Sống trác táng, dễ bệnh gan

20/07/2011 08:15 GMT+7

Gan không chỉ là cơ quan tất bật với nhiều chức năng quan trọng đến độ được thầy thuốc đặt tên là “phòng thí nghiệm” của cơ thể mà còn là thành phần có khả năng chịu đựng ghê gớm.

Bằng chứng là gan cả đời phải tiếp xúc và tích lũy độc chất nhưng không hề ngã bệnh trong ngày một ngày hai. Gan thường chỉ hết khỏe sau khi đã nhiều ngày bị gia chủ đối xử tệ bạc qua nếp sinh hoạt tự đầu độc bằng bia, rượu, lối sống trác táng... Vì khả năng chịu đòn quá giỏi nên gan ít khi “than vãn” dù đã lảo đảo, ít khi biểu lộ triệu chứng dù đã tổn thương. Cũng vì thế nên nhiều khi chúng ta không phát hiện kịp thời bệnh gan.

Vấn đề đáng lưu ý là tỉ lệ điều trị hiệu quả bệnh gan không thấp nếu được chẩn đoán sớm. Người còn biết thương lá gan do đó nên lưu ý một số dấu hiệu dưới đây để đừng gõ cửa thầy thuốc quá trễ: Cảm thấy thường mệt mỏi dù đã nghỉ ngơi, nhất là sau khi ăn; bụng thường bị đầy hơi, ngay cả trong lúc chưa ăn; cảm giác đói bụng cồn cào nhưng ăn mới vài miếng thì no ngang; sụt cân nhanh trong thời gian ngắn; có vòng số 2 tăng nhanh trong khi vòng 3 thì ngược lại; ngứa ngáy đâu đó trên cơ thể và không thuyên giảm với thuốc dị ứng; có cảm giác căng da khó chịu sau khi tắm; dễ bị “ma cắn” với nhiều vết bầm ngoài da dù không có va chạm gì mạnh; hay chảy máu răng khi đánh răng, chảy máu cam khi thay đổi thời tiết; đã có lần bị vàng da, vàng mắt; không hài lòng với chức năng sinh dục; rõ ràng đãng trí hơn trước.

Bạn nên chủ động đến thầy thuốc ngay nếu có từ 3 dấu hiệu trở lên. Càng nên nhanh chân hơn nữa nếu bạn là người thường uống rượu, bia; có thân nhân trực hệ đã bị bệnh gan; có chế độ dinh dưỡng vừa thất thường vừa đơn điệu; dùng không dưới 4 loại thuốc mỗi ngày; đã phát hiện sỏi túi mật qua siêu âm.

Gan còn một lợi điểm nổi bật là có khả năng phục hồi rất cao nếu được điều trị đúng bài bản, và được cách ly với nguyên nhân sinh bệnh.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.