Sống trong lũ dữ: Ngập lên đến bàn thờ, người dân chắt chiu từng giọt nước

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
10/10/2020 14:08 GMT+7

Thêm một đêm, người dân vùng rốn lũ Lệ Thủy ( Quảng Bình ) thức trắng. Họ đang đối mặt với muôn vàn khó khăn giữa trận đại hồng thủy; ai nấy canh từng phút chờ con nước rút…

Sáng ngày 10.10, nước lũ vẫn mênh mông tứ bề ở nhiều thôn xóm, nhiều xã của huyện Lệ Thủy. Trong đợt mưa lũ lần này, Lệ Thủy là nơi hứng chịu lượng mưa rất lớn khiến mực nước trên sông Kiến Giang dâng lên trên báo động 3. Đã 3 ngày, hàng ngàn nhà dân chìm trong nước lũ đục ngầu.

Miền Trung hứng chịu đợt mưa rất to, sẽ xuất hiện lũ đặc biệt lớn

Nước lũ mênh mông tại huyện Lệ Thủy

Ảnh: Trương Quang Nam

Những ngày qua, nhiều tuyến đường vào trung tâm huyện, từ đó tỏa đi các xã dọc sông Kiến Giang đều bị nước lũ chia cắt. Mọi người phải di chuyển bằng đò của người dân hoặc ca nô của lực lượng chức năng địa phương.

QL 1A dẫn lên huyện Lệ Thủy đi từ hướng bắc bị ngập, không qua được

Ảnh: Trương Quang Nam

Ở khu vực ngã ba Cam Liên dẫn vào trung tâm huyện, cơ quan chức năng đặt biển cảnh báo ngập lụt

Ảnh: Trương Quang Nam

QL 9C vào trung tâm huyện và dẫn lên các xã biên giới ngập sâu trong nước

Ảnh: Trương Quang Nam

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy cho hay, tình hình mưa lũ, lụt diễn biến phức tạp, gây ngập lụt địa bàn huyện trên diện rộng. Đến chiều tối 9.10 có trên 7.650 hộ bị ngập nước tại các xã, thị trấn, gồm: Liên Thủy, Xuân Thủy, An Thủy, Kiến Giang, Lộc Thủy, Phú Thủy, Mỹ Thủy, Hồng Thủy… Các địa bàn đã di dời 59 hộ dân tại các xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy, Trường Thủy. Hiện chưa có thiệt hại về người nhưng tài sản, nhà cửa bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng. Lực lượng chức năng đang hỗ trợ khắc phục tạm thời các nhà bị hư hỏng. Nhiều tài sản của người dân bị ảnh hưởng nặng, nhất là diện tích cá ao hồ, cá vụ 3, rau màu.

Nước lũ ngập mênh mông

Ảnh: Trương Quang Nam

Thôn xóm cô quạnh

Ảnh: Trương Quang Nam

Khu vực nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Lộc Thủy bị ngập sâu

Ảnh: Trương Quang Nam

Một số nhà mới xây dựng sau này thì người dân đã tôn nền lên cao hơn để tránh lũ

Ảnh: Trương Quang Nam

Nước ngập đến bàn thờ, nhìn cảnh này không khỏi chạnh lòng

Ảnh: Trương Quang Nam

Cổng vào nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ảnh: Trương Quang Nam

Khu vực các xã vùng trên, bám ven sông Kiến Giang của huyện là nơi bị ngập lũ đầu tiên. Kể lại với chúng tôi, người dân xã Mỹ Thủy cho hay, lâu lắm rồi mới thấy mưa lớn kéo dài liên tục như đợt này; nước lũ lên từ đêm ngày 7, rạng ngày 8.10 và lên rất nhanh khiến bà con không kịp trở tay. Trong đêm, người dân í ới huy động người giúp nhau dịch chuyển đồ đạc lên cao. Sau đó lũ dồn về phía hạ nguồn, gây ngập cho các xã vùng giữa, vùng dưới của huyện như TT.Kiến Giang, xã Phong Thủy, Lộc Thủy, An Thủy, Liên Thủy…

Cuộc sống người dân vùng rốn lũ Lệ Thủy đang gặp nhiều khó khăn

Ảnh: Trương Quang Nam

Một người đàn ông đi vớt củi trôi về theo dòng lũ để mang về phơi, sử dụng nấu nướng đề phòng mưa lũ kéo dài

Ảnh: Trương Quang Nam

Nhiều nhà dân ở xã An Thủy bị rác bủa vây

Ảnh: Trương Quang Nam

Lũ dâng ngập gần hết tường rào khuôn viên trường

Ảnh: Trương Quang Nam

... và cổng trường học, toàn bộ học sinh đã nghỉ học mấy ngày qua

Ảnh: Trương Quang Nam

Mưa lớn kéo dài kèm với nước ở thượng nguồn đổ về dữ dội, gây ngập một vùng rộng lớn. Nhiều nhà dân ở xã Mỹ Thủy, Lộc Thủy, An Thủy bị ngập sâu trên dưới 2 m. Từng thôn xóm chúng tôi qua đều mênh mông nước lũ, nhiều khu vực còn bị gió đánh dữ dội, đánh sập cả tường rào. Làng mạc vắng tanh, chỉ nghe thấy tiếng mưa và sóng nước. Người dân kê bàn ghế lên cao trong nhà để trú ngụ hoặc ngồi trên những cái tra (gác gỗ sát mái nhà-PV).

Phóng viên Báo Thanh Niên vượt lũ vào nơi hàng ngàn nhà dân chìm trong nước

Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một số người di chuyển bằng đò hoặc bè kết đi tránh lũ đang dâng hoặc giúp đỡ nhà nào đó đang khó khăn.

Người dân sống chung với lũ

Ảnh: Trương Quang Nam

Một cái bè được ghép từ những cái thùng và cây chuối, nhờ đó mà người đàn ông này di chuyển sang nhà người thân để giúp đỡ nhau

Ảnh: Trương Quang Nam

Lũ về, con đò còn là nơi trú ẩn cho gia súc, gia cầm

Ảnh: Trương Quang Nam

Chiều tối 9.10, ông Nguyễn Hải Đăng (ở thôn Thạch Bàn, xã An Thủy), kể với PV Thanh Niên: “Lụt về buổi đêm rất nhanh, nhà tôi thuộc dạng cao trong làng nhưng cũng vô 20 phân. Ở đây tất cả chế độ hoạt động bị tê liệt, không đi được đâu, chỉ biết ở nhà, chợ búa không có, nhà ai ở nhà đó. Cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Hiện nước đang còn lên, mà mưa gió to thế này thì không biết cuộc sống của người dân cực như thế nào nữa. Nước đang còn lên to, khả năng lên mức lũ năm 2010. Còn hiện tại nước khoảng bằng năm 2017”.

Trong khi cha và anh trai đang ăn cơm trên chiếc giường được kê cao, thì có lẽ cháu bé này vẫn chưa hiểu được chuyện gì với ánh mắt ngơ ngác ra ngoài khung cửa sổ

Ảnh: Trương Quang Nam

Người đàn ông này ở xã Lộc Thủy đang hứng nước mưa để dùng

Ảnh: Trương Quang Nam

Ngày thứ ba, lũ vẫn vây bủa thôn làng khiến cuộc sống người dân lao đao

Ảnh: Trương Quang Nam

Đã qua ngày thứ ba, người dân huyện Lệ Thủy chịu đựng lũ dữ. Trong khi trời vẫn đang mưa và hiện (sáng 10.10) nước lũ mới rút chỉ được vài cm, rút với tốc độ rất chậm. Điều đó khiến cuộc sống của người dân càng gặp thêm muôn vàn khó khăn, bà con phải hứng nước mưa, chắt chiu từng giọt nước để ăn uống, sinh hoạt.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.