Hiện có 4 chiếc Su-35S đang tham gia chương trình thử nghiệm có trang bị vũ khí và khi kết thúc chúng sẽ được biên chế vào không lực Nga.
Từ trung tuần tháng 3.2012, có thông tin là không lực Nga đến cuối năm sẽ tiếp nhận 6 chiếc Su-35S. Còn theo thỏa thuận ký từ năm 2009, đến năm 2015, sẽ có 48 chiếc tiêm kích loại này được trang bị cho quân đội Nga. Đại tá không quân Nga - Vladimir Drik, cho biết: “Su-35 là sự cải tiến toàn diện của chiếc Su-27SM3”.
|
Trong quá trình thử nghiệm, hãng Sukhoi đã kiểm tra các tính năng của Su-35S, kể cả tính cơ động, sự ổn định, hệ thống định vị, hệ thống điều khiển, hệ thống điện tử và động cơ. Tốc độ cao nhất của Su-35 ở tầm thấp là 1,4 nghìn km/giờ, còn ở trên cao là 2,4 nghìn km/giờ, trần bay là 18 nghìn mét. Radar của Su-35S ở chế độ “không đối không” có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 400 km.
“Các tính năng kỹ thuật của Su-35S cho phép nó vượt trội so với các loại tiêm kích thế hệ 4 và 4+ kiểu như Rafale và EF 2000 do Eurofighter Typhoon sản xuất, hay các loại F-15, F-16, F-18,
F-35 cải tiến và kể cả chiếc F-22A hiện đại nhất”, theo thông cáo báo chí của Sukhoi. Đương nhiên, Su-35S “qua mặt” nhiều loại máy bay chiến đấu khác mà hiện không lực Nga đang sở hữu.
Nội dung thông cáo báo chí nêu trên là điểm cộng cho ngành công nghiệp hàng không Nga, nhưng không hiểu sao Sukhoi lại liệt chiếc F-35 Lightning II của Mỹ vào loại cải tiến. Bởi chiếc tiêm kích đa năng này sẽ hoàn tất thiết kế vào năm 2016-2018 và hoàn toàn không dựa vào mô hình loại máy bay có sẵn nào khi thiết kế.
Bên cạnh đó, hãng Sukhoi không đưa ra các số liệu về tính năng kỹ thuật của các máy bay nước ngoài khi so sánh. Nếu như tính năng kỹ thuật của F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, F/A-18 Hornet và Super Hornet được biết đến từ lâu, thì F-35 và F-22 vẫn còn là ẩn số. Nhiều tính năng của 2 chiếc tiêm kích thuộc thế hệ thứ năm này của Mỹ vẫn được giữ kín. Đặc biệt là với F-22 khi nó không được xuất khẩu nhằm bảo vệ các bí mật công nghệ.
Hơn thế, so sánh luôn có sự khập khiễng. Trong trường hợp cụ thể này các tiêm kích hạng nhẹ là F-15, F-16 và F/A-18, hoàn toàn khác so với chiếc hạng nặng Su-35S. Bởi, theo tiêu chuẩn của ngành hàng không, loại tiêm kích hạng nhẹ có trọng lượng từ 10 đến 17 tấn, hạng trung từ 17 đến 25 tấn, còn loại hạng nặng là trên 25 tấn. Tuy thế, trong thời gian gần đây, các chuyên gia quân sự gộp loại tiêm kích hạng trung và hạng nặng làm một, bởi chúng không có mấy khác biệt về kiểu loại, tính năng kỹ thuật cũng như mục đích tác chiến.
|
Mặc dù vậy, tiềm năng của Su-35S được nước ngoài đánh giá cao. Chẳng hạn, vào đầu tháng 2.2012, tại Úc đã có cuộc họp của Ủy ban Các vấn đề nước ngoài về vũ khí và thương mại (JSCFADT) nhằm đánh giá việc không lực Úc có cần thiết phải mua chiếc tiêm kích F-35 của Mỹ hay không. Tại cuộc họp, đại diện của hãng phân tích Air Power Australia và hãng RepSim chuyên về mô phỏng đều cho rằng, F-35 là loại tiêm kích không nên mua. Đại diện RepSim khi đó đưa ra một kịch bản mô phỏng: “Có trận không chiến tại bờ biển của Đài Loan, Trung Quốc vào năm 2018”. Tham dự có 240 chiếc F-35 và 240 chiếc Su-35S.
Theo số liệu tính toán của RepSim, trong trận không chiến này 240 chiếc Su-35S bị tiêu diệt hoàn toàn, 240 chiếc F-35 còn lại 30 chiếc. Một kịch bản mô phỏng khác giữa 240 chiếc F-22 và từng ấy chiếc Su-35S thì có 139 chiếc F-22 bị tiêu diệt, trong khi chỉ có 33 chiếc Su-35S bị hạ gục.
Trước đó vào năm 2009, Air Power Australia công bố bảng đánh giá các máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm. Theo bảng này, chiếc T-50 (FAK FA) của Nga nhận điểm 5+ (điểm cao nhất), chiếc F-22 và Su-35S cùng nhận điểm 2+, trong khi đó chiếc F-35 nhận điểm thấp nhất (-8).
Vào năm 2010, hãng Eurofighter của Liên minh châu u muốn chứng minh chiếc Typhoon ưu việt hơn chiếc F-35 khi lấy các tiêu chí chuẩn (từ năm 2000) về máy bay thế hệ thứ năm của hãng Lockheed Martin - nhà sản xuất F-22 và thiết kế chiếc F-35. Đó là tính tàng hình, tốc độ siêu thanh, tính cơ động, hệ thống định vị, động cơ... Trong khi Typhoon đáp ứng 8/9 tiêu chí thì F-35 chỉ đạt 3/9 tiêu chí. Điều này nếu nói theo ngôn ngữ của hãng Sukhoi thì Typhoon vượt trội so với các loại máy bay cùng loại của nước ngoài.
Trước đó hãng Dassault của Pháp và Boeing của Mỹ cũng có các báo cáo tương tự, trong đó khẳng định sản phẩm của mình là chiếc Rafale và F/A-18 hơn hẳn so với các loại tiêm kích cùng loại khác của nước ngoài.
Có thể thấy thông báo của Sukhoi, Eurofighter hay Dassault, Boeing khá “ranh mãnh” và mang tính quảng bá nhằm bán được hàng trong tương lai. Vào ngày 28.3, ông Aleksandr Fomin, Phó giám đốc cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga cho biết:
Su-35S có thể sẽ quay lại tham gia cuộc đấu thầu FX-2 của Brazil (nhắm bán cho Brazil 36 chiếc tiêm kích và nhượng quyền lắp ráp thêm 84 chiếc khác). FX-2 khởi động từ năm 2008. Ngay giai đoạn đầu chiếc F-35 đã bị đánh bại. Hiện còn chiếc F/A-18 của Mỹ, Saab Gripen NG của Thụy Điển và Rafale của Pháp đang ganh đua với nhau.
Ngoài Brazin, còn có Libya và Venezuela cũng quan tâm đến chiếc Su-35S. Nga đang đàm phán để bán cho Trung Quốc 48 chiếc tiêm kích này. Họ hy vọng sẽ bán được nhiều Su-35S cho các nước đang sở hữu loại Su-27, bởi Su-35S chính là loại mà Nga sản xuất nhằm thay thế cho chiếc Su-27 được cho là già cỗi và lạc hậu.
Cũng cần nhắc lại rằng, dù có quảng bá thế nào, thì điều quan trọng nhất là mỗi một loại máy bay chiến đấu phải đáp ứng các tiêu chí mà khách hàng - quân đội - đặt ra. Nhìn nhận theo quan điểm quân sự hiện đại,
Su-35S là một trong những loại tiêm kích tốt nhất của không lực Nga. Ngoài Su-35S, Nga còn có Su-27 đã được nâng cấp, loại Su-30 mới và chiếc tiêm kích thế hệ thứ năm T-50. Trong tương lai gần, Su-35S sẽ phối hợp cùng các loại máy bay chiến đấu khác để hoàn thành nhiệm vụ tác chiến của mình.
Ông Vương Hoàng
Bình luận (0)