Startup lỗ nặng vẫn được hai cá mập 'Shark Tank' rót 2 tỉ đồng

16/08/2018 16:07 GMT+7

Mang đến Shark Tank sản phẩm dừa bật nắp khoan Cocolala, Tấn Lộc hi vọng sẽ gọi được vốn từ nhà đầu tư để vực dậy doanh nghiệp đang thua lỗ trong Thương vụ bạc tỉ tập 8.

Theo Tấn Lộc, Việt Nam đang có trữ lượng dừa đứng thứ sáu thế giới nhưng giá trị nông sản lại đứng sau Thái Lan, bởi chất lượng dừa organic chưa cao. Vì vậy, mang tham vọng tạo đầu ra ổn định cho ngành dừa, tạo thương hiệu cho dừa Việt Nam, nâng cao giá trị sử dụng, Tấn Lộc mong muốn kêu gọi 2 tỉ đồng đổi 30% cổ phần từ các nhà đầu tư để phát triển sản phẩm.
Trình bày về tình hình tài chính, Tấn Lộc cho hay công ty có vốn điều lệ 1,9 tỉ đồng. Vì là công ty sản xuất, không thuần thương mại nên hiện rơi vào tình trạng lỗ lũy kế khoảng 700 triệu đồng. Nhưng Cocolala hiện có khách hàng tiềm năng tại các thị trường lớn như: New York, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông. Ngoài ra anh cũng khẳng định lợi thế dừa Cocolala là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và được khách hàng tự tìm đến. Sắp tới, doanh nghiệp cũng sẽ hợp tác với hãng hàng không Jetstar để phân phối sản phẩm phục vụ hành khách trên các chuyến bay.
Startup cạn vốn đến Shark Tank với tia hi vọng cuối cùng1
Shark Thái Vân Linh khiến nhiều khán giả phát cuồng vì màn tìm cách mở nắp quả dừa với sự giúp đỡ của shark Hưng
Đánh giá quy mô và giá trị gia tăng của Cocolala không lớn, shark Phú nhận xét: “Tôi nghĩ đây là một sản phẩm đơn giản, thứ hai là lãi gộp em nói chỉ có mười mấy phần trăm thì anh thấy nếu vận hành ở một tổ chức lớn thì nó sẽ không có lời nên anh quyết định không đầu tư”.
Cả Shark Hưng và Dzung Nguyễn cũng lần lượt lắc đầu từ chối. “Cá mập” công nghệ nhận xét: “Tên thương hiệu không quan trọng bằng đầu vào của trái dừa, đặc biệt là kênh phân phối hiện nay của em khá khó để tăng quy mô”.
Nhà sáng lập Tấn Lộc chia sẻ: “Em đang có một đơn hàng xuất khẩu phải làm trong vòng ba ngày, thứ nhất là không đủ máy móc. Hiện tại em không dám nhận, em phải đầu tư hai tỉ đồng cho máy móc, nhà xưởng lạnh. Mình phải có vốn lưu động để đi mua dừa vì mua dừa phải trả tiền mặt, ngoài ra em còn phải trả tiền nhân viên”.
Nhìn thấy tương lai và ý nghĩa của sản phẩm, Shark Việt đưa ra đề nghị đầu tư 2 tỉ đồng cho 50% cổ phần, ông muốn startup đưa ra các chiến lược kinh doanh. Tương tự, Shark Linh cũng đưa ra đề nghị 2 tỉ đồng cho 30% và lấy 50% doanh thu trên sản phẩm đến khi hết 2 tỉ đồng cùng lời chia sẻ: “Chị thích sản phẩm này, khi xuất khẩu có nhiều người nước ngoài rất quý sản phẩm tươi của Việt Nam”.
Bối rối trước những lời đề nghị từ các Shark, Tấn Lộc quyết định trao quyền quyết định cho cố vấn tài chính Hồ Diễm Phượng. Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành tài chính, Diễm Phượng bước vào bàn đàm phán cùng Shark Linh để nhận được cái gật đầu từ vị “cá mập” đến từ VinaCapital.
Nhà sáng lập Tấn Lộc chia sẻ: “Trước khi tham gia Shark Tank, công ty của tôi đang bị bế tắc, thật sự thiếu vốn và không thể phát triển. Nhưng với sự đồng hành của Shark Linh và sự giúp đỡ của chị Phượng thì mình nghĩ Cocolala sẽ phát triển và bùng nổ ở thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu sang thị trường thế giới”.
Một khán giả nhận xét: “Chị Phượng thuyết trình thay cho Cocolala ở phần thương thuyết chắc chắn, thân thiện, thông minh. Không biết chị làm gì nhưng thật sự nhìn chị rất tiềm năng. Anh Nguyễn Tấn Lộc mình thấy anh rất chân thành, và tâm huyết trong sản phẩm, đi kèm song song với shark Linh và chị Phượng thì đó là một tín hiệu rất tốt cho công ty của anh. Chúc mừng Cocolala”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.