Sống với thiên đường cũ

04/02/2012 10:25 GMT+7

Công việc bừa bộn, căng thẳng bủa vây, con cái đùm đề song không ít bà vợ vẫn muốn sống như thuở yêu đương mật ngọt khiến các ông chồng mất ăn mất ngủ.

Đến khi điều đó vượt quá sức chịu đựng buộc các ông lên tiếng thì xung đột xảy ra.

Mật ngọt xưa, mật đắng nay

Mới mồng 8 tết mà anh Minh Tr. (36 tuổi, Q.2, TP.HCM) đã phải tìm đến chuyên gia tâm lý sau trận cãi vã với vợ. Theo lời anh kể, thời mới yêu nhau, chàng tình nguyện đưa đón nàng đi học, cuối tuần còn chở đi ăn kem, coi phim, dạo phố. Ngoài ra, cứ mỗi tối thứ hai - tư - sáu là chàng đến đưa nàng về nhà tuốt bên Q.8. Chưa hết, mỗi khi gặp sự cố gì trong cuộc sống, nàng chỉ cần “ới” một tiếng là chàng có mặt.

Thói quen ấy được nàng mang theo vào tổ ấm. Những việc nặng như khiêng bàn hay thay bóng đèn trên cao thì khỏi nói, ngay cả những việc cỏn con như đặt bẫy keo dính chuột mà cũng “ới chàng”. Xe gắn máy xẹp bánh trên đường thì chịu khó dẫn bộ một đoạn cũng đến tiệm sửa xe, vậy mà vẫn cứ í ới gọi chồng “đến ngay nhé!”. “Tôi làm cùng lúc hai đầu việc chứ có rảnh rỗi như thời sinh viên, mà không đến kịp thì giận” - anh Minh Tr. kể khổ.

Khác với Tr., anh Thành Nh. (nhân viên văn phòng, Q.3) khổ với chuyện bà xã cứ muốn anh phải lãng mạn và galăng như thời mới cưới nhau chín năm về trước. Đại khái là nàng cứ mong đợi hoặc gợi ý đến những không gian thơ mộng, quan tâm nàng từng li từng tí, đáp ứng vô điều kiện các đòi hỏi đôi khi rất vô lý của nàng, nếu không nàng sẽ “làm mình làm mẩy”. Vợ Nh. nói với chồng: “Hồi xưa em muốn gì anh cũng biết, em nghĩ gì anh cũng hiểu, giờ sao kỳ vậy?”. Nghe vợ trách cứ, chồng chỉ còn biết kêu trời.

Nhưng khổ nhất có lẽ là anh Đức Th. (34 tuổi, Q.4) với căn bệnh ghen tuông của vợ. Hồi yêu nhau, Th. nhiều lần bắt gặp nàng lén lút xem tin nhắn điện thoại. Chưa hết, những khi ngồi bên nhau nàng cũng tranh thủ hỏi để “điều tra” về cô nọ cô kia. “Hồi đó tôi vui lắm, cứ nghĩ nàng vì yêu nên mới ghen, giờ thì thật sự mệt mỏi” - Th.tâm sự. Theo lời Th. giờ cô ấy công khai xem tin nhắn điện thoại, hạch hỏi về các số máy lạ, “tru tréo” lên khi có thông tin đáng nghi ngờ,...

Thời nào, ứng xử nấy

Tại một buổi trao đổi chuyên đề do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức vào cuối năm 2011, ThS Hà Trung Thành nêu ra một số quy luật trong cuộc sống, trong đó có quy luật lượng-chất. Theo đó, quan hệ tình cảm yêu đương phát triển (thay đổi về lượng) đến “điểm nút” thì chuyển sang thời kỳ hôn nhân (thay đổi về chất). Theo ThS Thành, các chuyên gia tâm lý thường chia đời sống hôn nhân thành năm giai đoạn với những đặc thù riêng mà người trong cuộc cần thích ứng.

Cụ thể, giai đoạn trăng mật thiên đường thường kéo dài 1-2 năm. Đây là giai đoạn mới cưới nên còn mang hương vị nồng nàn của thời yêu đương mật ngọt, thậm chí còn nồng nàn hơn. Nhưng khi đến giai đoạn ổn định cuộc sống, đôi vợ chồng trẻ buộc phải gác “trăng mật” sang bên và tập trung lo cơm áo gạo tiền, sinh con và chăm sóc chúng. 4-5 năm tiếp theo thì chuyển sang giai đoạn gia đình hạt nhân: đôi uyên ương tập trung nuôi dạy con và khẳng định sự nghiệp.

Sau đó 10-12 năm thì chuyển sang giai đoạn được gọi là cô đơn trống vắng, vì lúc này con cái đã lớn và có nhiều mối quan tâm bên ngoài xã hội. Cuối cùng là giai đoạn “cần đến nhau” trong tuổi xế chiều. “Biết rõ đặc thù của các giai đoạn hôn nhân sẽ giúp người trong cuộc cảm thấy thoải mái và biết cách ứng xử phù hợp. Thật là nguy hiểm nếu cứ ứng xử một cách duy nhất trong hôn nhân, hoặc dùng cách ứng xử giai đoạn này cho giai đoạn khác, vì như thế mâu thuẫn sẽ nảy sinh và có thể gây đổ vỡ”, ThS Thành đúc kết.

Ngoài ra, theo ông Thành, ứng xử trong gia đình cần dựa trên nền tảng các giá trị đạo đức. Cụ thể, thiếu niềm tin dành cho nhau rất dễ xảy ra xung đột. Mỗi người trong quá trình lớn lên được “cài đặt” khác nhau nên cần được thích nghi và tôn trọng, buộc người bạn đời “chạy chương trình” của mình là không tưởng hoặc chỉ nhận được sự đối phó. Còn sự đồng thuận có từ trao đổi, bàn bạc, giống như một sự góp công vào tổ ấm, nhờ vậy mà người trong cuộc mới thấy mình có trách nhiệm thực hiện.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.