Stress khi về hưu

13/11/2007 13:31 GMT+7

Phần đông người lớn tuổi khi về hưu sẽ có những khó khăn về đời sống tâm lý, thường bị stress.

Nhiều mối lo khiến sinh bệnh

Ông T.N., nguyên là một cán bộ cốt cán trong ngành thương mại, nhà ở TP.HCM đến Trung tâm Tham vấn tâm lý (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2) để được giúp đỡ vì những triệu chứng: hay quên, mệt mỏi, đau nhức, khó thở và luôn hồi hộp lo lắng. Ông được chẩn đoán bị rối loạn lo âu - những triệu chứng đó là hậu quả của một stress bệnh lý kéo dài.

Khi về hưu, phần lớn họ có cảm giác mình không còn giá trị cuộc sống, lo lắng khi không được người khác tôn trọng. Họ cảm thấy như mình bị mất đi tất cả, quyền lực, sự tôn trọng, sự phục tùng của người khác, điều này gây cho họ một cú sốc thật sự.

Tương tự, ông V.Q., cũng đến bác sĩ để được giúp đỡ về mặt tâm lý bởi đang gặp rất nhiều khó khăn khi về hưu. Ông cho bác sĩ biết: "Tôi luôn cáu gắt, nóng nảy với mọi người trong gia đình vô cớ, luôn bực tức và thật sự trống rỗng khi về hưu. Nhiều sáng thức dậy vẫn cắp cặp và lấy xe đi làm bình thường, đến giữa đường mới nhớ là mình đã về hưu nên quay trở lại". Quan trọng nhất là cuộc sống nhàn rỗi của ông hiện nay làm ông khó chịu. Đang là cán bộ công chức của một cơ quan nhà nước, nhiều uy quyền và luôn đầy ắp những công việc phải giải quyết. Nay, về hưu hằng ngày không biết làm gì, con cái thì đi làm hết, các cháu thì đi học. Sự bức bách đó làm ông khó chịu và mệt mỏi, điều đó làm trạng thái tâm lý của ông thay đổi rất nhiều.

Nhiều người không thích nghi được với cuộc sống mới thường rơi vào trạng thái stress, rối loạn tâm thần. Đặc biệt, những người này mắc các chứng rối loạn lo âu và trầm cảm rất cao. Nghiên cứu của các nhà tâm thần tại Bệnh viện Maudsley London (Anh), tỷ lệ người ở lứa tuổi 54-64 mắc chứng trầm cảm lên đến 21,9% ở nam, và 8,6% ở nữ. Bên cạnh đó việc mắc các chứng như sa sút về trí nhớ và các bệnh về nhận thức, cảm xúc cũng khá đặc trưng và chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Để không rơi vào bệnh

Khi phân tích về những nguyên nhân của những khó khăn tâm lý thời kỳ về hưu, người ta nhận thấy, sự chuẩn bị cho cuộc sống mới sau khi về hưu là chưa có, vì vậy nhiều người thường rơi vào trạng thái hụt hẫng, khó khăn. Để giải quyết khó khăn này, điều đầu tiên và rất quan trọng là phải chuẩn bị cho cuộc sống mới của mình, sao cho phù hợp với khả năng, hoàn cảnh, cách sống... Bên cạnh việc chuẩn bị những điều kiện về kinh tế, điều kiện môi trường, không gian sống để không quá phụ thuộc vào con cái, thì việc chuẩn bị những yếu tố phục vụ cho cuộc sống tinh thần cũng đặc biệt quan trọng. Nhiều người khi về hưu đã chuẩn bị cho mình một công việc mới như: tham gia giảng dạy, tham gia các đề tài nghiên cứu, hay đăng ký tham gia các hội nghề nghiệp, các hội và câu lạc bộ để sinh hoạt thường xuyên tạo cảm giác không bị cô đơn. Tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi, câu lạc bộ dưỡng sinh và tập luyện thường xuyên sẽ tạo cuộc sống thoải mái cả về tinh thần lẫn thể chất.

Lê Minh Công
(Bệnh viện Tâm thần  T.Ư 2)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.