Sốt ruột vì thủ tục... cai nghiện bắt buộc

22/08/2014 08:48 GMT+7

Một mục tiêu trong “năm không” của TP Đà Nẵng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các Nghị định (NĐ) 221 cùng nhiều NĐ khác của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

Các đại biểu đều hiến kế nên rút ngắn thời gian xác định người nghiện và nhanh chóng đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện tập trung - Ảnh: Diệu Hiền

Chính việc kéo quá dài thời gian lập thủ tục, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nên từ số 400 người đang được cai nghiện tập trung tại Trung tâm 05-06 Đà Nẵng, nay chỉ còn gần 50 người. Trong khi đó, số người nghiện theo báo cáo của Công an TP.Đà Nẵng thì tăng vọt, với 1.888 người tính đến giữa năm 2014, tăng 248 người so với năm 2013.

Do vậy, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã tổ chức buổi làm việc giữa Thành ủy, với lãnh đạo UBND TP cùng các cơ quan, ban ngành liên quan vào sáng ngày 20.8, đề nghị hiến kế để tìm những giải pháp tích cực để hạn chế tình hình gia tăng ma túy.

Bối rối thực hiện NĐ 221

 

Bài toán 1 giảm = 18 tăng

“Tôi nghĩ nhất định phải có những phương án tích cực để hạn chế tình trạng nghiện hút đang có chiều hướng gia tăng này. Phải làm ngay, làm mạnh. Bài toán của chúng ta hiện nay là 1 giảm = 18 tăng, trong đó, 1 giảm là giảm người nghiện ma túy, nhưng phải tăng 18 giải pháp: tăng cường tuyên truyền giáo dục; tăng quản lý phòng ngừa; tăng kiểm tra phát hiện hiện tượng buôn bán, tàng trữ, nghiện ma túy; tăng cai nghiện tập trung; tăng sử dụng methanol; tăng quản lý sau cai; tăng xét xử lưu động; tăng mức án phạt tù; tăng phối hợp liên ngành; tăng đoàn thể vào cuộc; tăng trách nhiệm gia đình; tăng giải quyết việc làm; tăng quản lý nhà trọ, tăng nghiệp vụ công an; tăng giám định y tế; tăng kinh phí; tăng khen thưởng kịp thời; tăng chỉ đạo thường xuyên từ Đảng, chính quyền địa phương. Tôi nghĩ làm được vậy, tình trạng nghiện ma túy trong cộng đồng mới giảm mạnh!” Bí thư  Trần Thọ khẳng định.

Đại tá Lê Văn Tám, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, mặc dù NĐ 221, NĐ 111 có từ cuối năm 2013, những đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn cũ thể về việc xác định người nghiện ma túy tại điều 10. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn TP.Đà Nẵng chưa có bác sĩ, y sĩ có thẩm quyền (chưa có chứng chỉ-PV) xác định người nghiện ma túy. Vì vậy, các lực lượng chức năng chưa thể áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, gây nên một áp lực vô cùng lớp đối với công tác quản lý người nghiện, ngăn chặn tội phạm ma túy. Thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của NĐ trên mất rất nhiều thời gian; trong khi đó, giao người nghiện cho gia đình quản lý trong thời gian dài chờ tòa án ra quyết định tập trung cai nghiện bắt buộc là rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng chia sẻ, khi NĐ 221, 111 ban hành, hầu hết các ngành đều rất bối rối trong công tác xử lý xác định người nghiện và xử lý người nghiện. Trong khi số người nghiện tăng cao, nhưng tại trung tâm cai nghiện tập trung của Đà Nẵng 05-06 thì số người đang điều trị cai nghiện giảm đến 80%. “Phải nhìn nhận, nếu người nghiện càng ở ngoài cộng đồng nhiều mà không được quản lý chặt chẽ thì sẽ nâng số lượng người nghiện lên cấp số nhân, chứ không phải cấp số cộng.” bà Hưng nói thêm.

Phải “lách”

Hầu hết đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành liên quan trên địa bàn Đà Nẵng đều thống nhất quan điểm, nên rút ngắn thời gian để đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện tập trung so với quy định của NĐ 221.

Trước hầu hết những ý kiến đồng thuận, ông Huỳnh Đức Thơ, Phó chủ tịch UBND TP khẳng định, sẽ sớm xây dựng quy chế thực hiện quy trình phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn TP. Theo đó, Đà Nẵng sẽ gộp 2 hình thức cai nghiện gia đình và cai nghiện cộng đồng thành một, với phương thức: tổ chức cắt cơn, giải độc tại Trung tâm Y tế quận, huyện, hoặc Bệnh viện tâm thần; sau đó được chuyển về gia đình để phối hợp quản lý; không tổ chức cắt cơn cai nghiện tại trạm y tế xã phường theo quy định của TƯ. NĐ 111 quy định biện pháp xử lý hành chính tại xã phường với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy từ 3-6 tháng, trong khi đó NĐ 94 quy định thời gian cai nghiện cộng đồng, gia đình từ 6-12 tháng, nên sẽ quyết định chỉ 3-6 tháng. Việc xác định người nghiện thay vì nhiêu khê với nhiều thủ tục theo NĐ 221, sẽ được thực hiện căn cứ: Đã có hồ sơ xử lý về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, hoặc có văn bản khai báo của thân nhân gia đình, bản thân người nghiện; có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy. Đà Nẵng sẽ sử dụng một khu tại Trung tâm 05-06 để hình thành cơ sở quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định; sử dụng cán bộ của Trung tâm để thực hiện nhiệm vụ cắt cơn cai nghiện... Và sẽ hình thành tổ tư vấn, thẩm định hồ sơ cấp quận huyện gồm Trưởng công an, Y tế, Tư pháp, LĐ-TB-XH; ngay khi có hồ sơ thì họp thẩm định ngày trong vòng 1 ngày, chuyển tòa án thụ lý, với quy trình này thời gian lập hồ sơ của đối tượng rút ngắn xuống chỉ còn dưới 6 ngày; sẽ rất ngắn so với thời gian của các NĐ.

“Chúng ta phải vận dụng luật linh hoạt để ban hành quy chế mà thực hiện sớm, đừng chờ nữa, đừng để số lượng người nghiện nhân lên nhiều lần mới đi ngừa thì không còn kịp nữa. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng thì tôi sẽ thay mặt thành phố, đứng ra nhận trách nhiệm.” ông Thọ phát biểu, sau khi tán thành quan điểm rút ngắn thời gian thực hiện việc đưa người đi cai nghiện của TP.Đà Nẵng.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.