'Sóng USD' có đủ để lướt?

21/11/2016 08:00 GMT+7

Gần như đứng yên trong suốt 10 tháng của năm 2016, nhưng chỉ trong khoảng 10 ngày qua, tỷ giá USD đột ngột tăng mạnh hơn 1,1%.

Từ mức xoay quanh 22.350 đồng trước đó, giá 1 USD đã tăng lên 22.600 đồng tính đến cuối ngày 19.11. Có ngày tăng nhẹ nhưng có ngày ngoại tệ này biến động liên tục khiến các ngân hàng (NH) phải điều chỉnh giá hơn 30 lần. Đặc biệt, trong những ngày cuối tuần qua, sự biến động lên xuống với biên độ mạnh làm một số nhà đầu tư cá nhân lẫn các doanh nghiệp lo ngại về xu hướng tăng tiếp theo, đặc biệt trong thời điểm cuối năm này.
“Diễn biến hết sức bình thường”
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong hơn 10 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế đã giảm mạnh so với trước nhờ cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt và những diễn biến thuận lợi về cung cầu ngoại tệ. NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ. “Diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua”, NHNN khẳng định.
Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các NH đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ tiếp tục có diễn biến thuận lợi khi được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng vốn do hoạt động mua bán, sáp nhập, kiều hối chuyển về dịp cuối năm… Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra, góp phần ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
Không có biến động mạnh
Không ít người những ngày qua khi thấy giá USD bất ngờ tăng mạnh thì có tâm lý mua vào, với kỳ vọng giá ngoại tệ này sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, giá USD lại biến động thất thường, chẳng hạn trong ngày 18.11 sau khi tăng mạnh vào buổi sáng đã quay đầu giảm nhanh. Sự đảo chiều nhanh chóng đó sẽ mang lại kết quả thua lỗ nặng nề cho những nhà đầu tư “yếu tim”, vốn ít và chơi “lướt sóng”. Những bài học mua cao nhưng phải bán thấp khi “lướt sóng” ngoại tệ hay vàng, chứng khoán lúc đang nổi luôn cần được ôn lại. Theo một số chuyên gia, giá USD vừa qua trên thị trường thế giới đã gia tăng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và điều đó sẽ có tác động nhất định đến tỷ giá tại VN. Nhưng với khẳng định của NHNN và lịch sử tỷ giá của VN, các chuyên gia cho rằng NHNN thừa sức có thể kìm cương tỷ giá dao động trong biên độ thích hợp, thông qua việc bơm hút dòng tiền hoặc thậm chí bán USD để can thiệp. Vì vậy, sự kỳ vọng về biến động mạnh hiện nay của USD có thể sẽ sớm bị dập tắt. Hơn nữa, việc gửi USD ở các NH không có lãi suất và chênh lệch giữa giá mua - giá bán khá cao là những yếu tố không hỗ trợ cho việc đầu tư vào ngoại tệ này.
Trong bản tin Thị trường tiền tệ vừa phát hành, Công ty chứng khoán MB cũng nhận định tỷ giá tăng khá mạnh trong hai tuần qua là hiệu ứng ngắn hạn do nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 và USD tăng giá trên thị trường thế giới. Báo cáo của MB cho rằng NHNN hiện đủ dư địa để điều hành tỷ giá ổn định và mức mất giá của VND so với USD sẽ không quá cao. “Chúng tôi cho rằng lạm phát mặc dù đã tăng song vẫn trong tầm kiểm soát. Lạm phát cơ bản vẫn duy trì quanh 2% trong 10 tháng đầu năm 2016, cho thấy sức ép từ tổng cầu đối với lạm phát không lớn. Điều này sẽ không ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá. Về yếu tố cung cầu, USD hiện tại cũng không thiếu hụt do VN vẫn xuất siêu và vốn đầu tư FDI khá tốt. Do đó, chúng tôi đánh giá VND mất giá chủ yếu do các yếu tố ngắn hạn là kỳ vọng tăng của USD”, báo cáo của MB nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.