Phong trào trồng cây mắc ca vẫn tiếp diễn trên địa bàn Tây nguyên mặc dù các tỉnh đưa ra khuyến cáo phải thận trọng.
Hiện nay, hạt mắc ca của một số nông hộ ở Tây nguyên chủ yếu bán làm giống - Ảnh: Nguyên Bình
|
Hiệu quả chỉ cá biệt
Được gán các biệt danh như “cây tỉ đô”, “nữ hoàng các loại hạt khô”…, những năm gần đây, cây mắc ca đã tạo nên cơn sốt kích thích nông dân các tỉnh Tây nguyên lao vào trồng.
Ông Nguyễn Văn Cúc ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, H.Krông Năng (Đắk Lắk) là một trong những người trồng mắc ca đầu tiên ở tỉnh này. Hiện ông có 300 cây mắc ca hơn 10 năm tuổi, 5 năm nay cho thu hoạch ổn định với sản lượng khoảng 4 tấn hạt/năm. Ông Cúc cho biết năm ngoái thu nhập hơn 600 triệu đồng từ mắc ca, phần lớn hạt mắc ca được bán cho nông dân các nơi mua về ươm giống.
Trồng ngẫu nhiên 20 cây mắc ca trong vườn nhà từ năm 2008, ông Trần Xuân Vịnh ở xã Đắk Hring, H.Đắk Hà (Kon Tum) cho biết hiện mỗi năm thu được 300 kg hạt, bán với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/kg. Hiện ông Vịnh cũng tự lấy hạt ươm hơn 2.000 cây giống mắc ca để trồng xen trong 10 ha cà phê của mình với tính toán mỗi năm thu từ 2-3 triệu đồng/cây.
Tuy nhiên, không phải ai trồng mắc ca cũng may mắn có thu nhập khá như hai hộ kể trên. Từ năm 2009, ông Nguyễn Văn Sơn, ở xã Nghĩa Hòa, H.Chư Păh (Gia Lai) sang Đắk Lắk mua 300 cây giống mắc ca về trồng nhưng chỉ có một số cây cho quả rất ít, có cây quả lại nhỏ. Thấy hiệu quả không đạt như mong đợi, ông Sơn đã chặt bỏ khoảng 100 cây mắc ca để chuyển sang trồng cây khác và dự định sẽ chặt bỏ thêm.
Đắk Nông hiện là tỉnh có diện tích cây mắc ca trồng mới đáng kể, với gần 1.500 ha. Tuy nhiều vườn mắc ca đã vào tuổi kinh doanh nhưng người nông dân vẫn lo lắng về hiệu quả từ cây trồng này. Ông Vũ Tá Trọng, ở xã Đắc Nia, TX.Gia Nghĩa, cho biết đã trồng 500 cây mắc ca bước sang tuổi thứ 5, cây sinh trưởng, phát triển nhanh nhưng tỷ lệ đậu quả lại thấp. Ông Trọng băn khoăn: “Năm ngoái tôi thu bói cả vườn được vài chục ký hạt, chủ yếu làm thực phẩm ăn trong nhà, khả năng năm nay cũng thu như thế. Nhìn thấy hoa ra nhiều nhưng không đậu quả bao nhiêu, ở đây cũng chưa thấy ai thu mua sản phẩm này”. Một cán bộ lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Nông, cho biết khi khảo sát một số vườn mắc ca ở H.Đắk Mil cũng thất vọng vì nhận thấy quá ít trái ngay cả ở cây 10 năm tuổi.
Thị trường giống vẫn sôi động
Hầu hết các tỉnh Tây nguyên đều tỏ rõ quan điểm thận trọng khi phát triển cây mắc ca. Đầu tháng 5 này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở NN-PTNT khuyến cáo người dân không nên trồng, mở rộng diện tích cây mắc ca. Lý do là trên địa bàn tỉnh trồng được 110 ha mắc ca, cây sinh trưởng tốt, ra hoa nhiều nhưng phần lớn đậu trái không đạt. Tỉnh Đắk Nông cũng có khuyến cáo tương tự, không khuyến khích người dân trồng mắc ca. Mặc dù quy hoạch phát triển tới 14.600 ha vào năm 2020, trước mắt tỉnh này cũng chỉ cho phép trồng thử nghiệm các mô hình với diện tích 200 ha ở H.Tuy Đức.
Tuy nhiên, dễ nhận ra cơn sốt trồng mắc ca ở Tây nguyên chưa có điểm dừng khi nhìn vào thị trường giống đang hết sức sôi động. Ở khu vực “chợ giống” Ea Kmát, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hầu như ngày nào cũng có người dân các nơi đến tìm mua cây mắc ca nhưng các cơ sở ở đây không đủ giống để bán. Tại Gia Lai, Công ty TNHH giống cây trồng Vinamacca Đức Anh đang xây dựng vườn ươm quy mô khoảng 300.000 cây mắc ca giống. Ở Đắk Nông, Công ty CP mắc ca Nữ hoàng đã ươm 20.000 cây mắc ca chuẩn bị cung ứng cho nông dân trong năm nay...
Phần lớn các hộ trồng mắc ca có trái ở Tây nguyên đều bán hạt cho các công ty giống, các chủ vườn ươm, hoặc tự ươm giống cây thực sinh. Nhiều ý kiến cho rằng giá bán hạt mắc ca làm giống ở mức cao đã gây ngộ nhận mắc ca có hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng khác, thúc đẩy nông dân đổ xô trồng.
Tiến sĩ Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, tỏ ra lo ngại ở khía cạnh khác: “Về kỹ thuật, nếu không ghép chồi mà trồng mắc ca bằng cây thực sinh thì sau này phần lớn số cây sẽ không có trái hoặc trái rất ít, người trồng sẽ chịu thiệt hại lớn”.
Bình luận (0)