Game online thuần Việt đầu tiên Thuận Thiên Kiếm, thành công khủng khiếp của Flappy Bird, sản phẩm “đầu tư khủng” 7554, cái bắt tay hái ra tiền giữa những nhà phát hành và phát triển game trong nước, vấn nạn clone (sao chép) game… là những “tảng băng nổi” tiêu biểu của ngành game Việt – lĩnh vực công nghệ đã có hàng chục năm tuổi, nhưng vẫn còn trong quá trình tự định hình chính mình.
Giữa muôn trùng sự biến chuyển phức tạp đó, vẫn có những studio game không “giàu” về danh tiếng lẫn quy mô dự án, cũng chưa tạo được những bước ngoặt mang tính bùng nổ, nhưng vẫn kiên trì, “lỳ lợm” bước qua mọi sóng gió để theo đuổi sự đam mê với tinh thần chuyên nghiệp cao. Một ví dụ tiêu biểu trong “tảng băng chìm” này chính là VMOGA – gã tí hon đặc biệt trong ngành, đi lên từ con số 0 tròn trĩnh.
Gun Gun Online là sản phẩm mới nhất của VMOGA - Nhận cảm hứng từ "huyền thoại" Gunbound
Tiếp chuyện Thanh Niên Game vào một buổi chiều tháng 4 - khi toàn bộ nhân lực của studio VMOGA đang căng thẳng “đánh trận” với bản cập nhật quan trọng của Gun Gun Online, nhưng anh Nguyễn Quang Vinh (CEO VMOGA) vẫn dành cho chúng tôi sự nồng nhiệt và cởi mở. Cũng với tinh thần này, người đứng đầu VMOGA đã chia sẻ nhiều lát cắt mới lạ, thú vị về ngành game Việt cũng như bản thân thương hiệu VMOGA.
Trưởng thành từ thương hiệu Gameloft danh giá
“Mình nghĩ rằng, nếu như VNG là điểm xuất phát của nhiều người làm trong lĩnh vực truyền thông ngành game, thì Gameloft là nơi cung cấp đội ngũ developer (phát triển) game lớn cho các studio tại Việt Nam” – Đó là những chia sẻ mang tính tri ân của anh Nguyễn Quang Vinh dành cho Gameloft – cũng là nơi mà anh bắt đầu công việc ngành game, với hơn 4 năm gắn bó.
Anh Nguyễn Quang Vinh - "Thủ lĩnh" của VMOGA
Cũng tại đơn vị game lớn mang tầm quốc tế này, anh Vinh học hỏi được cung cách làm việc, cũng như gặp gỡ những developer có chuyên môn cao tại Việt Nam. Năm 2012, cảm thấy “đã đến lúc để làm một cái gì đó cho riêng mình”, anh Vinh cùng những người cộng sự thân thiết thành lập VietGameDev (Công ty phát triển trò chơi Việt) – tiền thân VMOGA.
Ban đầu, VietGameDev không chỉ được định hình như một đội ngũ phát triển game thuần Việt, mà tập thể của anh Vinh cũng thành lập nên diễn đàn trao đổi, giao lưu dành cho những người trong giới developer. Tuy vậy, những kỳ vọng này ngay lặp tức gặp phải nhiều trở ngại, mà chủ yếu đến từ sự “hướng nội” của những người trong giới phát triển game, không tìm được tiếng nói chung để “trải lòng” về nghề.
Những bước đi chập chững và cú hích Window Phone
Kể về quá trình làm game những ngày đầu, anh Nguyễn Quang Vinh cho biết VietGameDev dành khá nhiều thời gian cho các sản phẩm indie game quy mô nhỏ. Đây là sân chơi vừa sức, đồng thời giúp cả team trau dồi, rèn giũa kỹ năng.
Một trong những sản phẩm ấn tượng nhất của VietGameDev trong quãng thời gian này chính là Gangnam Guy – trò chơi vui nhộn ăn theo cơn sốt bài hát Gangnam Style. Theo anh Vinh, một trong những nguyên nhân giúp trò chơi trở nên nổi bật chính là sự nhanh nhạy, ra mắt đúng thời điểm “đẹp”. Đây cũng chính là phương châm hoạt động, ưu tiên quan trọng của nhiều studio chuyên indie game tại Việt Nam hiện nay.
Anh Vinh và nhóm VietGameDev đã có chiến thắng quan trọng tại Lumia AppCampus Challenge
Tuy nhiên, nhóm phát triển game của anh Vinh chỉ thật sự bước ra ánh sáng khi đoạt giải nhất cuộc thi Lumia AppCampus Challenge vào năm 2013, bằng sản phẩm game puzzle Jack’s Mistake. Đây là chương trình do Nokia và Microsoft hợp tác tổ chức, nhằm tìm kiếm những ứng dụng/đội ngũ phát triển tiềm năng của nền tảng Window Phone.
[mecloud]qm0SWAPw9a[/mecloud]
VietGameDev trong những ngày tham gia Lumia AppCampus Challenge 2013
Cú hích này đưa tên tuổi VietGameDev bùng nổ, tiếp thêm hy vọng cho những đội ngũ phát triển game Việt có cùng khởi điểm. Cũng theo như anh Vinh chia sẻ, giải thưởng không chỉ mang lại kinh nghiệm, kiến thức (VietGameDev được tài trợ chuyến đi Phần Lan để tìm hiểu về ngành phát triển game), mà còn mang lại những giải thưởng tài chính lớn, trở thành “bệ phóng” cho các dự án trong tương lai của nhóm.
Trở về sau cuộc thi, VietGameDev giành toàn bộ tài lực và nhân lực để hoàn thiện Jack’s Mistake để “đua” kịp tiến độ. Trò chơi chính thức ra mắt vào tháng 7.2013, đạt 20.000 lượt tải trên Window Phone. Những thành công bước đầu này tạo động lực chính để VietGameDev dồn hết “công lực” vào mảng Window Phone, tạm bỏ trống hai chiến trường iOS và Android.
Chia sẻ về quyết định này, anh Nguyễn Quang Vinh cho biết Window Phone tựa như miếng bánh nhỏ của các studio lớn, nhưng lại là mảnh đất màu mỡ của những tập thể có quy mô như VietGameDev. “Mình luôn biết mình đang ở đâu, và vừa sức với những dự án nào” – anh Vinh chia sẻ về phương hướng hoạt động vào thời điểm đó.
Sự ra đời của VMOGA và những đợt “sóng ngầm”
Giai đoạn cuối 2013 đầu 2014, anh Vinh và những người cộng sự của mình dần chuyển hướng hoàn toàn sang công việc phát triển game di động. Tập thể VietGameDev được đổi tên thành VMOGA, để lại nhiều dấu ấn trên nền tảng Window Phone. Cho đến thời điểm hiện tại, các trò chơi của nhóm vẫn đang phổ biến rộng rãi trên các hệ sinh thái thuộc Microsoft.
Thế rồi, quả bom mang tên Flappy Bird bùng nổ, thay đổi hoàn toàn cộng đồng phát triển game Việt.
Trong một thời gian ngắn, các studio game Việt mọc lên như nấm sau mưa, cơn sốt khởi nghiệp lan rộng trong cộng đồng phát triển game. Từ những tổ chức quy mô có sự hậu thuẫn mạnh mẽ, cho đến những đơn vị và cá nhân nhỏ lẻ… đều xắn tay áo và bước vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm “Flappy Bird đệ nhị”. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, thị trường game Việt cho đến thời điểm hiện tại chưa tạo ra được một sản phẩm mang hiệu ứng ngang tầm Flappy Bird, ngay cả đối với chính bản thân cha đẻ Nguyễn Hà Đông.
Đất chật người đông, cơ hội cũng vơi dần, VMOGA chật vật tìm chỗ đứng giữa “cơn bão”. Theo như chia sẻ của anh Vinh, đây là thời điểm mà studio gặp phải rất nhiều nhiều khó khăn. Thậm chí cả nhóm đã từng đứng trước những quyết định như nhận các gói đầu tư từ các nhà phát hành lớn, hoặc chạy theo mô hình game “mì ăn liền” (sao chép các game nổi tiếng, với thời gian hoàn thành tính bằng tuần) để giải quyết vấn đề tài chính.
Nhưng cuối cùng, VMOGA vẫn “chọn cách đi chậm mà chắc, từng bước lướt qua được giai đoạn khó khăn”. Và quan trọng hơn hết, vẫn giữ được sự độc lập, sáng tạo và toàn quyền đối với các sản phẩm của studio.
Mặt trận Android, iOS và câu chuyện “clone game”
Thích nghi với thời cuộc, VMOGA lấn sân sang mặt trận iOS và Android một cách nghiêm túc, sau thời gian dài gắn bó với Window Phone. “Đến lúc này, VMOGA lại nhận thêm một khó khăn nữa, đó là sự thiếu hụt kinh nghiệm đối với nền tảng mới” – anh Vinh nhớ lại.
Dù vậy, nhóm vẫn “chiến đấu” hết mình với những dự án mới, mà tiêu biểu nhất trong số này là Hoa Quả Nổi Giận được phát hành vào tháng 9.2014. Sản phẩm cán mốc 800.000 lượt tải trên Android, cho đến nay vẫn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng game thủ.
Hoa Quả Nổi Giận là một thành công của VMOGA
[mecloud]rFW7wTa4WE[/mecloud]
Trích đoạn gameplay Hoa Quả Nổi Giận
“Trò chơi lấy cảm hứng lớn từ Plant vs Zombies, mình thẳng thắn thừa nhận điều này. Do đó, ai nói Hoa Quả Nổi Giận là game clone, mình cũng sẵn sàng chấp nhận. Nhưng có một thực tế rằng, sản phẩm này có sự đầu tư lớn, lâu dài và được chăm chút bởi tâm huyết của đội ngữ VMOGA” – Anh Nguyễn Quang Vinh chia sẻ. Trên thực tế, đây là xuất phát điểm của khá nhiều studio Việt, nhưng không nhiều người có cái nhìn thực tế như vậy đối với sản phẩm.
Những chỉ số khả quan của Hoa Quả Nổi Giận
Không lâu sau những thành công bước đầu của Hoa Quả Nổi Giận, VMOGA bước vào trận đánh lớn. Lần đầu tiên trong quá trình phát triển và vận hành, anh Vinh và cộng sự bắt tay thực hiện dự án game online mobile (gMO) đầu tiên: Gun Gun Online. Trò chơi được đặt viên gạch đầu tiên vào tháng 3.2015.
Được thiết kế dựa trên cảm hứng chính đến từ trò chơi huyền thoại Gunbound, Gun Gun Online mang những màn chơi vui nhộn, thân thiện và tạo được sự hấp dẫn lớn cho game thủ. Đáng chú ý, vào tháng 8.2015 Gun Gun Online lọt vào top 50 của cuộc thi Blue Bird – show truyền hình do VTV thực hiện, nhằm quảng bá, khuyến khích các đơn vị phát triển game Việt.
Sau chuyến du hành thú vị, Gun Gun Online tiếp tục được phát triển, hoàn thiện. “Với khát khao muốn sản phẩm trở nên hoàn thiện, hấp dẫn, Gun Gun Online mất thêm tới 6 tháng nữa mới có thể hoàn chỉnh. Đầu năm 2016, trò chơi chính thức bước vào giai đoạn Closed Beta”. Đến thời điểm hiện tại, Gun Gun Online sắp được chuyển giao cho một nhà phát hành chuyên nghiệp, bản update lớn của trò chơi đang được VMOGA chăm chút toàn lực để sẵn sằng cho ngày “khai hỏa”.
Bài học khởi nghiệp của kẻ nhỏ bé ngoan cường
Kể lại câu chuyện về hành trình lập nghiệp, anh Vinh tự nhận thấy quãng thời gian theo đuổi đam mê phát triển game của VMOGA và nhiều studio nhỏ khác hệt như tấm biểu đồ hình Sin. Sự thay đổi liên tục, tiến hóa không ngừng của thị trường game Việt và thị hiếu người dùng… mang lại nhiều cơ hội cho các studio nhỏ lẻ, nhưng kèm theo đó là hàng loạt “thuốc thử” không hề ngọt ngào.
Rất nhiều người trong số đó đã gục ngã, không thể “trụ” nổi trước sóng gió và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường mobile. Với trường hợp của VMOGA, đây không phải là thương hiệu đạt được thành công nhanh chóng, nhưng chứng tỏ được nghị lực phi thường khi tìm được cách song hành cùng ngành game mobile Việt, và quan trọng nhất là luôn giữ vững đam mê, nhiệt huyết hệt như những ngày đầu tiên.
Ở thời điểm bài viết này được đăng tải, trò chơi mới nhất của VMOGA là Gun Gun Online đang trải qua những công đoạn hoàn thiện bản cập nhật mới nhất, sắp sửa trình làng game thủ Việt với diện mạo hoàn toàn mới.
Sau cú hích Flappy Bird, hàng trăm đơn vị làm game Việt với quy mô lớn, nhỏ khác nhau mọc lên như nấm sau mưa, biến ngành nghề này trở thành đề tài “hot” của giới công nghệ trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, rất nhiều trong số này "chết yểu" ngay trước khi kịp tung ra sản phẩm đầu tiên. Ở thời điểm hiện tại, hành trình chinh phục chính thị trường “sân nhà” của các studio game Việt vẫn được nhận định là rất gian nan, đầy khó khăn, thử thách - mà đối tượng cạnh tranh trực tiếp chính là các sản phẩm game mobile du nhập từ ngoại quốc. |
Bình luận (0)