Spotlight: 'Chú ngựa ô' của Oscar 2016

28/01/2016 15:03 GMT+7

Có thể nói Spotlight - bộ phim dựa trên những sự thật về nạn ấu dâm tại Mỹ hội đủ những yếu tố có thể trở thành 'chú ngựa ô' trên đường đua khốc liệt tới tượng vàng Oscar năm 2016.

Có thể nói Spotlight - bộ phim dựa trên những sự thật về nạn ấu dâm tại Mỹ hội đủ những yếu tố có thể trở thành 'chú ngựa ô' trên đường đua khốc liệt tới tượng vàng Oscar năm 2016.

Một cảnh trong phim 'Spotlight' - Ảnh: Chụp màn hình trailerMột cảnh trong phim 'Spotlight' - Ảnh: Chụp màn hình trailer
Nguyên tắc “Show, don’t tell”
“Show, don’t tell” là một nguyên tắc cốt lõi trong báo chí nhắc nhớ những người viết báo rằng khi trình bày một vấn đề phải sử dụng kỹ năng của mình để thể hiện một câu chuyện với nội dung rõ ràng và để người đọc tự đánh giá, tự kết luận chứ đừng nên chỉ “kể”. Với Spotlight, một bộ phim lấy chất liệu báo chí về câu chuyện làm rúng động cả nước Mỹ khi một nhóm nhà báo phanh phui sự thật về nạn lạm dục tình dục trẻ em của các linh mục tại giáo phận Boston (Mỹ), đạo diễn Tom McCarthy đã tuân thủ hoàn hảo nguyên tắc này.
Đặt lên bàn cân với các phim cũng dựa vào những câu chuyện báo chí như All The President’s Men Zodiac, cũng như các tác phẩm đã đi vào lịch sử này, Spotlight cũng diễn ra trong bối cảnh thực tế cuộc sống báo chí. Tuy nhiên, cách tiếp cận và kể chuyện của bộ phim đơn giản nhưng tinh tế hơn nhiều. Spotlight không hấp dẫn theo những cảnh rượt đuổi tội phạm hay những màn đấu trí căng thẳng như trong Zodiac, không xây dựng hình tượng những nhà báo vĩ đại khiến tổng thống Mỹ từ chức như All The President’s Men, Spotlight lại gây ám ảnh người xem bằng những khung cảnh yên bình bao quát thành phố Boston với hàng trăm ngọn tháp của các nhà thờ, nơi những con chiên ngoan đạo ngày ngày đến cầu nguyện. Ít ai biết rằng ẩn giấu dưới vẻ bình yên ấy, chính một số người làm chỗ dựa tinh thần cho giáo dân đã phản bội lại đức tin, gây ra tội ác không thể tha thứ. Tội ác ấy được che giấu hàng thập niên bởi những người quyền lực mà đứng đầu là Tổng giáo phận Boston.
Câu chuyện phanh phui sự thật kinh hoàng này được Spotlight kể lại với những hình ảnh chân thực nhưng đau xót nhất là khi tổ điều tra tờ The Boston Globe vấp phải sự thờ ơ, bàng quan, thậm chí là xa lánh của đồng nghiệp và những người dân cùng thành phố. Đơn giản chẳng ai muốn tin rằng một số vị giáo sĩ đáng kính lại có thể gây ra tội ác như vậy. Hơn nữa, trong tâm khảm của những nhà báo nhiệt huyết sinh ra và lớn lên tại thành phố sùng đạo này cũng đang diễn ra một cuộc tranh đấu quyết liệt khi niềm tin tâm linh của họ và người thân bị Giáo hội thành phố phản bội không thương tiếc. Có thể nhận thấy sự nhập vai hoàn hảo của các diễn viên thành phóng viên trên màn ảnh khi họ đang phải kìm nén cảm xúc khi đối diện với những giọt nước mắt, những hồi tưởng đau đớn từ nạn nhân của những kẻ có “tâm hồn quỷ dữ” ẩn dưới danh nghĩa đức cha trọng vọng.
Spotlight: ‘Chú ngựa ô’ của Oscar 2016 2 Mark Ruffalo nhận đề cử Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn trong Spotlight - Ảnh: Reuters
Một bộ phim đầy tính nghệ thuật
Có thể nói, Spotlight đề cập đến một đề tài khó nhằn: nạn ấu dâm của một số giáo sĩ Công giáo. Khó khăn là bởi nó chạm tới những gì thiêng liêng nhất trong tâm trí của những người sùng đạo nói riêng và con người nói chung. Đó chính là đức tin và trẻ thơ. Do vậy, làm thế nào để bộ phim truyền tải đến người xem một tội ác và sự trừng phạt theo cách trung thực, không né tránh, nhưng đồng thời không được khiến người xem phản cảm, e là điều không đơn giản.
Tom McCarthy đã chọn cho mình cách tiếp cận nhẹ nhàng với nhịp phim chậm rãi khéo léo khi không đề cập trực tiếp đến tội ác và những kẻ thủ ác. Thay vào đó, nhà làm phim tập trung toàn bộ thời lượng phim cho quá trình tìm kiếm sự thật của nhóm phóng viên điều tra. Gián tiếp thông qua họ, những hậu quả lâu dài, đau thương mà nạn nhân của các vụ ấu dâm phải chịu đựng cứ thế được khơi gợi rất đỗi tự nhiên.
Nhận xét về Tom McCarthy, Sidney Lumet, đạo diễn của Network and 12 Angry Men từng phát biểu đơn giản nhưng phần nào nói lên cách làm phim đầy thuyết phục của vị “thuyền trưởng” 49 tuổi: “Tom không hẳn là một người làm chủ hình ảnh tốt nhưng chắc chắn anh là một người kể chuyện xuất sắc”. Tom McCarthy được đề cử vào hạng mục Đạo diễn xuất sắc tại Oscar 2016 với bộ phim để đời này.
Tính nghệ thuật còn ẩn chứa sâu sắc trong những thước phim đượm buồn với sự linh hoạt trong các góc quay rộng và cận đặc tả đan xen của nhà quay phim người Nhật Bản Masanobu Takayanagi. Cảm xúc của các nhân vật, từ sự phẫn nộ, đau xót của các phóng viên khi tiếp xúc với nạn nhân cho đến nỗi đau khổ, cay đắng của những con người từng bị lạm dụng và cả thái độ thách thức, vô cảm của những kẻ quyền cao chức trọng đối lập với khung cảnh đẹp đẽ và yên bình của Boston trong mùa cây trút lá từ từ hiện lên sống động và ám ảnh người xem. Cộng với nhạc phim lúc dồn dập, lúc da diết của nhà soạn nhạc danh tiếng Howard Shore, không còn nghi ngờ gì khi Spotlight chính là một trong những tác phẩm toàn diện nhất về cả mặt nội dung lẫn kỹ thuật của điện ảnh Hollywood năm 2015.
Gặt hái nhiều giải thưởng quan trọng tiền Oscar
Cũng giống như thành công của loạt phóng sự điều tra của tờ The Boston Global khi đoạt giải Pulitzer 2003, một giải thưởng về báo chí danh giá nhất thế giới, Spotlight gây sốt từ lần ra mắt ở Liên hoan phim Venice lần thứ 72. Phim sau đó để lại dấu ấn tại Liên hoan Telluride và Toronto trước khi ra mắt rộng rãi tại các rạp Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái.
Nối tiếp thắng lợi đó, trong lễ trao giải Critics’ Choice Awards của Hiệp hội phê bình phim phát sóng Mỹ (BFCA) đã trao cho Spotlight giải thưởng Phim hay nhất, Kịch bản gốc và Dàn diễn viên xuất sắc nhất. Critics’ Choice Award là một trong những giải thưởng tiền Oscar quan trọng, theo thống kê, trong vòng 20 năm qua, có tổng cộng 12 bộ phim được BFCA vinh danh rồi sau đó lên ngôi cao nhất tại Oscar.
Dàn diễn viên gồm Michael Keaton trong vai trưởng nhóm Walter “Robby” Robinson điềm tĩnh, Mark Ruffalo hóa thân vào Michael Rezendes nhiệt huyết, xông xáo, một Rachel McAdams - Sacha Pfeiffer tinh tế, nhạy cảm và Brian d’Arcy James đảm nhiệm Matt Carroll hiểu biết, tận tụy đã tái hiện lại chân dung những nhà báo ưu tú nhất của nước Mỹ. Chính sự dũng cảm của họ đã giúp truyền lửa cho cả xã hội, cho từng nạn nhân của tội ác, để tất cả có thể cất lên tiếng nói của chính bản thân.
Mặc dù phải đối đầu với những đối thủ rất mạnh ở hạng mục Phim hay nhất tại Oscar 2016 như The Revenant, The Big Short hay The Maritan thế nhưng đã quá lâu rồi, thế giới mới có một bộ phim về đề tài báo chí xuất sắc như vậy. Với tầng ý nghĩa nhân văn và sâu sắc mà Spotlight truyền tải, sẽ không ngạc nhiên khi năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ quyết định tôn vinh sức mạnh của báo chí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.