Không biển hiệu, không quảng cáo rầm rộ nhưng gánh bánh mì đêm của bà Nguy ở 75 Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) từ lâu là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều tài xế, người lao động và cả những ai yêu thích khám phá TP.HCM về đêm.
Nhiều năm thức đêm buôn bán, bà Nguy chứng kiến biết bao sự thay đổi của thành phố này. “Ở TP.HCM, dù là đêm hay ngày cũng có thể mưu sinh, quan trọng là mình phải chịu thương, chịu khó”, bà khẳng định.
"Ban đêm dễ kiếm tiền hơn"
Đồng hồ vừa điểm 23 giờ, tôi có mặt ở gánh bánh mì của bà Nguy để thưởng thức chiếc “bánh mì ma” xem có ngon như lời đồn. Dù đã khuya nhưng số lượng người xếp hàng mua bánh mì rất đông. Đồ nghề của bà chỉ là một đôi quang gánh đơn giản, phía trên chất đầy bánh mì và các loại nhân như thịt xá xíu, tai heo, xíu mại, bì, chả lụa chiên… Tất cả đều do bà Nguy tự tay làm theo công thức riêng, bảo đảm chất lượng, an toàn.
Là một người con của TP.HCM, bà Nguy chia sẻ rằng thành phố này có rất nhiều điều đặc biệt mà hiếm nơi nào có được. Đêm và ngày dường như là hai thế giới rất khác biệt và ai ở đây cũng nên trải nghiệm đi chơi và ăn đêm một lần.
“Tôi bán từ 19 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, mỗi đêm được hơn 100 ổ bánh mì. Ngày xưa, tôi quyết định đi bán vào ban đêm vì thấy dễ có cơ hội kiếm tiền hơn. Ban ngày đông đúc, cạnh tranh lắm, thiếu gì người bán bánh mì. Nhưng đêm khuya, mua được một ổ bánh mì nóng hổi để ăn lót dạ không phải dễ”, bà Nguy nói rồi cười giòn tan.
Khách hàng của bà chủ yếu là tài xế xe công nghệ, người lao động và các bạn trẻ đi chơi về khuya. Với những người khó khăn, mua bao nhiêu bà Nguy cũng bán. Bà nói: “Đêm tối, ai chẳng muốn ở nhà ngủ thẳng lưng nhưng có nhiều người vì mưu sinh mà phải gắng gượng đi làm. Tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn khó khăn nên hiểu, mình buôn bán như vậy, giúp được ai thì mình giúp”.
Kể về những đêm thức trắng để mưu sinh, bà Nguy lại cười, nói rằng làm ban đêm nhiều lúc cũng vất vả, thiếu ngủ, mệt mỏi. Nhưng năm rộng tháng dài, bà đã quen với nhịp sống đó.
Người phụ nữ kể: “Ai cũng nói tôi sống ở Việt Nam nhưng sinh hoạt theo giờ Mỹ vì ngày ngủ, đêm thức. Mà chỉ có những ai hay đi đêm, mới được cảm nhận một TP.HCM rất khác, yên tĩnh, chậm rãi, nhẹ nhàng. Ngày xưa mới đi bán cũng hay lo chuyện trộm cướp nhưng bây giờ an ninh thắt chặt, đã đỡ nhiều rồi. Vả lại, khu Q.1, Q.3, khuya cỡ nào cũng có xe chạy”.
"TP.HCM không phụ lòng ai"
Nhiều năm qua, gánh bánh mì nhỏ đã giúp gia đình bà Nguy có cuộc sống ổn định hơn, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Bà tâm sự rằng, những người buôn bán vào ban đêm như bà, trước đây cũng vì miếng cơm manh áo. Nhưng lâu dần lại thành quen, nếu đêm nào kẹt việc không đi bán được, bà Nguy thấy buồn và trống trải trong lòng.
“Sống ở đây, ai cũng phải cố gắng làm việc. Các bạn trẻ thì cố gắng học tập để sau này có cuộc sống ổn định, không phải lam lũ ngoài đường. Chỉ cần mình chịu khó một chút, TP.HCM sẽ không phụ lòng đâu”, bà cười, ánh mắt lấp lánh niềm tin.
Tôi hỏi bà Nguy, buôn bán nhiều năm sao không tích góp mở tiệm để an nhàn hơn, bà chỉ lắc đầu cười, tay vẫn thoăn thoắt làm bánh mì cho khách. Bà nói, mua nhà, mở cửa tiệm ở TP.HCM là ước mơ của hàng triệu người nhưng chẳng hề dễ. Ở đây, mỗi tấc đất đều là tấc vàng, có mái nhà sinh sống là đủ rồi chứ không mong cao sang.
“Tôi chỉ cầu trời được khỏe mạnh để còn tiếp tục làm bánh mì và gặp gỡ mọi người. Nhỏ bé vậy thôi chứ gắn bó với tôi cả đời”, người phụ nữ nói.
Gánh bánh mì của bà Nguy không chỉ là nơi dừng chân cho những chiếc bụng đói, mà còn là một phần vẻ đẹp của TP.HCM về đêm. Với bà, cuộc sống không cần quá giàu có chỉ cần đủ ăn, đủ sống, được làm nghề mình thích đã là hạnh phúc.
Là một “cú đêm” chính hiệu, anh Huỳnh Phi Long (24 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) tiết lộ, gánh “bánh mì ma” của bà Nguy là một trong những điểm ăn đêm hot nhất TP.HCM.
“Vỏ bánh mì giòn tan, nóng hổi, thịt xíu mại cô làm ngon. Viên thịt mềm, nước sốt chua ngọt thêm vài lát ớt xanh ăn rất cuốn. Hôm nào đi chơi đêm về muộn, ghé vào ăn một ổ, sẵn ngắm nhìn TP.HCM về đêm. Tôi thích thành phố này vào ban đêm lắm, không kẹt xe, không vội vã. Nhưng bản thân cũng đang cố gắng để sắp xếp lại giờ giấc sinh hoạt chứ thức đêm nhiều cũng có hại cho sức khỏe”, anh Long chia sẻ.
Nếu có dịp, bạn hãy thử một lần lang thang TP.HCM khi trời về khuya, nếm thử ổ bánh mì nóng hổi từ gánh hàng rong và cảm nhận nhịp sống chậm rãi. Bạn sẽ thấy, TP.HCM không chỉ là nơi để sống, mà còn là nơi để thương.
Bình luận (0)