Sóng thần ở Việt Nam cơ quan nào chịu trách nhiệm cảnh báo ?

Kim Lan
Kim Lan
23/12/2018 12:28 GMT+7

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần có nhiệm vụ thực hiện báo tin động đất, cảnh báo sóng thần theo quy chế do Chính phủ Việt Nam ban hành.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) có chức năng "sử dụng kết quả điều tra nghiên cứu về vật lý địa cầu để thực hiện báo tin động đất, cảnh báo sóng thần theo quy chế của Chính phủ".
Nhiệm vụ của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần là thu thập, tiếp nhận số liệu và thông tin về động đất và mực nước biển cùng các số liệu liên quan khác về nguy cơ động đất, sóng thần trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam.
Dựa trên các số liệu thu thập được, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần tiến hành phân tích, xử lý, kiểm tra thẩm định số liệu và thông tin về động đất và sóng thần trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam và ở các vùng lân cận có khả năng ảnh hưởng đến lãnh thổ và vùng biển Việt Nam.
Trung tâm này cũng có nhiệm vụ thực hiện báo tin động đất, cảnh báo sóng thần theo quy chế do Chính phủ Việt Nam ban hành.
Trung tâm Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần hợp tác với các nước, các tổ chức trên thế giới và trong khu vực để phối hợp trong hệ thống nhận và báo tin động đất, cảnh báo sóng thần chung.
Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kiến thức về phòng tránh động đất, sóng thần cho cộng đồng phục vụ cho việc thực hiện quy chế do Chính phủ Việt Nam ban hành về phòng chống động đất, sóng thần cũng là một trong các nhiệm vụ chính của Trung tâm.
Đường dây nóng trực báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (24/24): Tel: (024) 37 91 82 72, Fax: (024) 37 91 45 93
 
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần có quan hệ chặt chẽ với Trung tâm Cảnh báo sóng thần Bắc Thái Bình Dương và Cơ quan tư vấn sóng thần Bắc Thái Bình Dương, thường xuyên nhận được fax cảnh báo sóng thần từ hai cơ quan này.
Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cũng đã cử chuyên gia sang hướng dẫn quy trình vận hành chuẩn báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, các hoạt động cần thiết khi có động đất sóng thần cho cán bộ Viện Vật lý địa cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài việc giúp đỡ lắp đặt 2 trạm địa chấn hiện đại tại Sơn La và Đà Lạt, Trung tâm Phòng tránh thiên tai châu Á còn giúp đỡ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đào tạo cán bộ xử lý số liệu, vận hành hệ thống trạm địa chấn dải rộng trên lãnh thổ Việt Nam, đào tạo cán bộ trẻ phát triển các nghiên cứu về động đất sóng thần ở Việt Nam.
New Zealand đã hợp tác giúp đỡ xây dựng thiết kế mạng lưới trạm, mô hình Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, cài đặt phần mềm Seiscomp 3 cho phép thu nhận số liệu của hơn 20 trạm địa chấn trong khu vực, đào tạo nâng cao trình độ nghiên cứu về động đất sóng thần cho cán bộ Việt Nam.
Ngoài ra các hợp tác với Nga, Italia cũng góp phần nâng cao trình độ nghiên cứu về động đất và sóng thần ở Việt Nam.
Tháng 5.2011, tập đoàn Viettel đã lắp đặt hệ thống truyền tin cảnh báo sóng thần từ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần tới 10 trạm báo động trực canh sóng thần ở vùng ven biển TP.Đà Nẵng.
(theo thông tin từ trang web của Viện Vật lý địa cầu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.