Sốt phẫu thuật thẩm mỹ 'tai yêu tinh' tại Trung Quốc

13/06/2021 11:45 GMT+7

Trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ để sở hữu đôi tai trông như tai của yêu tinh đang trở nên rất thịnh hành với nhiều người trẻ tại Trung Quốc nhưng giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ sức khỏe đi kèm.

“Tai yêu tinh" là một dạng khuyết tật bẩm sinh dẫn đến hình dáng nhọn ở đôi tai của một người. Tuy nhiên, giờ đây nó đang trở thành mốt mới nhất của người trẻ Trung Quốc trong bối cảnh thị trường phẫu thuật thẩm mỹ đang phát triển nhanh chóng, theo tờ South China Morning Post. Những bài giới thiệu và quảng cáo về kết quả “kỳ diệu” của thủ thuật này đang tràn lan trên các trang mạng xã hội tại Trung Quốc.

Ai cũng muốn được đẹp

Những người theo đuổi sắc đẹp, cả nam lẫn nữ, đã đổ xô đến các bệnh viện để làm thủ thuật này. Động lực cơ bản đằng sau cơn sốt “tai yêu tinh” chính là niềm tin rằng nó sẽ làm cho khuôn mặt của họ trông thon thả và trẻ trung hơn.
"Cứ như là phép thuật vậy! Khuôn mặt tôi không có thay đổi gì nhưng bạn bè lại bảo trông nó nhỏ hơn và tôi thì trông thông minh hơn sau cuộc phẫu thuật”, một người dùng nói về thủ thuật này trên nền tảng chia sẻ lối sống Xiaohongshu vào cuối tuần qua.
Tại Trung tâm Thẩm mỹ Y tế Mylike tại Thượng Hải, nhà cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ nội địa lớn của thành phố, nhu cầu cho thủ thuật này cao đến mức khách hàng phải xếp hàng dài để chờ được phẫu thuật, một nữ nhân viên tiếp thị nói với tờ South China Morning Post.
Bác sĩ chuyên về tạo hình tai Yu Wenlin thuộc Trung tâm Thẩm mỹ Y tế Cao Thượng tại Quảng Châu cho biết đôi khi ông thực hiện tới 6 ca phẫu thuật tai yêu tinh mỗi ngày.
"Tôi chỉ nhận ra rằng thật sự có nhiều người trẻ tuổi, chủ yếu sinh sau năm 2000, đang tìm cách để sở hữu đôi tai ‘yêu tinh’ sau khi tôi giúp một người là thần tượng trên mạng làm điều này vào đầu năm 2020. Sau đó, ngày càng có nhiều người tìm đến tôi”, ông nói thêm.

Nguy hại chực chờ

Có hai phương pháp phổ biến để có được đôi tai kiểu này. Một là đắp thêm một mảnh sụn nhân tạo hoặc sụn từ các bộ phận khác trên cơ thể vào phần phía sau lỗ tai, cách mà bác sĩ Yu Wenlin vẫn thường làm. Cách còn lại mà trung tâm Mylike sử dụng là tiêm axit hyaluronic, một chất giúp giữ nước và căng mọng làn da, vào tai.
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Wang Jiangyun tại Bệnh viện Nhân dân Thứ ba tại Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam của Trung Quốc cảnh báo rằng việc đắp thêm sụn có thể gây nguy cơ nhiễm trùng, để lại sẹo và làm tai bị bất đối xứng. Ngoài ra, việc sử dụng axit hyaluronic có thể gây nhiễm trùng, dị ứng, máu đông và hoại tử da.

Các bá sĩ cảnh báo về nguy cơ đối với sức khỏe và thẩm mỹ khi làm phẫu thuật này

Ảnh chụp màn hình South China Morning Post

“Tôi dám cá sau khi cơn sốt này qua đi, sẽ có hàng loạt người mê làm đẹp yêu cầu phục hồi lại đôi tai ban đầu của họ, giống như phong trào phẫu thuật để có ‘mũi của thần tượng trên mạng’ hay ‘mắt hai mí kiểu châu Âu’ đã từng rất thịnh hành”, bác sĩ Wang quả quyết.
"Khi thời gian qua đi, ta sẽ thấy những thứ hợp mốt này trở nên xấu xí. Vì vậy, tôi đề nghị mọi người nên suy nghĩ cẩn trọng trước khi làm việc này”, ông Wang nói thêm.
Bác sĩ Yu cũng đồng ý rằng cơn sốt “tai yêu tinh” sẽ sớm trôi qua, nên ông sẽ từ chối những người yêu cầu cắt các phần sụn của tai để trông giống hệt như yêu tinh trong phim bởi vì những trường hợp như vậy là “một đi không trở lại”.
"Với tư cách bác sĩ, chúng ta phải xem xét cho bệnh nhân về lâu dài. Nhiều bạn trẻ đang chạy theo phong trào này chỉ vì sự bốc đồng”, ông cho biết.

Phẫu thuật thẩm mỹ 'ăn nên làm ra' ở Hàn Quốc nhờ lệnh đeo khẩu trang

Theo một báo cáo của Tập đoàn tư vấn Deloitte hồi tháng 1, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc đã tăng từ khoảng 64,8 tỉ nhân dân tệ (khoảng 231.968 tỉ đồng) vào năm 2015 lên gần 177 tỉ nhân dân tệ vào năm 2019, dẫn đầu sự tăng trưởng của ngành phẫu thuật thẩm mỹ trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng hằng năm của ngành này tại Trung Quốc lên đến 28,7%, cao hơn rất nhiều so với mức 8,2% trên toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.