(TNO) Tin tức về tình hình bất an cứ tràn ngập, mang đến nỗi quan ngại cho các cổ động viên nước ngoài dự định tới Brazil xem World Cup. Tôi đã đến trọ một tuần trong khu ổ chuột lớn nhất Brazil để kiểm chứng thực hư.
Rời bến Tiete ở Sao Paulo vào sáng sớm, lao qua con đường quanh co lượn giữa những vùng núi thấp tuyệt đẹp, chiếc xe tốc hành của hãng Expresso do Sul đưa tôi đến với Rio de Janeiro sau hành trình dài 7 tiếng đồng hồ. Rio phồn hoa, hội hè hiện ra trước mắt thật quyến rũ. Núi nhấp nhô hòa quyện vào phố phường. Ngoài kia là Đại Tây Dương bao la xanh thẳm. Nhưng lẫn giữa những cảnh sắc lung linh đó còn có nhiều vệt xám nham nhở. Đó là các favela (khu nhà ổ chuột) nằm rải rác khắp nơi, từ trên sườn núi kéo sát xuống gần bờ biển.
Rio de Janeiro xa hoa, nhưng Rio de Janeiro còn được biết đến với những khu ổ chuột đầy bóng tối, với ma túy, với cướp của giết người...
|
Rio ở phía không tráng lệ
Từ bến xe khách đường dài Rodoviario Novo Rio, tôi đón xe buýt đi tiếp tới nơi trọ mới. Xe chạy giữa những vùng núi non, chui qua đường hầm, lượn quanh hồ nước. Núi ở Rio de Janeiro rất nhiều, là những mỏm núi nhỏ có hình thù đặc biệt và mang những cái tên đầy hình tượng: Dois Irmãos (Hai anh em), Corcovado (Lưng gù), Pão de Açúcar (Bánh đường)… Ngoài xa kia là những bãi biển trứ danh, Botafogo, Copacabana.
|
Rocinha nằm giữa một triền đồi cao, bao bọc bởi núi đá. Khu nhà ổ chuột rộng mênh mông này chỉ có một con đường chính, còn lại là hẻm nhỏ sâu hun hút. Nhà nơi đây được xây bằng xi măng nằm chênh vênh trên các triền dốc và tù túng, tối tăm như hình ảnh những xóm nước đen một dạo phổ biến ở Sài Gòn.
Nhà nào cũng nhỏ xíu, bề rộng đôi khi chưa đầy hai mét. Lối đi thì chật hẹp, nhớp nháp mà trên đó người ta bày bán đủ thứ hằm bà lằng. Trẻ em chơi đùa ngay trên những con hẻm nhếch nhác, hoặc chui vào các tiệm chơi game bé xíu với chỉ một máy duy nhất.
Hình ảnh Rocinha khiến tôi nhớ lại những gì mình đã gặp ở những khu ổ chuột tại Ấn Độ, những chốn tồi tàn như Diepsloot, Tembisa ở Nam Phi hay ngay giữa thủ đô Harare của Zimbabwe.
“Nếu đi một mình, anh đừng chui quá sâu vào các con hẻm. Đi dọc đường lớn thì an toàn”, Elliot Rosenberg, một cư dân địa phương mà tôi biết qua Facebook, nói khi dẫn tôi đi giới thiệu vài điểm ăn uống.
“Rocinha về đêm thế nào? Có an toàn không?”, tôi hỏi, sau khi đã có một vài khái niệm sơ khởi về một khu ổ chuột đặc trưng của Brazil. “Anh đừng nên đi đâu một mình, không chụp hình người ta mà chưa xin phép. Anh cũng đừng chui vào các hẻm sâu”.
|
Khu ổ chuột Rocinha nằm trong vùng đô thị nam Rio de Janeiro. Theo thống kê của chính quyền, dân số Rocinha là 69.161 người vào năm 2010, là khu favela đông dân nhất tại Brazil. Tuy nhiên, Elliot và những người dân nhiều hiểu biết tại đây nói con số cư dân thực tế có thể lên tới 200.000 người, khiến Rocinha có quy mô của một thành phố ổ chuột, chứ không chỉ là một “khu”.
Tương tự hầu hết favela tại Brazil và cũng không khác mấy cảnh phim Hollywood, Rocinha từng là lãnh địa của các tổ chức tội phạm lớn nhỏ, trong một Rio de Janeiro có tỷ lệ giết người cao nhất Brazil. Các băng lớn chủ yếu buôn ma túy, thanh toán tranh giành lãnh địa hoặc hạ sát một du khách nào đó “phạm quy”; còn cướp của giết người là của dân giang hồ nhỏ lẻ. Một thời gian dài, lực lượng cảnh sát đầy tham nhũng của Rio de Janeiro không thể kiểm soát được thế giới đầy bóng tối tại Rocinha.
Sau khi nhận quyền đăng cai World Cup 2014 và Olympic 2016, chính quyền Brazil đã vào cuộc quyết liệt để bình định các favela. Một chiến dịch lớn với sự tham gia của cảnh sát và quân đội đã được triển khai vào năm 2011 với kết quả là chính quyền giành được sự kiểm soát Rocinha từ tay thế giới ngầm. Kể từ đó, khu ổ chuột này vẫn bất an nhưng với sự hiện diện của cảnh sát trên đường phố chính, tình hình đã được cải thiện ít nhiều. Khi tôi đến Rocinha, ngay từ đầu lối vào đã thấy cảnh sát với súng ống đầy mình.
World Cup chốn tận cùng
|
Sau gần một buổi chiều lang thang, vào chập tối, tôi lại đi dọc trục đường chính. “Anh đừng đi vào hẻm, không an toàn và dễ bị lạc”, tôi vẫn nhớ lời dặn của Elliot.
Cuộc sống về đêm ở Rocinha nhộn nhịp như ngày. Chỉ có một con lộ chính nên rất nhiều người dân đổ ra nơi đây chơi, mua sắm và đón xe buýt. Trong các quán bia bé xíu như bàn tay, dân nhậu chén tạc chén thù trước màn hình ti vi đang tường thuật trực tiếp trận giao hữu Brazil và Panama. Bây giờ tôi mới thấy không khí World Cup dần lan tỏa tới chốn tận cùng này.
Chợt nhớ lúc ban chiều, khi leo lên con dốc dựng đứng để lên nhà trọ, tôi thấy nhiều hộp sơn để bên đường và trên bức tường là những hình vẽ quốc kỳ Brazil còn dang dở. Thấy tôi đưa máy hình lên, Elliot giải thích: “Anh có thắc mắc tại sao bây giờ chưa thấy hình ảnh World Cup tại đây? Bởi vì với người Brazil, mọi thứ đều đợi đến phút chót. Lúc có thời gian họ không làm, đến khi nước tới chân thì mới chạy”.
Tôi ồ lên, rồi nhắc lại chuyện hôm trước tới sân vận động Sao Paulo và thấy một công trường ngổn ngang trong khi ngày khai mạc đã quá cận kề. Elliot cười: “Chính là như vậy đấy”. Không biết cái sự khái quát hóa của Elliot đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng sau những gì đã được chứng kiến, tôi thấy đó là một đánh giá rất chuẩn.
|
Tôi chui vào một quán bia, chủ yếu để xem không khí nhậu nhẹt và bóng banh. Nói là quán chứ thực ra là một cái tiệm nhỏ, chiều ngang chỉ khoảng hai mét, không có ghế và dân nhậu đứng tràn ra đường, vừa uống bia vừa râm ran nói về bóng đá.
Thấy ngoại hình châu Á của tôi, mấy anh nhậu lập tức lôi vào, hỏi loạn cả lên: Japao? Tôi lắc đầu. China? Tôi lắc đầu. Coreia? Tôi lắc đầu và đáp nhanh “Việt Nam”. Mấy ông tướng tá bặm trợn ồ lên, “A, Vietnã, Vietnamita”. Tôi cười chào. Một anh chàng to cao làm bộ cầm khẩu súng bắn pằng pằng, rồi cắn chốt lựu đạn ném, miệng la “Ùm, Vietnã,Vietnã”. Cả bọn cười ồ.
Đây không biết là lần thứ mấy trăm tôi bị người ta hỏi mình có phải là “người Nhật, người Trung Quốc, người Hàn” và rồi khi biết tôi là người Việt Nam, họ dùng động tác bắn súng thay cho lời chào. Mới mấy hôm trước đây thôi, những gã Venezuela tôi gặp trong nhà trọ ở Sao Paulo cũng đã chào như thế.
“Việt Nam là một đất nước, một đất nước hòa bình, không phải là tên của một cuộc chiến”. Thông điệp này xem ra chưa đến với những người dân bình thường ở nước ngoài. Tất nhiên, những động tác bắn súng, ném lựu đạn kia đều chỉ là trò đùa, nhưng ngay cả khi là trò đùa thì nó cũng có ý nghĩa rằng, nhắc tới Việt Nam, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu không ít người nước ngoài đó là súng đạn, chiến tranh. Đó là điều cần phải suy nghĩ.
Nhưng chuyện lợn cợn này cũng qua nhanh, bởi đây là một quán bia và mọi người đang xem bóng đá. Qua vài phút đầu chật vật, Brazil bắt đầu thể hiện sức mạnh. Cả đường phố đầy tiếng thét vui mừng, từ vô số quầy bia bé xíu như chỗ tôi đang chen chúc. Neymar ghi bàn, người ta lại ồ lên, rồi các chuyên gia vỉa hè thi nhau bình luận. Trận đấu kết thúc với Brazil thắng 4-0, mọi người vui vẻ nhậu tiếp.
|
“Brazil vô địch chắc”, Edinho, gã "ném lựu đạn" ban nãy và là người duy nhất biết tiếng Anh, trả lời câu hỏi của tôi về cơ hội của đội chủ nhà. Nhưng những người bạn của anh lại lo ngại gã láng giềng Argentina và đội Tây Ban Nha. Tôi nhận xét Brazil hiện yếu hơn cái thời của Ronaldo, Roberto Carlos, nhiều người gật đầu nhưng Edinho bảo là Brazil có Neymar rất ác chiến. Cãi đi cãi lại thế mà cũng hết cả lốc bia.
“Anh trọ ở đâu? Tới gần chỗ tôi ở đi”, Edinho hỏi khi tôi chào ra về trước và cho biết anh ta có một người bạn ở trong khu Rocinha cho thuê phòng trọ. World Cup là cơ hội kiếm tiền của nhiều người. Dân trong các favela cũng vậy, một số người có nhà hơi rộng rãi đã ngăn ra thành nhiều phòng cho thuê. Dân chạy xe thồ kiếm thêm nhiều khách. Một số hàng quán mua đồ lưu niệm World Cup về bán. Những phi vụ nhỏ lẻ nhưng lành mạnh này có lẽ đang giúp các khu ổ chuột dịch chuyển chậm chạp mà chắc chắn về phía ánh sáng.
Tôi hỏi chỗ trọ ấy có an toàn không, Edinho bảo: “Anh yên tâm. Có tụi tôi anh khỏi lo. Tất nhiên là ở Rocinha, khi đi lại một mình anh cần cẩn thận”.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là trái bóng Brazuca sẽ lăn trong trận khai mạc. World Cup bắt đầu phả hơi nóng về những chốn tận cùng này. Bóng đá thức dậy thiện tâm và giúp người ta cởi mở hơn. Ở Rocinha vào hôm qua, tôi đã mường tượng ra điều đó. Nhưng tôi còn ở chốn favela này nhiều ngày nữa, để có được đúc kết từ chính trải nghiệm của mình.
Khu ổ chuột Rocinha nằm trong vùng đô thị nam Rio de Janeiro. Theo thống kê của chính quyền, dân số Rocinha là 69.161 người vào năm 2010, là khu ổ chuột đông dân nhất tại Brazil. Tuy nhiên, Elliot và những người dân nhiều hiểu biết tại đây nói con số cư dân thực tế có thể lên tới 200.000 người, khiến Rocinha có quy mô của một thành phố ổ chuột, chứ không chỉ là một “khu”. |
Đỗ Hùng
(từ Rocinha, Rio de Janeiro)
>> Tuyển Nhật tự tin hướng đến World Cup
>> World Cup của nhiều nỗi bất an
>> WAGs Anh thiệt quân trước thềm World Cup 2014
>> David Luiz khoe bạn gái mới trước World Cup
>> Johan Cruyff: Brazil sẽ vô địch World Cup 2014
>> Rossi nói lời tạm biệt World Cup
>> ĐỒNG HÀNH CÙNG WORLD CUP 2014 TRÊN THANH NIÊN ONLINE
Bình luận (0)