Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương

13/10/2024 12:53 GMT+7

'Ở thành phố Hồ Chí Minh từ nhỏ tới lớn, mấy chị em tôi sống được là nhờ sự đùm bọc, giúp đỡ của hàng xóm láng giềng, chính quyền địa phương', bà Lộc (56 tuổi, ngụ quận 3) một người chuyển giới nữ câm điếc thuộc cộng đồng LGBT chia sẻ đầy biết ơn về 'tình làng nghĩa xóm'.

* LTS: Từ trung tâm đến ngoại ô, thành phố Hồ Chí Minh lâu nay nổi tiếng là đất dễ sống, "cưu mang, che chở, giúp đỡ" mọi người từ cả nước về sống và làm ăn. Ở đó có những xóm trọ, khu phố nghĩa tình, láng giềng thương mến, giúp đỡ lẫn nhau. Dẫu vậy, cũng có không ít câu chuyện hàng xóm mâu thuẫn, tranh cãi "rùm beng" từ đời thực đến mạng xã hội, thậm chí không nhìn mặt nhau.

"Bán bà con xa mua láng giềng gần" hay "Đèn nhà ai nấy rạng", tình nghĩa hàng xóm láng giềng ở thành phố Hồ Chí Minh ngày nay có đổi thay?

"Nhờ láng giềng mà gia đình tôi sống tới giờ này!"

Ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm đến một khu chợ nhộn nhịp vào buổi sáng nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (quận 3). Khi hỏi một vài tiểu thương buôn bán ở đây rằng: "Nhà của mấy chị em câm điếc bán xe nước đầu hẻm ở đâu cô/chú?", dường như ai cũng biết, nhiệt tình chỉ đường kèm theo câu nói: "Nhà này khổ lắm! Tới tặng quà hả?".

Men theo dòng người, xe đi chợ buổi sáng vào sâu trong hẻm, tạt vào những nhánh hẻm nhỏ hơn, tôi tìm đến được nhà của các chị em bà Trần Văn Lộc. Căn nhà nhỏ chưa tới 24 m2, nhưng là nơi sinh sống của gần 10 người.

Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương- Ảnh 1.

Chị em bà Lộc sống trong căn nhà nhỏ ở quận 3, đùm bọc nhau sống

ẢNH: CAO AN BIÊN

Bà Lộc, một người thuộc cộng đồng LGBT bị câm điếc bẩm sinh. Nhà có 9 anh chị em, đã có 5 người câm điếc. Ngoài bà Lộc, còn có hai người chị câm điếc khác sống trong nhà. Chỉ vào bàn thờ của người anh tên Trần Đình Chuẩn nghi ngút hương khói, bà ra hiệu, cho biết ông vừa mất cách đây ít ngày ở tuổi 73. Đó là nỗi đau lớn của mấy chị em trong gia đình, không biết phải diễn tả thế nào.

Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương- Ảnh 2.

Dì Bảy ấm lòng với tô canh rau chị em bà Lộc mang sang nhà

ẢNH: CAO AN BIÊN

Thăm dò ý kiến

Mối quan hệ của bạn và hàng xóm như thế nào?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Cách đây vài tháng, bà Lộc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng. Sau những ngày điều trị ở bệnh viện, giờ đây, sức khỏe của bà ổn định hơn, da dẻ hồng hào. Nhưng bà Trần Thị Cúc (65 tuổi) chị bà Lộc thì lo lắng, bởi bệnh này khó lường.

"Chị em tôi câm điếc bẩm sinh, hoàn cảnh không được khá giả. Từ xưa tới giờ nhờ sự quan tâm, đùm bọc của chính quyền địa phương, của hàng xóm láng giềng xung quanh mới sống được tới giờ này. Mỗi ngày, láng giềng xung quanh có gì cho nấy, có rau cho rau, có mắm cho mắm… Vậy mà sống qua ngày.

Những dịp lễ, tết nhà tôi cũng được hỗ trợ gạo, thực phẩm. Chị em tôi cũng có xe nước nhỏ đầu hẻm bán từ trưa tới tối, buôn bán không là bao nhưng cũng có kế sinh nhai"

Bà Trần Thị Cúc, 65 tuổi
Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương- Ảnh 3.

Một người anh khiếm khuyết trong gia đình bà Lộc qua đời cách đây ít ngày, được con cháu, hàng xóm hỗ trợ làm tang lễ

ẢNH: CAO AN BIÊN

Những điều nhỏ xíu dễ thương

Cầm tô canh rau vừa được chị em bà Lộc đem qua nhà biếu "lấy thảo", bà Nguyễn Thanh Bạch (65 tuổi), còn được gọi là dì Bảy cảm thấy ấm lòng. Từ nhỏ sống ở khu này, hơn ai hết, dì Bảy biết được hoàn cảnh của gia đình bà Lộc.

Bà thương các chị em trong nhà hoàn cảnh không may vì câm điếc, cũng thương và đồng cảm với bà Lộc thuộc cộng đồng LGBT. "Hồi xưa mẹ mấy chị em này khá giả, nhưng sau đó làm ăn thất bại, gia đình khó khăn. Hàng xóm thấy thương, lâu lâu cho rau, cho đồ ăn qua ngày, có dịp nào đó thì kết nối với mạnh thường quân tới giúp đỡ, chính quyền cũng hỗ trợ nhiều lắm", dì Bảy kể.

Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương- Ảnh 4.

Các chị em không nghe nói được, giao tiếp với nhau bằng hành động

ẢNH: CAO AN BIÊN

Bà Nguyễn Thanh Xuân (60 tuổi) sống đối diện nhà bà Lộc cho biết mình cũng quen gia đình này từ nhỏ, vì các chị em bà ai cũng có khiếm khuyết, nên hàng xóm ai cũng thương. Người hàng xóm tâm sự dù gia đình khó khăn, nhưng cách sống của các chị em trong nhà với láng giềng "rất được".

Không chỉ vậy, những tiểu thương bán lâu năm ở chợ hầu như ai cũng biết hoàn cảnh của gia đình bà Lộc nên giúp được chút nào hay chút đó. Trong đó, có bà Lan, bán hải sản tươi sống cạnh xe nước của chị em câm điếc này hàng ngày.

Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương- Ảnh 5.

Ngày ngày bà Lộc đẩy xe nước đi bán

ẢNH: CAO AN BIÊN

Bà Lan kể chị em bà Lộc tuy không nghe nói được, nhưng sống tình cảm, thể hiện bằng hành động, cử chỉ. "Biết tôi là người kết nối với những nhà hảo tâm giúp đỡ cho gia đình lúc khó khăn, nhất là khi Lộc bị ung thư, Lộc mua cho tôi ly nước mía để tỏ lòng biết ơn. Món quà đâu có bao nhiêu, nhưng quan trọng là tình cảm dành cho nhau, uống mà thấy hạnh phúc", bà chia sẻ.

Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương- Ảnh 6.

Bà Lan (áo hồng) thương và thường giúp đỡ các chị em câm điếc

ẢNH: CAO AN BIÊN

Mang trong người căn bệnh ung thư quái ác, ngày ngày bà Lộc vẫn cùng những người chị của mình đẩy chiếc xe nước với dòng chữ: "Tôi là người câm điếc. Xin vui lòng chỉ tay vào món cần mua!" để mưu sinh. Dẫu vậy, bà không cảm thấy cô đơn trên hành trình kiếm kế sinh nhai cũng như chiến đấu với bệnh tật, bởi luôn có những người thân trong gia đình, những người hàng xóm tốt bụng luôn đồng hành, giúp đỡ, động viên.

Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương- Ảnh 7.

Xe nước với dòng chữ đặc biệt được khách ủng hộ

ẢNH: CAO AN BIÊN

6 chị em độc thân biết ơn hàng xóm, láng giềng

Ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ với không gian chật hẹp, trước cửa chất đầy ve chai ở hẻm 172 đường Tạ Uyên, quận 11 là nơi sinh sống của một gia đình 5 chị em lớn tuổi đều độc thân, đó là bà Phạm Vương Lệ (76 tuổi), Phạm Phụng Mỹ (71 tuổi), Phạm Phụng Ái (69 tuổi), Phạm Mai Muổi (67 tuổi) và Phạm Phụng Liên (64 tuổi). Còn bà Phạm Há, người chị cả trong nhà vừa qua đời cách đây không lâu bởi bệnh tai biến và tiểu đường.

"Lục Tiểu Phụng" cũng là biệt danh do hàng xóm đặt cho 6 chị em. Họ sống trong căn nhà đó từ nhỏ, sau khi cha mẹ mất ở với nhau như vậy, không lập gia đình. Đám tang của người chị cả cũng được hàng xóm, chính quyền địa phương và các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ tổ chức, thăm viếng chu toàn.

Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương- Ảnh 8.

6 chị em không chồng giờ còn lại 5 người, vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau

ẢNH: DƯƠNG LAN

Bà Ái cho biết, dù mọi người tuổi đã cao, không còn làm việc được nhiều nhưng không phải lo đến chuyện thiếu ăn, thiếu mặc. Bởi lẽ, nhiều người làm thiện nguyện, hàng xóm và chính quyền địa phương luôn quan tâm. Bà không biết nói gì ngoài lời cảm ơn đến mọi người. Tháng 7 âm lịch và Ngày truyền thống Hội người cao tuổi 1.10 vừa qua, mấy chị em cũng nhận được quà từ các tổ chức.

Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương- Ảnh 9.

Hẻm 172 đường Tạ Uyên nơi gia đình 6 chị em không chồng sinh sống

ẢNH: DƯƠNG LAN

"Mấy nhà xung quanh thấy chị em nấu ăn cũng thỉnh thoảng cho thêm bó rau, đồ ăn. Tôi không sợ mọi người không biết đến hoàn cảnh vì mỗi lần cần làm giấy tờ để nhận quà đều được khu phố, Uỷ ban nhân dân phường hỗ trợ. Năm ngoái chị tôi mất cũng được mọi người hỗ trợ trại hòm, tổ chức lễ tang trọn vẹn. Nói chung tôi không lo lắng gì nhiều, chỉ cần sức khỏe ổn là được", bà Ái bày tỏ.

Trưa trưa, bà Ái ngồi lặt rau chuẩn bị bữa trưa cho cả gia đình. Bó rau lang cũng được hàng xóm mang đến cho. Trong nhà, tài sản giá trị nhất là chiếc tivi màn hình phẳng được người lạ tặng để chị em có thêm niềm vui, xem các chương trình cho đỡ buồn.

"Hàng xóm còn gom ve chai rồi gọi chúng tôi đến lấy mà không phải trả tiền. Từ ngày chị đầu mất, dù tiếc thương nhưng không còn vất vả chăm sóc nên tôi từ 29 kg tăng thêm được 3 kg"

Bà Phạm Phụng Ái

Không tránh được những lần nghịch ý…

Bà Yến (50 tuổi), hàng xóm nhà "Lục Tiểu Phụng" cho biết, thấy hoàn cảnh mấy chị em nương tựa vào nhau bà thỉnh thoảng gom ve chai cho họ. Không phải riêng bà, nhiều nhà xung quanh cũng làm điều tương tự.

"Bán anh em xa mua láng giềng gần, hàng xóm cũng quan tâm đến họ. Xóm lao động nghèo không giàu có để cho nhiều tiền bạc nhưng vẫn hỏi thăm vì họ sống quá hiền lành, tội nghiệp. Năm ngoái gia đình mấy chị em có người nằm xuống, chúng tôi chạy đến viếng thăm, phụ giúp", bà Yến nói.

Theo bà Yến, không riêng gia đình 6 chị em mà ở xóm gia đình nào có chuyện lớn hoặc có người mất, hàng xóm đều giúp đỡ. Khu bà sống tập trung nhiều người Hoa, sau này có người miền Bắc cùng đến sinh sống.

Sống ở TP.HCM 'hơn nhau' bởi hàng xóm: Những điều nhỏ xíu rất Sài Gòn mà thương- Ảnh 10.

Bà Yến cho rằng không tránh khỏi những lần không vừa ý nhưng cố gắng để không mất đoàn kết

ẢNH: DƯƠNG LAN

"Khi sống chung một khu có thể không tránh được những lần trái ý nhau nhưng chúng tôi luôn nhường nhịn, không bỏ nhau mỗi lần nhà họ có chuyện. Trải qua đợt dịch Covid-19 không thể nói trước điều gì nên chúng tôi luôn cố gắng, hạ bớt cái tôi để hạn chế chuyện gây mất đoàn kết", bà Yến chia sẻ.

Ông Hùng, ở hẻm 172 đường Tạ Uyên, cho hay mỗi lần thấy chị em nhà "Lục Tiểu Phụng" đi qua ông đều hỏi thăm. Họ sống với nhau từ bé đến lớn, nhẹ nhàng, sống không mất lòng ai.

"Tôi cũng hay đưa ve chai cho mấy bà gom bán có thêm chút đỉnh mua đồ ăn. Bà cũng hay qua nhà người đối diện trò chuyện, không cô độc", ông Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.