TNO

Su-33 Nga rơi xuống biển: Tàu thì cũ, dây cáp kém chất lượng

06/12/2016 08:43 GMT+7

(Tin Nóng) Tàu sân bay Kuznetsov quá cũ kỹ, phải hoạt động lâu ở môi trường Bắc Cực khắc nghiệt, dây cáp hãm đà mới thay lại bị đứt… Đó là những nguyên nhân lý giải vì sao chiếc Su-33 của Nga rơi xuống biển ngày 3.12 khi hạ cánh xuống tàu sân bay ngoài khơi Syria.

(Tin Nóng) Tàu sân bay Kuznetsov quá cũ kỹ, phải hoạt động lâu ở môi trường Bắc Cực khắc nghiệt, dây cáp hãm đà mới thay lại bị đứt… Đó là những nguyên nhân lý giải vì sao chiếc Su-33 của Nga rơi xuống biển ngày 3.12 khi hạ cánh xuống tàu sân bay ngoài khơi Syria.

Cổng thông tin Hải quân Nga ngày 5.12 đăng tải các ý kiến của các chuyên gia bình luận về vụ tiêm kích Su-33 bị rơi xuống biển khi hạ cánh xuống tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ở trên Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Syria.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 5.12 nêu nguyên nhân là dây cáp hãm đà máy bay bị đứt khi chiếc Su-33 hạ cánh làm nó mất lực cất cánh và rơi xuống biển, phi công nhảy dù và được cứu sống. Phía Nga không cho biết thời gian xảy ra vụ việc.

Việc Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo chỉ diễn ra sau khi truyền thông Nga đưa lại tin của The Aviationist cùng ngày cho hay Su-33 của Nga rơi xuống biển khi cố đáp xuống tàu sân bay Kuznetsov lần thứ hai sau lần đầu không thành công, và vụ việc xảy ra ngày 3.12. The Aviationist dẫn nguồn tin quân sự cho hay thời tiết khi Su-33 hạ cánh không thể nào tốt hơn: tầm nhìn xa trên 10 km, tốc độ gió khoảng 12 knot (22 km/giờ), sóng êm…

Như vậy chỉ trong vòng 3 tuần, có đến 2 máy bay của tàu sân bay Nga bị rơi xuống biển. Vụ đầu tiên là 1 chiếc MiG-29KR rơi chiều 13.11. Khi đó một tốp 3 chiếc MiG-29K lần lượt đáp xuống tàu, chiếc thứ hai làm đứt sợi cáp thứ 2 và may mắn là càng móc cáp của máy bay bắt được sợi cáp thứ 4 nên dừng lại được. Chiếc thứ ba phải bay vòng vòng chờ trên tàu thay sợi cáp bị đứt, và do chờ lâu quá nên máy bay… hết xăng và rơi xuống biển. Phi công kịp nhảy dù và được cứu.

Gazeta cho biết trên tàu Kuznetsov có 4 sợi cáp Svetlana-2 dùng hãm đà khi máy bay hạ cánh. Khi có máy bay hạ cánh, các sợi cáp này được nâng lên cao 12 cm so với mặt đường băng, sợi đầu tiên cách phần đuôi tàu khoảng 46 m, các sợi kế tiếp cách nhau 12 m.

Khi phi công hạ cánh, phải cố gắng cho càng móc cáp phía sau máy bay bắt được sợi cáp thứ 2 hoặc thứ 3 (sợi thứ 4 là dự phòng). Như vậy chiều dài của khu vực bố trí 4 sợi cáp chỉ có 36 m, và khu vực hạ cánh này chỉ dài 90 m. Phi công luôn để động cơ hoạt động với công suất lớn phòng trường hợp không bắt được cáp thì cho máy bay cất cánh và quay lại hạ cánh tiếp tục.

Đáng nói là với vụ Su-33 bị rơi, càng móc cáp của máy bay đã bắt được sợi dây cáp nhưng dây bất ngờ bị đứt, mà sợi cáp này vừa mới được thay và chỉ kịp phục vụ chiếc Su-33 có lần này, theo nguồn tin không nêu tên kể với báo Gazeta (Nga) ngày 5.12. Nguồn tin cũng khẳng định phi công và máy bay không có lỗi, mà lỗi ở chất lượng của sợi cáp này quá kém. Nguồn tin này cho hay cần phải kiểm tra xem sợi cáp này sản xuất hồi năm nào, và đội ngũ kỹ thuật thay thế sợi cáp làm việc ra sao.

Su-33 được cho là quá nặng nề với tàu sân bay Nga

Cổng thông tin Hải quân Nga cũng đăng ý kiến các chuyên gia thử nêu các lý do khác khiến chiếc Su-33 bị rơi.

Chuyên gia quân sự Viktor Litovkin nói ông không ngạc nhiên về tai nạn, vì theo ông tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hoạt động ở khu vực Địa Trung Hải tổng cộng có vài tháng, trong khi 26 năm nay tàu phải ở vùng Bắc Cực (thuộc Hạm đội Phương Bắc) trong điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt. Và với điều kiện như thế, các máy móc thiết bị của tàu chắc chắn xuống cấp nhiều trong 1/4 thế kỷ qua.

Hơn nữa, đường hạ cánh trên tàu là quá ngắn so với loại máy bay nặng nề như chiếc Su-33.

Ông Victor Murakhovski, tổng biên tập tạp chí Vũ khí của tổ quốc cũng đưa ra nguyên nhân như của ông Litovkin về điều kiện khí hậu Bắc Cực đã làm ảnh hưởng chất lượng tàu sân bay.

Tàu sân bay duy nhất của Nga đã quá cũ kỹ, thường hay bị trục trặc máy móc, lại phải hoạt động ở Bắc Cực 26 năm qua (mùa đông hầu như không sử dụng được)

Một chuyên gia không nêu tên nói với Cổng thông tin hải quân Nga rằng một khi máy bay kéo đứt dây cáp hãm đà trên tàu sân bay khì khó mà cất cánh bay lên được, chỉ có nước rơi xuống biển. Hồi năm 2005 đã xảy ra vụ 1 chiếc Su-33 khi hạ cánh trên tàu Kuznetsov đang ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương đã làm đứt sợi cáp hãm đà, máy bay mất lực cất cánh và lao thẳng xuống biển, phi công kịp nhảy dù.

Theo chuyên gia này, máy bay khi hạ cánh xuống tàu sân bay có tốc độ 200 km/giờ, lúc bắt được sợi cáp hãm đà thì vận tốc của máy bay giảm còn 160 km/giờ hoặc thấp hơn. Với tốc độ này máy bay không có khả năng cất cánh.

Tuy vậy vào ngày 18.3.2016, một máy bay trinh sát E-2C Hawkeye của Mỹ khi đáp xuống tàu sân bay USS Eisenhower ngoài khơi bờ biển bang Virginia thì bị đứt dây cáp hãm đà, nhưng máy bay vẫn cất cánh bay lên được và vào thẳng căn cứ trong đất liền.

Cũng có người lên dây cót tinh thần về vụ việc khi cho đó là "sự cố nhỏ" (?), như trường hợp Anh hùng Liên bang Nga, ông Magomed Tolboev. Phát biểu với hãng tin Interfax ngày 5.12, ông Tolboev nói rằng mọi người đừng có lo lắng, cả hai tai nạn của tàu sân bay Kuznetsov chỉ là thiệt hại nhỏ so với cái nhìn toàn cục của chiến dịch quân sự Nga tiến hành chống khủng bố ở Syria. "Thiệt hại nhỏ này xảy ra trong một chiến dịch quan trọng vì chúng ta chỉ mới bắt đầu… Đây là kinh nghiệm chiến đấu thực sự đầu tiên của không quân hải quân", ông Tolboev phát biểu.

Phát ngôn viên của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 5.12 cũng khen rằng vụ việc xảy ra "rất mãnh liệt, phức tạp và anh hùng, và điều quan trọng nhất là phi công vẫn còn sống"!

MiG-29K (màu nâu) và Su-33 (xanh) trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ở Địa Trung Hải

Còn Cổng thông tin Hải quân Nga thì tỉ mẩn tính toán rằng 1 chiếc MiG-29K có giá khoảng 42 triệu USD, 1 chiếc Su-33 là 55 triệu USD. Như vậy việc 2 chiếc máy bay này rơi xuống biển khiến Nga mất 97 triệu USD (6,2 tỉ ruble) chỉ trong 3 tuần. Số tiền này tương đương với 15 quả tên lửa hành trình tầm xa Kalibr mà hải quân Nga từng bắn vào quân khủng bố ở Syria (giá khoảng 6,5 triệu USD/quả). Chưa kể việc đào tạo 1 phi công hải quân lành nghề mất 10- 12 năm và tốn khoảng 8 triệu USD.

Xem clip tư liệu máy bay Su-33 bị rơi khi hạ cánh làm đứt cáp trên tàu sân bay Kuznetsov năm 2005:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.