Sống vì rừng

Phạm Anh
Phạm Anh
14/06/2022 05:10 GMT+7

Nhiều tháng ngày đã qua, nhưng hình ảnh về những 'lão mục đồng' dựng nhà ở giữa rừng đầu nguồn thác Trắng, xã Thanh An, H.Minh Long (Quảng Ngãi) không thể nào phai trong tâm trí.

Thật ra hôm ấy, chúng tôi được giới thiệu để các mục đồng ấy đưa đi tìm đến điểm phá rừng. Khi bước chân ra khỏi rừng, lội qua con suối đầu nguồn thác Trắng, chúng tôi ngỡ ngàng đứng trước thảo nguyên xanh.

Hành trình ngược thác vào làng giữa rừng đầu nguồn thác Trắng, xã Thanh An, H.Minh Long (Quảng Ngãi)

Nơi ấy có thác reo, có cánh đồng cỏ xanh mượt thoai thoải, có đồi chè, có những đàn trâu, thời tiết mát như Đà Lạt và 4 nóc nhà tranh như trong cổ tích. Tôi bảo anh em đồng nghiệp: các nhân vật bỏ làng lên núi nuôi trâu, sống an yên giữa rừng này mới là nhân vật hay để viết bài. Quả thật hôm ấy, sau một buổi lội suối băng rừng khô mồ hôi, khi bước về thung lũng của các lão mục đồng này, chúng tôi bắt tay vào phỏng vấn các nhân vật ấy.

Ngôi làng giữa rừng trên đầu nguồn thác Trắng

P.A

Gặp các nhân vật, rồi từ nội dung “phụ” chuyển thành “chính” trong bài viết thật tình cờ. Còn những người chăn trâu và sống an yên giữa rừng ấy thật đặc biệt và không tình cờ chút nào. Họ ở đấy sống bình thản dù dưới kia chân núi biết bao chuyện nhân sinh ồn ào. Sống với rừng, sống nhờ rừng và không phá rừng. Hỏi vì sao sát rừng vẫn không phạm cây gỗ nào, một người già cười: “Phá rừng thì làm sao có chỗ chăn trâu?”. “Muốn ăn rau lên rừng hái, muốn uống chè thì chè có sẵn, ngắm cảnh thì bước ra khỏi nhà sàn là thác, suối muôn màu… Vì sao phải phá rừng?”, một cụ già hỏi ngược lại chúng tôi.

Còn với chúng tôi, các lão mục đồng ở giữa đại ngàn kia, sao có thể nào quên: Họ đi vào rừng để sống, và rồi đi vào lòng chúng ta một cách tự nhiên, từ lạ đến thân quen.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.