Sri Lanka cúp điện kéo dài, chìm trong khủng hoảng kinh tế

Khánh An
Khánh An
31/03/2022 11:34 GMT+7

Sri Lanka tăng thời gian cúp điện kéo dài đến 13 giờ hằng ngày, trong khi tiếp tục thiếu hụt nhiều mặt hàng thiết yếu trong khủng hoảng.

Kể từ ngày 31.3, Sri Lanka bắt đầu cúp điện 13 giờ hằng ngày và nhiều bệnh viện phải dừng các ca phẫu thuật theo lịch vì thiếu thuốc, trong khi quốc gia này tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế.

Người dân đốt nến do cúp điện tại thủ đô Colombo (Sri Lanka) vào ngày 30.3

afp

Theo AFP, quốc gia Nam Á với 22 triệu dân đang trải qua khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948 do thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu nhất.

Công ty điện lực quốc gia hôm 30.3 thông báo thời gian cúp điện hằng ngày sẽ tăng thêm 3 tiếng. Trước đó, công ty thông báo sẽ cúp điện trong thời gian 7-10 giờ hằng ngày vì thiếu dầu cho các nhà máy nhiệt điện.

Hơn 40% sản lượng điện của Sri Lanka là từ thủy điện, nhưng hầu hết các hồ chứa đang ở mức rất thấp vì thiếu mưa. Phần lớn điện được sản xuất từ than và dầu, 2 mặt hàng được nhập khẩu nhưng đang thiếu hụt do không có đủ USD để chi trả.

Ngày 30.3, có thêm 2 bệnh viện thông báo dừng các ca phẫu thuật không khẩn cấp vì thiếu nhiều loại thuốc, thuốc men và hóa chất để xét nghiệm, trong khi phải dự trữ cho các ca cấp cứu.

Bệnh viện Quốc gia Sri Lanka cũng thông báo dừng các xét nghiệm chẩn đoán thông thường. Công ty cung cấp nhiên liệu chính của nước này cho biết sẽ không còn dầu diesel, nhiên liệu thường dùng trong vận tải, trong ít nhất 2 ngày.

Truyền thông địa phương đưa tin biểu tình diễn ra tại nhiều nơi yêu cầu cung cấp nhiên liệu cho xe cá nhân. Theo Reuters, giá cổ phiếu đóng cửa ngày 30.3 của Sri Lanka giảm 3,6%, sau khi giảm hơn 7% trong ngày khiến Sàn Chứng khoán Colombo tạm ngừng giao dịch 2 lần.

Voi rừng đói khát tại Sri Lanka phải đào bới bãi rác để tìm thức ăn

Sri Lanka cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ tháng 3.2020 nhằm tích trữ ngoại tệ để trả 51 tỉ USD nợ nước ngoài, dẫn đến thiếu hụt nhiều mặt hàng thiết yếu và tình trạng hàng hóa tăng giá.

Chính phủ đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bảo lãnh và đề nghị Ấn Độ và Trung Quốc cho vay thêm. Dự kiến Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa sẽ đến Washington vào tháng 4 để đàm phán với IMF.

Hôm 25.3, đánh giá của IMF cho rằng Sri Lanka đang chịu khủng hoảng kép từ các vấn đề về cán cân thanh toán và nợ công, nên cần một chiến lược toàn diện nhằm giúp nợ bền vững. Đến nay, Sri Lanka đã nhận 16 gói cứu trợ tài chính từ IMF.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.