Dân thiếu nước
Nhiều hộ dân ngụ trên các đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Long Thuận, Lò Lu, Long Phước (Q.9, TP.HCM) đang rất sốt ruột chờ gắn đồng hồ nước (ĐHN) để được sử dụng nước sạch. Lâu nay, bà con phải sử dụng nước giếng khoan, nước mưa và hoặc bơm trực tiếp từ sông Đồng Nai. Tuy nhiên, những nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh, và ngày càng ô nhiễm.
Theo ông Nguyễn Xuân Cầu (Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức), từ đầu năm 2008, công ty đã đồng loạt lắp đặt mạng ống cấp 3 (đã lắp được 108 km) tại những khu vực nói trên nhằm đón đầu nguồn nước từ Nhà máy BOO nước Thủ Đức. Nhưng chờ hoài chẳng thấy nước đâu, trong khi lẽ ra nhà máy này đã phát nước từ cuối năm 2007. “Chỉ chờ có nước là chúng tôi gắn ĐHN cho người dân ngay. Để bà con chờ hoài chúng tôi cũng thấy ngại. Đầu tư hàng chục tỉ đồng phát triển mạng lưới đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả, trong khi kinh phí đang rất thiếu, mà việc gắn ĐHN phải miễn phí cho khách hàng” - ông Nguyễn Xuân Cầu lo lắng. Theo ông Dương Văn Sơn, phụ trách quản lý ĐHN Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức, tính đến tháng 10.2008 có 78,65% số hộ ở 3 quận 2, 9, Thủ Đức được gắn ĐHN, trong khi kế hoạch năm 2008 là phải có 81% số hộ dân của 3 quận này được sử dụng nước sạch.
Còn ông Nguyễn Hữu Hiệp - Phó giám đốc Xí nghiệp cấp nước Trung An cho biết: Dù đã hoàn thành kế hoạch năm 2008 bằng việc gắn 12.000 ĐHN cho người dân Q.Gò Vấp, Q.12, nhưng tỷ lệ hộ được cấp nước sạch ở 2 quận này vẫn rất thấp: Q.Gò Vấp mới đạt 50%, còn Q.12 chỉ có 3% số hộ được gắn ĐHN.
Quận 7 và huyện Nhà Bè là một trong những khu vực thiếu nước trầm kha của TP.HCM do nằm cuối nguồn so với Nhà máy nước Thủ Đức và Nhà máy nước Tân Hiệp. Ông Bùi Công Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè - cho hay, hiện nay dù mới bước vào mùa khô nhưng tình trạng thiếu nước đã lan rộng tại quận 7 và huyện Nhà Bè. Trong khi đó, áp lực nước đang có chiều hướng giảm đều. Do đó, ông Sơn dự báo tình trạng thiếu nước vào cao điểm trước Tết Nguyên đán và mùa khô năm nay sẽ diễn ra rất gay gắt. Hiện nhu cầu dùng nước tối thiểu tại khu vực Q.7 là 2.500m3/ngày đêm, nhưng chỉ đáp ứng được 1.500 m3/ngày đêm, vẫn còn hơn 1.600 hộ dân thiếu nước. Tình trạng thiếu nước tại huyện Nhà Bè còn căng thẳng hơn vì thiếu hơn 1.800m3 nước/ngày đêm, khiến hơn 3.000 hộ dân chịu cảnh thiếu nước hoặc nước yếu.
Theo ông Sơn, để đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu tối thiểu của người dân, Công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè điều tiết áp lực bằng cách khóa bớt van từ Nhà máy nước Tân Hiệp cung cấp cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu công nghiệp Hiệp Phước để tăng cường thêm lượng nước về huyện Nhà Bè. Đồng thời sử dụng tối đa công suất bốn trạm bơm tăng áp để đẩy mạnh nước từ đầu nguồn về cuối nguồn. Đối với các khu vực thiếu nước hoặc không có nước, công ty tăng cường tiếp nước bằng xe bồn.
Nhà máy "trùm mền"
Một điểm tiếp nước tại huyện Nhà Bè - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Tuy nhiên, tình hình không đơn giản bởi Công ty cổ phần BOO Thủ Đức - chủ đầu tư dự án cấp nước BOO Thủ Đức - đang gặp nhiều rắc rối xung quanh dự án này. Trước đây, dự án từng gặp phải sự cố khi thiết bị thi công là robot (trị giá khoảng 1 triệu USD) dùng để kích đoạn ống lồng bên ngoài bảo vệ tuyến ống cấp nước từ Q.2 sang Q.7 (TP.HCM) bị kẹt và nằm "chết dí" dưới đáy sông Sài Gòn. Hiện nay, đoạn ống vượt sông này chỉ mới được triển khai thi công lại bởi một nhà thầu mới với phương án thi công mới, dự tính đến tháng 4.2009 mới có thể xong.
Từ bờ sông phía Q.7 đến Nhà Bè còn một đoạn đường ống dài khoảng 6,5 km hiện không có vật tư để thi công. Phía Q.2 còn một đoạn ống dài khoảng 300m phải thi công nhanh để có thể phát trước 100.000m3/ngày đêm trước Tết Nguyên đán sắp tới, nhưng hiện nay cũng không có vật tư. Theo ông Trương Khắc Hoành, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOO nước Thủ Đức: "Nhà thầu Hyundai Rotem (Hàn Quốc) đã không chịu giao cho chúng tôi số lượng vật tư ống nước để làm những đoạn nói trên. Chúng tôi đang tìm hướng giải quyết trước mắt cho 300m đường ống này, nhưng sẽ không thể nào xong trước Tết Nguyên đán, nhanh lắm cũng phải đến cuối tháng 2.2009 mới hoàn thành”.
Hết sự cố này đến rắc rối khác đã làm chậm thời điểm phát nước của Nhà máy nước BOO Thủ Đức. “Dân đang chờ nước, trong khi nhà máy nước xây xong giờ phải nằm im lìm chờ mạng, đồng vốn đầu tư bị chôn vào đó mà lãi vay thì vẫn phải trả” - ông Hoành than.
M.Vọng - Đ.Mười - P.Thanh
Bình luận (0)