Sống và chết vì Tổ quốc

27/07/2011 00:49 GMT+7

Buổi sáng ngày 24.7.2011, tôi lặng lẽ leo 160 bậc đá lên tới đỉnh ngọn đồi ở Hòa An (Cao Bằng), nơi yên nghỉ của hàng trăm liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc từ tháng 2.1979. Lên chỉ để thắp cho các anh một nén hương. Và đứng lặng rất lâu trước những ngôi mộ đang được huyện Hòa An trùng tu.

Tôi đọc trên bia mộ: “Liệt sĩ Hoàng Văn Dử, sinh tại Lạng Sơn, thuộc Đại đội 10, Trung đoàn 851, Sư đoàn 346, hy sinh ngày 18.2.1979”, “Liệt sĩ Triệu Quang Dũng, sinh tại Hòa An - Cao Bằng, thuộc Sư đoàn 346, hy sinh ngày 24.2.1979”. Và đây nữa “Liệt sĩ Nguyễn Văn Vân, sinh năm 1962 tại Đại Từ - Thái Nguyên, thuộc Đại đội 14, Sư đoàn 346, hy sinh ngày 5.10.1984”, nghĩa là anh Vân hy sinh sau khi đất nước thống nhất hơn 9 năm... Tất cả họ đã hy sinh khi giữ từng tấc đất, từng mỏm đá ngọn núi dòng suối của đất Cao Bằng.

Và từ nơi địa đầu cực bắc của Tổ quốc, tôi lại như nhìn thấy Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc ta, nơi vào tháng 1.1974 đã xảy ra trận hải chiến khốc liệt và đã có 74 chiến sĩ Việt Nam ngã xuống khi quyết giữ Hoàng Sa tới giây phút cuối. Họ đã chết và chúng ta đã mất Hoàng Sa. Nhưng họ còn trong nỗi nhớ chúng ta, và Hoàng Sa thân yêu mãi mãi vẫn là “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”.

Tôi như nhìn thấy Trường Sa thương yêu của Tổ quốc ta, nơi tháng 3.1988 đã chứng kiến một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức giữa những chiến sĩ hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ xây dựng đảo Gạc Ma không mang vũ khí bên mình và những tàu chiến của hải quân Trung Quốc trang bị hỏa lực mạnh. 64 chiến sĩ Việt Nam đã ngã xuống, nhưng 2 đảo Cô Lin và Len Đao vẫn đứng vững sau cuộc xâm lấn của ngoại bang vào 3 đảo.

Tôi bỗng thấy những ngọn núi đá Cao Bằng dưới nắng mai vút lên rực rỡ một vẻ đẹp ngỡ ngàng, khiến ta trào nước mắt. Ai là người Việt Nam mà không yêu Tổ quốc mình đến quặn thắt, đến xót xa, ngay khi được ngắm nhìn những vẻ đẹp diệu kỳ của núi của sông của biển quê hương mình. Xót xa vì cứ như từng tấc đất tấc biển đều thấm máu các chiến sĩ xả thân vì nước.

Đất nước hòa bình đã 36 năm mà sự an nguy của Tổ quốc vẫn dồn nặng trên đôi vai những người chiến sĩ, dù là người chiến sĩ biên phòng suốt chiều dài biên giới phía Bắc của Tổ quốc hay người đang giữ đất trời biển đảo Trường Sa.

Lòng biết ơn là phẩm chất lớn của một dân tộc, cũng là một phẩm chất lớn của mỗi con người. Mà cao cả nhất của lòng biết ơn, là biết ơn những con người đã sống và chết vì Tổ quốc, vì nhân dân. Lòng biết ơn ấy không thể hời hợt, không thể hình thức, đãi bôi, nó phải thấm sâu vào lòng mỗi người Việt Nam. Như máu hòa trong máu. Như một lời nguyền trong lặng lẽ: “Không một ai bị lãng quên, không một điều gì bị quên lãng” (thơ của nữ thi sĩ Nga Onga Bergon).

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.