Stephen Hawking đã về với các vì sao

Ngọc Mai
Ngọc Mai
15/03/2018 07:33 GMT+7

Stephen Hawking, nguồn cảm hứng cho hàng triệu người yêu khoa học trên toàn thế giới bằng tài năng và nghị lực vượt qua nghịch cảnh, đã qua đời ở tuổi 76.

Rạng sáng qua, gia đình Stephen Hawking đau buồn báo tin nhà vật lý thiên tài người Anh trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 76 tại nhà riêng ở thành phố Cambridge (Anh). Đại học Cambridge, nơi Hawking làm việc, cùng nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới và chính trị gia đã bày tỏ tiếc thương đối với người “mở ra một vũ trụ đầy tiềm năng cho con người khám phá”. Cha đẻ của mạng lưới toàn cầu World Wide Web, Tim Berners-Lee ngậm ngùi: “Chúng ta vừa mất đi một trí tuệ khổng lồ và một tinh thần tuyệt vời”. Nam diễn viên Eddie Redmay thì chia sẻ Hawking là “người đàn ông dí dỏm, lạc quan nhất mà tôi vinh dự được gặp”. Năm 2014, Redmay đoạt giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhờ màn hóa thân thành Hawking trong bộ phim The Theory of Everything (Thuyết yêu thương).
Bại liệt hơn nửa thế kỷ
Hawking sinh ngày 8.1.1942 tại Oxford, Anh trong một gia đình trí thức. Tuổi thơ ông không có gì nổi trội, thậm chí còn chậm đọc, chậm viết. Dù vậy, ông vẫn được nhận vào Đại học Oxford danh giá. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục vào Đại học Cambridge để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học vũ trụ.
Năm 21 tuổi, bi kịch tưởng chừng không thể vượt qua đã ập đến khi Hawking được chẩn đoán mắc chứng xơ cứng teo cơ (ALS), gây hạn chế khả năng vận động lẫn giao tiếp. Kể từ đó, ông sống chung với nạng rồi chiếc xe lăn, đối mặt với những cơn đau quái ác từ căn bệnh hiểm nghèo. Khi chuẩn bị kết hôn lần đầu năm 1965, bác sĩ thậm chí chẩn đoán ông có thể không sống nổi 3 năm. Dù đã có lúc nghĩ đến chuyện buông xuôi, nhưng Hawking tìm được nguồn sống nhờ vào người vợ đầu tiên Jane Wilde để tiếp tục chống chọi với bệnh tật. Ông bắt đầu nhờ tới công cụ hỗ trợ giao tiếp và trở lại với đam mê khoa học.
Nhờ có Wilde, ông được tiếp thêm sức mạnh. Hai người có với nhau 3 người con là Lucy, Robert và Tim trước khi chia tay vào năm 1995. Cùng năm đó, ông tái hôn với Elaine Mason, cô y tá có nhiều năm chăm sóc ông tận tình. Hawking và Mason sau đó còn nhận đỡ đầu cho một bé gái Việt tại làng trẻ SOS tên Nguyễn Thị Thu Nhàn. Năm 2006, ông ly hôn lần hai và gắn kết lại với gia đình Wilde. Cũng từ đây, sức khỏe Hawking ngày càng yếu, cơ thể gần như bại liệt hoàn toàn cho đến khi qua đời.
Không gì ngăn nổi thiên tài
Tuy nhiên, trí óc của Hawking vẫn hoạt động bình thường, thậm chí ngày càng bộc lộ rõ phẩm chất thiên tài. Suốt hơn nửa thế kỷ sống trong thân thể yếu ớt, ông đã ghi dấu ấn vĩ đại trong nền vật lý lý thuyết hiện đại và khoa học vũ trụ.
Ngay từ năm 1970, Hawking cùng nhà vật lý Roger Penrose đã áp dụng các công trình nghiên cứu về điểm bất thường hình thành từ hố đen để chỉ ra một điểm kỳ dị không - thời gian vào thời điểm vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ xảy ra. Giới khoa học gọi đây là định lý kỳ dị Penrose-Hawking. Sau đó, ông tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ mà ngày nay được gọi là bức xạ Hawking. Trong những thập niên sau đó, ông tiếp tục đóng góp nhiều công trình cho nhân loại, bao gồm lý thuyết về sự phình to của vũ trụ và được xem là người tiên phong mở ra nền khoa học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát với cơ học lượng tử. Đặc biệt cuốn Lược sử thời gian của ông, ra đời năm 1988, luôn nằm trong số những cuốn sách bán chạy nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới.
Mặt khác, Hawking cũng không tự giam mình trong 4 bức tường với chiếc xe lăn và những nghiên cứu của riêng mình. Trong nhiều thập niên qua, ông đã sống một cuộc đời hết sức năng động, thường xuyên trả lời phỏng vấn, phổ biến kiến thức vũ trụ, vận động nâng cao hiểu biết về bệnh ALS, thậm chí còn đóng phim. Chính vì thế, Hawking không những là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thế hệ của ông mà còn là niềm cảm hứng cho hàng triệu người khắp thế giới.
Cảnh báo về tận thế
Theo BBC, trong nhiều năm qua, Hawking thường xuyên cảnh báo về nguy cơ thế giới bị tận diệt vì cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chiến tranh hạt nhân hay thậm chí là những cỗ máy trí tuệ nhân tạo sẽ nổi dậy chống lại loài người. Tháng 5.2017, ông còn cho rằng nhân loại “chỉ còn 100 năm để tìm đường di cư đến một hành tinh khác”.
Bên cạnh đó, năm 2010, Hawking cảnh báo nếu người ngoài hành tinh thật sự tồn tại và bắt được liên lạc với trái đất thì họ “sẽ không phải là những người khách thân thiện” và “Người ngoài hành tinh đến đây thì cũng như Columbus đặt chân lên châu Mỹ vậy, rõ ràng là không có kết cục tốt cho dân bản địa”. “Tôi hình dung người ngoài hành tinh có thể lang thang trên những phi thuyền khổng lồ sau khi sử dụng cạn kiệt tài nguyên trên hành tinh của họ. Họ có thể trở thành dân du mục đi chinh phục và xâm chiếm bất cứ hành tinh nào phát hiện được”, kênh Discovery dẫn lời ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.