nhỏ còn phải tháo núm, bẻ bớt một bên gương, đi vừa khít hai vai”, anh Tín chia sẻ.

Ngõ siêu nhỏ 2
Rửa chén bát ngay tại lối đi chung là hình ảnh quen thuộc ở rất nhiều con ngõ trong phố cổ (ảnh chụp ở 14-16 ngõ Gạch) - Ảnh: My Lăng

Tắt điện là không nhìn thấy nhau

Ít ai ngờ phía trên tầng hai của căn biệt thự cổ ở 14-16 ngõ Gạch lại là những căn phòng bằng gỗ, ván ép đã mấy chục năm nay, đêm cũng như ngày, chìm trong bóng tối ảm đạm, hun hút. Bật đèn pin từ điện thoại để dẫn chúng tôi vào thăm nhà, bà Nguyễn Thị Nga (55 tuổi) bảo: “Những nhà ở trên gác này ai cũng mua điện thoại có đèn pin để lên cầu thang, ngày cũng như đêm. Nhà lúc nào cũng phải có điện 24/24. Tắt điện là không nhìn thấy nhau”.

Hai cánh cửa nhà bà Nga chỉ mở được một bên (rộng 40cm), vừa đủ để một người đi vào. Nếu mở thêm một cánh nữa thì chướng ra lối đi chung. “Dân phố cổ ở chật chội vậy đấy. Ngày cưới tôi, nhà trai nhà gái đứng hết ở ngoài, chỉ một số đại biểu vào, nháo nhào một tí rồi về”, bà Nga vừa bước vào nhà vừa nói.

Sáu người, 14m2. Gác xép thì mọt, trở mình một cái là ẽo ọt. Mẹ chồng và mấy mẹ con bà Nga nằm ngủ ngay dưới sàn gỗ, là chỗ đi lại hằng ngày. Bề ngang chỗ ngủ chưa được 2m, xoạc chân là hết. “Mẹ chồng tôi đã 85 tuổi. Hằng tháng mới tắm gội cho cụ một lần vì cụ mắt kém, đi lên đi xuống cầu thang rất nguy hiểm. Mùa hè ở đây nóng như cái lò, nóng hơn ngoài đường, phải đổ hết ra đường tránh nóng. Đêm một người phải hai quạt. Tôi muốn gắn cái điều hòa nhưng không lẽ lại treo máy điều hòa lên liếp” - bà Nga than thở.

Con trai bà Nga năm nay 25 tuổi, làm nhân viên lái xe điện. Anh đã có người yêu được hai năm nhưng chưa dám dẫn bạn gái về nhà. “Có lần nó hỏi tôi: mai này con lấy vợ lễ gia tiên ở đâu. Tôi bảo làm lễ ở nhà gái thôi. Tôi động viên con: lấy vợ rồi mẹ thuê nhà cho ở... Khổ, nhà cửa thì bé tin hin. Cái cầu thang bê một mâm cơm lên phải lượn lách. Ngày 28 tết năm đầu tiên về đây tôi bị trượt chân vì cầu thang gỗ ọp ẹp, sẩy thai đứa đầu lòng”.

Chuyện tang ma ở ngõ nhỏ

Ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày chưa phải là đỉnh điểm cho cái sự chật chội, ngột ngạt ở phố cổ. Khổ sở nhất là khi có người cần cấp cứu hay tang ma.

“Vừa rồi ông Thạch cấp cứu lúc nửa đêm, xe bệnh viện đến đậu ngoài đường nhưng cáng cứu thương không sao lọt vào được, hàng xóm cõng ra cho kịp chứ không thì nguy”, anh Hoàng Văn Xuân kể. Còn ông Nguyễn Trọng Hào, ngõ 51 Hàng Bạc, cho biết: “Cấp cứu phải dùng cáng nhỏ. Còn không vào được thì phải cõng ra đường. Bị ốm chưa sợ bằng trong nhà có người chết. Con ngõ nhỏ đến cái xe đạp mini phải vừa dắt vừa lách mới vào được thì khênh áo quan đi làm sao lọt. Cho nên gia đình nào có ông bà trên 80 tuổi, ốm nặng, con cháu phải đưa ngay đến bệnh viện. Khi mất là đưa về nhà tang lễ Phùng Hưng chứ để trong nhà, mất, liệm rồi đưa thế nào ra ngoài được. Lúc đầu có gia đình có người mất trong nhà, phải quấn lại rồi chờ nhà tang lễ đến, loay hoay mãi mới đưa ra ngoài được. Sau lần đó, những hộ gia đình ở đây đều rút kinh nghiệm”.

Trên bờ tường ngay góc cầu thang của ngôi biệt thự cổ số nhà 14-16 ngõ Gạch vẫn còn dấu vết rất đặc biệt. Đó là một mảng tường hình chữ nhật đứng được trám lại bằng gạch, ngay góc cầu thang dẫn lên những hộ gia đình trên tầng hai. Bờ tường đó là một phần nhà anh Nguyễn Văn Khánh ở tầng trệt. “Ngày ấy trên tầng hai và gác ba còn nhiều ông bà già. Khi có người mất đưa áo quan xuống rất vất vả vì bị kích một phần ở chỗ gấp khúc của cầu thang. Nhà anh Khánh có một phía tường nằm áp vào cầu thang nên khi anh ấy xây nhà, những người trên gác đấu tranh mãi. Cuối cùng anh ấy cũng đồng ý. Đáng lẽ phải xây tường vuông vức nhưng có một khoảng chừa ra, che lại bằng ván liếp, như là tường nhà bị bom rơi trúng một lỗ hổng để lượn áo quan xuống không bị kích. Nghĩ cũng áy náy với nhà anh ấy vì mỗi lần như thế là anh ấy phải tháo miếng ván liếp ra, áo quan đưa vào cả một khoảng trong nhà người ta...” - bà Nga cho biết. Bây giờ người già trên gác không còn nữa. Nhà anh Khánh đã xây kín lại. Nhưng dấu vết của lần trám ấy vẫn còn hằn rõ trên bờ tường.

Theo My Lăng / Tuổi Trẻ

>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 1: Nhật ký một đêm phố cổ
>> Phố cổ Thới Bình
>> “Mượn” dự án giãn dân phố cổ để lừa đảo
>> “Giải mã” phở Cồ
>> Hỏa hoạn giữa phố cổ
>> Cháy nhà phố cổ Hội An, 3 người bị bỏng nặng
>> Khách 'Tây' khốn khổ ở phố cổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.