Vào năm 2019, Facebook ra mắt stablecoin Libra nhưng nhanh chóng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nhà lập pháp. Tham vọng cách mạng hóa hệ thống tài chính toàn cầu của Facebook khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại nền tảng này có thể kiểm soát hệ thống tiền tệ, xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Trước áp lực lớn, Facebook bán dự án Diem cho Silvergate Capital với giá 182 triệu USD vào tháng 2.2022.
Một cựu quan chức cho biết quyết định phê duyệt Libra trùng với thời điểm chuyển giao quyền lực cho Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 1.2021, mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nghiên cứu vấn đề này một thời gian nhưng quyết định cuối cùng lại rơi vào tay chính quyền mới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen muốn có thêm thời gian để phân tích đầy đủ các vấn đề xoay quanh stablecoin, bà liên tục kêu gọi Quốc hội Mỹ tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho stablecoin.
Một số cựu quan chức, CEO và nhà phân tích cho rằng PayPal có lợi thế hơn Facebook vì các nhà hoạch định chính sách đã quen thuộc hơn với stablecoin so với năm 2019, việc đẩy mạnh tạo ra các quy định về stablecoin ở Mỹ cũng giúp nâng cao tính hợp pháp trong mắt nhà lập pháp.
PayPal USD sẽ được phát hành bởi công ty Paxos Trust, được hỗ trợ bởi đồng USD và Kho bạc Mỹ, đồng thời chịu sự giám sát của Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính bang New York (NYDFS).
Sau khi TerraUSD sụp đổ vào năm 2022, bà Yellen cho biết stablecoin không gây ra rủi ro hệ thống. Kể từ đó, lo ngại rằng stablecoin có thể thay thế tiền truyền thống đã giảm bớt, Bộ Tài chính Mỹ và Quốc hội Mỹ đồng ý các cơ quan quản lý cần thận trọng giám sát stablecoin.
Vào tháng 8, Fed vạch ra quy trình để các ngân hàng nhà nước giao dịch bằng stablecoin. Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ đã đề xuất một dự luật vào tháng 7, trao cho Fed nhiều quyền lực hơn để giám sát stablecoin trong khi vẫn duy trì quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước. Hạ nghị sĩ Patrick McHenry cho biết Quốc hội Mỹ nên nhanh chóng thông qua dự luật để stablecoin phát huy hết tiềm năng.
Bình luận (0)