Sòng phẳng không sợ thiệt

02/02/2015 05:14 GMT+7

Ngoài uy tín và chất lượng, một lý do quan trọng khiến hàng ngàn người bỏ thời gian, công sức xếp hàng mua vé xe tết của nhà xe Phương Trang vì giá vé của hãng này rẻ hơn các hãng khác do thực hiện giảm giá cước theo xăng chứ không phải vì khan hiếm vé.

Ngoài uy tín và chất lượng, một lý do quan trọng khiến hàng ngàn người bỏ thời gian, công sức xếp hàng mua vé xe tết của nhà xe Phương Trang vì giá vé của hãng này rẻ hơn các hãng khác do thực hiện giảm giá cước theo xăng chứ không phải vì khan hiếm vé.
Thực tế này cho thấy, các hãng xe nói riêng và các doanh nghiệp (DN) nói chung làm ăn sòng phẳng với khách hàng thì không bao giờ thiệt thòi.
Không chỉ không thiệt thòi mà họ còn được rất nhiều. Cái được đầu tiên là thiện cảm của khách hàng. Chúng ta đều biết, vận tải đang gây bức xúc cho tất cả mọi người, mọi nghề về sự chây ì giảm giá cước khi giá xăng liên tục giảm suốt nhiều tháng qua. Cơ quan quản lý cũng đang thống nhất sẽ "bêu" tên các đơn vị chây ì hoặc giảm cho có để người dân cũng như các đơn vị sản xuất tự phán xét cũng như có sự lựa chọn khi sử dụng dịch vụ. Trong bối cảnh này, những hãng xe thể hiện sự sòng phẳng tất nhiên được ủng hộ, không chỉ ở thời điểm này mà cả quá trình hoạt động lâu dài về sau. Làm ăn ngày càng khó khăn, càng cạnh tranh quyết liệt nên sự ủng hộ của khách hàng có thể khẳng định chính là "bảo hành vàng" cho sự tồn tại, phát triển của bất cứ DN nào.
Cái được thứ hai chính là "tiền tươi, thóc thật". Tính "thô" thì vì bán hết vé sớm, Phương Trang cũng có ngay khoản thu để có vốn quay vòng trong khi các hãng khác vẫn phải chờ đợi. Nhiều người xếp hàng mua vé của hãng Phương Trang hôm qua cho biết, nếu không mua được vé của hãng này, họ mới mua của hãng khác. Vì vậy, trong trường hợp có bán hết vé, các hãng khác cũng thu hồi vốn chậm hơn. Đó là chưa kể, dù việc giảm giá có thể làm lợi nhuận trên mỗi chiếc vé giảm chút ít nhưng bán nhiều, thu sớm, quay vòng vốn nhanh thì tổng lợi nhuận mang lại cho đơn vị này có khi còn lớn hơn. Đây cũng là cách mà hầu hết các DN áp dụng trong thời khủng hoảng kinh tế. Đó là lời ít, bán nhiều, thanh khoản cao. Nhìn rộng hơn, nếu mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi đơn vị đều biết "nhìn xa trông rộng" thực hiện giảm giá một cách sòng phẳng theo mức giảm của xăng thì độ lan tỏa từ việc giảm giá xăng dầu sẽ lớn hơn, rộng hơn. Giá thành giảm, sức mua tăng, tồn kho giảm... sẽ vực dậy kinh tế. Mà kinh tế tăng trưởng tạo ra thu nhập, người dân sẽ chi tiêu nhiều, sản xuất sẽ phát triển, DN sẽ hưởng lợi.
Nói như vậy không có nghĩa là cứ im lặng để chây ì là được. Các cơ quan quản lý, người dân và truyền thông đã và đang bắt đầu "điểm mặt" từng đơn vị, từng ngành không chịu giảm giá chứ không chỉ lên án chung chung như trước. Bởi vấn đề không còn là sự thiệt thòi của người dân mà sự chây ì này sẽ kéo nền kinh tế VN kém cạnh tranh so với các nước đang tận dụng tối đa lợi ích từ giá nhiên liệu giảm để tăng trưởng kinh tế. Đó là chưa kể, năm 2015 cũng là năm giảm thuế nhập khẩu hàng ngàn mặt hàng từ các nước Đông Nam Á vào VN. Các DN thiếu sòng phẳng, giữ giá cao liệu có cạnh tranh nổi với hàng hóa cùng chủng loại của các nước trong khu vực tại chính sân nhà khi không có sự ủng hộ của người tiêu dùng nội địa?
Đây gọi là "tham con tép, mất con tôm hùm" của những đơn vị kinh doanh thiếu chuyên nghiệp, rất khó tồn tại, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu của VN vào kinh tế khu vực và thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.