Theo nhận định của các chuyên gia tư vấn cộng đồng doanh nhân MobiBiz.vn, startup Việt Nam có nhiều ý tưởng nhưng do thiếu kỹ năng về quản trị hay cách theo dõi hoạt động kinh doanh sao cho hiệu quả, họ vẫn thất bại dù ý tưởng hay và sáng tạo.
Trên thực tế, doanh nghiệp thất bại chủ yếu do những sai lầm trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng. Khảo sát của CB Insights về nguyên nhân thất bại của 156 startup đã chỉ ra, 20 nguyên nhân hàng đầu thuộc về sai lầm trong quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm thực. Các nguyên nhân có thể kể đến như: không đủ vốn, ý tưởng không phù hợp với nhu cầu thị trường, sản phẩm không nổi trội, định giá không chính xác, không có chiến lược rõ ràng, marketing yếu…
Các chuyên gia cho hay, một ý tưởng đáng giá nhưng nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp thì tỷ lệ thành công khi hiện thực hóa nó có thể không quá 1%.
Vì thế, khi có ý tưởng, startup cần tự mình kiểm chứng tính khả thi của nó trước khi bắt tay vào làm bằng việc xem xét quy mô thị trường, đối thủ cạnh tranh, những điểm độc đáo trong ý tưởng và sản phẩm... Có nhiều trường hợp ý tưởng sau khi phân tích và hoàn thiện đã trở nên hoàn toàn khác so với ban đầu.
|
Các chuyên gia cũng đưa ra 3 điều quan trọng nhất khi phát triển ý tưởng: khai thác những thị trường chưa có sẵn và trống; xác định nhóm mục tiêu chiến lược, ví dụ dựa trên độ hiếm có, hoặc giá cả thấp; và đầu tư thêm những sản phẩm và dịch vụ bổ sung.
Ngoài ra, một giải pháp quan trọng mà có thể nhiều startup bỏ qua là chia sẻ ý tưởng. Trong top 20 nguyên nhân thất bại mà CB Insights đưa ra, 8% startup nhận định không khai thác các mối quan hệ trong ngành hay tham vấn chuyên gia là lí do khiến họ không nhận ra những sai sót trong kế hoạch kinh doanh.
Ghi nhận từ các câu hỏi gửi về Góc tư vấn của trang MobiBiz.vn cho thấy nhiều ý tưởng hấp dẫn nhưng xa vời, không thực tế và khó có thể trở thành một kế hoạch kinh doanh thành công. Để điều chỉnh và phát triển nó thành một ý tưởng “dùng được”, các chuyên gia đưa ra lời khuyên cần tìm nhiều nguồn tham khảo, ngoài chuyên gia còn có chủ doanh nghiệp trong và ngoài ngành, startup khác dù thành công hay thất bại.
Hơn nữa, tham vấn một lần là chưa đủ, quá trình trao đổi về ý tưởng phải được thực hiện liên tục, kể cả khi sản phẩm đã ra đời để đáp ứng những thay đổi về nhu cầu thị trường.
Các chuyên gia khẳng định, tính chia sẻ và môi trường làm việc mới là thứ thực sự cần thiết khi khởi nghiệp. Theo đó, nếu có ý tưởng nhưng không có ai để ‘cãi’ thì khó có thể hiện thực hóa được.
Bình luận (0)