Nếu chỉ đặt chân đến đây để nhìn thôi, sẽ thấy làng Aruchour là một thiên đường. Nhưng để ở, nơi đó mỗi ngày là một hành trình chinh phục.
Phong cảnh tuyệt đẹp ở Aruchour
|
Tôi đến làng Aruchour (cách thủ đô Kathmandu của Nepal khoảng 260 km) lúc những cây hoa paiyu đã nở đầy đồng. Tiết trời bắt đầu chuyển sang đông và chỉ còn tầm 10 độ lúc đêm xuống. Chỗ tôi ở là nhà ông Ramakanta. Từ điểm xe khách thả đến nhà ông Ramakanta không xa lắm. Nhưng đường đi dốc đá và tối mịt. Theo sau tôi là ông bạn hàng xóm của Ramakanta cũng đi cùng. Anh bạn vác một bao hàng hóa đầy. Anh say và đi loạng choạng. Dĩ nhiên không phải say xỉn theo kiểu nhậu nhẹt. Mà vì ở miền núi lạnh quá nên người ta hay uống rượu để giữ ấm cơ thể. Chắc do anh uống nhiều nên đi được vài bước thì lại té cái rầm. Nhưng rồi anh lại hì hụi đứng dậy đi tiếp. Tôi lấy điện thoại soi đường cho anh. Tôi không biết nếu không có cái điện thoại của tôi thì họ sẽ đi lại như thế nào. Nhưng họ đã đi rất nhiều lần không có ai soi đường như thế và vẫn trở về nhà an toàn.
Công việc của tôi mỗi ngày là đến Trường Sarbodaya giúp cô Chinu dạy trẻ em học tiếng Anh. Thực ra tôi cũng chẳng giúp được gì nhiều. Nhưng các em vui vì có một cô giáo trẻ xuất hiện. Dạy học xong tôi ra đồng giúp nông dân làm ruộng. Thực ra tôi cũng chẳng làm được gì nhiều. Nhưng người trong làng thấy một vị khách du lịch lăn xả xuống ruộng thì họ vui. Còn tôi thì vui vì được chứng kiến cuộc sống của họ.
Ăn rau khô ở “thiên đường”
|
Nếu chỉ đặt chân đến đây để nhìn thôi, sẽ thấy làng Aruchour là một thiên đường. Có hoa paiyu nở trắng cánh đồng, có ruộng bậc thang nhấp nhô bắt mắt, có núi với mây phủ trắng xóa, có mặt trời mọc trong sương, có hoàng hôn lấp ló sau rặng tre già, có tiếng gà gáy buổi sớm tinh mơ, có bản đồng ca của muông thú, chim chóc. Nhưng thử một lần đặt chân xuống ruộng mới thấy cuộc sống của người dân ở đây khắc nghiệt đến nhường nào.
Vùng đất này, xung quanh là núi, trước mặt là núi, sau lưng là núi, hai bên là núi. Những phần đất canh tác được họ dùng hết vào việc trồng cây lương thực để không lo chết đói. Hết lúa chuyển sang ngô, hết ngô lại là codo (một loại giống kê), hết codo thì quay sang trồng khoai tây. Họ tận dụng thời gian không cho đất nghỉ. Họ cũng tận dụng hết khả năng sử dụng của mỗi loại cây. Như cây ngô, phần hạt dùng để ăn, phần thân bắp, cùi bắp phơi khô làm củi. Lúa và codo sau khi thu hoạch hạt, phần thân dùng làm rơm. Mỗi nhà đều trữ một đống rơm to đùng. Là để mùa đông, mùa hè cỏ không mọc được sẽ cho trâu bò ăn. Nhà nào không nuôi trâu bò thì đem rơm đi đổi lấy phân bò về bón cho ruộng. Vì hầu hết phần đất canh tác họ đã sử dụng triệt để nên không có chỗ cho cỏ mọc. Để cắt được cỏ tươi cho trâu bò, họ phải leo lên núi cao, đi băng băng qua những quả đồi và đội cả sọt cỏ về.
Mỗi nhà chỉ dám dành một mảnh đất nhỏ để trồng rau. Rau trồng một lần để ăn cả mùa. Nhưng rau nhanh già. Đó là lý do họ nấu rau rất nhừ. Vì nhừ thì xơ mướp mới mềm ra để mà nhai được. Vì nhừ thì vỏ đậu mới mềm để ăn được. Mùa hè nắng quá rau sống không được. Hoặc mùa đông lạnh quá rau không có ăn. Nên họ phải đem cải đi phơi. Phơi rất khô và bỏ vào trong bao cất trên kệ bếp. Để đến khi gặp thời tiết khắc nghiệt, họ có thể đem rau khô ra nấu.
Họ ở núi nhưng cũng thiếu củi. Vì cây to họ không dám chặt. Cây nhỏ lại không có để chặt. Nên vì thế họ không dám dùng củi để nấu nước dù trời rất lạnh. Họ chỉ tắm 1 tuần một lần. Nên hầu như đầu ai cũng có chấy.
Họ không có một thứ máy móc nào. Họ muốn cày một thửa ruộng thì đổi công nhau. Người có trâu cho mượn trâu, người có cày cho mượn cày, người có sức khỏe cho mượn sức khỏe. Họ trả công nhau bằng một bữa ăn. Bữa ăn cũng chỉ có cơm và rau. Cả làng cũng chỉ có một ông thợ may. Ai cần may thì ông thợ may ôm chiếc máy may chạy khắp làng. Họ đã sống và trải qua cái nghèo như thế.
Do cả làng chỉ có một ông thợ may nên khi ai cần thì ông thợ may này ôm chiếc máy may chạy khắp làng để phục vụ - Ảnh: Mỹ Linh
|
Cõng chữ về trường
Có lần, tôi cùng cô Chinu dẫn các em đi thi học sinh giỏi tiếng Anh. Cuộc thi có tên “Spelling Contest”. Sở dĩ ra đời cuộc thi vậy là vì ở vùng núi nghèo này, thiếu phương tiện để học tập. Sách vở, bút viết, từ điển đều là những thứ xa xỉ. Những thầy cô ở đây cũng chẳng qua một trường lớp sư phạm nào. Để giúp trẻ em học tiếng Anh, các thầy cô đọc một từ, các em ghi nhớ bằng cách đánh vần từ đó ra.
Mỗi trường chỉ có 5 em được chọn ra để đi thi. Có 10 trường trong quận Syanja về tụ tập lại. Từ Trường Shree Sabodaya đến Trường Shree Dara Daurali phải vượt qua 3 quả đồi dài và cao đằng đẵng. Đường đèo dốc khúc khuỷu, nhưng lũ học sinh dường như chẳng quan tâm đến đoạn đường. Chúng vừa đi vừa cầm giấy lẩm nhẩm từ vựng.
Chúng tôi mất 3 tiếng đồng hồ để đi bộ đến địa điểm thi. Cuộc thi bắt đầu từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều trong không khí trang nghiêm với đại diện hội đồng thi lên phát biểu, có trọng tài, kèn trống, thí sinh tuyên thệ đàng hoàng. Chủ tịch hội đồng thi đọc một từ, đội nào đánh vần từ đó đúng và nhanh thì sẽ ghi điểm.
Vị thầy giáo trẻ bước lên nhận cuốn từ điển và bằng khen tự chế từ gỗ trong niềm hân hoan và kiêu hãnh tột cùng - Ảnh: Mỹ Linh
|
Phần thưởng cho đội chiến thắng chẳng có gì, mỗi học sinh được một cuốn tập gói ghém trong mảnh giấy báo cũ mèm. Phần thưởng dành cho trường chiến thắng là một tấm bằng khen tự chế từ gỗ và một cuốn từ điển (ảnh 2). Cuốn từ điển nhỏ nhắn và tất nhiên không còn mới. Cuốn từ điển mà tôi nghĩ, ở đất nước tôi nó đã nằm yên trong một xó xỉnh nào đó vì thời nay chẳng ai xài từ điển giấy nữa. Nhưng vị thầy ấy đã bước lên bục chiến thắng, nhận cuốn từ điển trong niềm hân hoan và kiêu hãnh tột cùng. Tôi biết, cuốn từ điển ấy rồi sẽ được cả trường chuyền tay nhau như một báu vật. Tôi gọi đó là hành trình “lên núi cõng chữ về trường”.
Tôi đã khóc. Khi nhìn thấy hình ảnh vị thầy nâng niu cuốn từ điển như một báu vật. Tôi nhận ra ngôi làng Aruchour nghèo nhưng không đói. Vì những người dân nơi đây đã luôn luôn lao động không cho đất nghỉ, không cho đất ngừng. Tôi thấy các em học sinh ở đây thiếu thốn đủ bề nhưng chưa bao giờ thương hại các em. Vì tôi biết, rồi một ngày nào đó, các em sẽ vươn xa bằng những chuyến hành trình lên núi cõng chữ về trường như thế. Giống như người dân Nepal xa xưa ấy, họ đã đập từng quả núi để xây nên một đất nước có hình hài dáng vóc đẹp như bây giờ.
Nhưng tôi bắt đầu thấy thương hại không ít những bạn trẻ ở đất nước tôi - những người chỉ biết đòi hỏi “con đi học thì mẹ phải mua cái xe SH cho con, con làm bài tập thì mẹ phải cho tiền mua cái iPhone mới cho con”...
Bình luận (0)