Chiều 20.9, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 (chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2) cho biết vừa “treo thưởng” 20 triệu đồng cho bất kỳ ai tìm thấy thi thể của anh Nguyễn Minh Luân (quê tỉnh Hải Phòng), công nhân thứ 2 bị nạn trong vụ vỡ van số 2 hầm dẫn dòng thủy điện vào chiều 13.9.
Nơi tìm thấy thi thể của công nhân Đặng Văn Tuyền (quê tỉnh Hải Dương) trước đó hiện đang bị “bịt kín” bởi lượng củi, gỗ và rác khổng lồ. Nhiều người đang đặt nghi vấn thi thể của công nhân Nguyễn Minh Luân cũng đang bị lấp bên dưới, nên tập trung phương tiện cơ giới kết hợp thủ công để vớt gỗ, củi…
“Chúng tôi đang thuê lực lượng chuyên nghiệp trục vớt toàn bộ số gỗ, củi này. Hy vọng sẽ tìm thấy xác anh Luân ở bên dưới”, ông Ngô Việt Hải nói với PV Thanh Niên.
Đáng chú ý, ngoài việc “treo thưởng” 20 triệu đồng, ông Hải tiết lộ mỗi ngày chủ đầu tư thủy điện Sông Bung 2 cũng lo khoản kinh phí “gọi là động viên” cho những người tham gia tìm kiếm nạn nhân vụ vỡ van số 2, với mức 500.000 đồng/người/ngày; chưa kể các khoản cơm nước, xăng dầu…
Tại hiện trường, mỗi ngày có khoảng 60-70 người tham gia tìm kiếm, cao điểm lên đến 100 người.
Theo đại diện chủ đầu tư, hiện Tổng công ty Phát điện 2 đang huy động tất cả những gì có thể, chia nhiều mũi tìm kiếm để sớm tìm ra thi thể công nhân thứ 2 bị nạn. Nhiều người dân chài địa phương cũng vào cuộc tìm kiếm dọc bờ ở vùng hạ lưu.
Tối qua 19.9, ông Ngô Việt Hải cũng đã khẳng định với PV Thanh Niên rằng chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2 đã làm “đúng quy trình” khi được phép tích nước, đồng thời thực hiện đúng các quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Trước những luồng dư luận cho rằng thủy điện Sông Bung 2 tích nước “sai quy trình”, chiều nay ông Hải một lần nữa quả quyết: “Tôi khẳng định việc tích nước của Sông Bung 2 là hợp pháp, có đẩy đủ hồ sơ thủ tục”.
Ông Hải cũng cho biết đã nhận được đầy đủ văn bản từ phía các sở, ngành của tỉnh Quảng Nam.
Mấu chốt của vấn đề thủy điện Sông Bung 2 tích nước đúng hay sai quy trình nằm ở chỗ: tỉnh Quảng Nam chưa nhận được phản hồi về giấy chứng nhận an toàn hồ đập.
Tuy nhiên, ông Ngô Việt Hải lên tiếng phản bác: “Tất cả đều có văn bản của Sở TN-MT, Sở Công thương và UBND tỉnh Quảng Nam. Đã có văn bản, nhưng giờ người ta nói ngược thì kệ người ta. Những người đã ký văn bản giờ lại nói “không biết”, rất vô lý!”.
Ông Hải còn cho rằng nhiều sở ngành của tỉnh Quảng Nam “không chịu cập nhật thông tin” khi viện dẫn các nghị định liên quan đến chứng nhận an toàn đập.
“Nghị định 209 ra đời năm 2004 người ta có yêu cầu giấy chứng nhận chịu áp lực của các công trình, nhưng đến năm 2013 thì Nghị định 215 đã thay thế Nghị định 209, nói chính xác là Nghị định 209 đã thôi hiệu. Trong Nghị định 15, người ta đã bỏ phần chứng nhận ấy, vì trên thực tế rất khó khả thi, khó thực hiện”, ông Hải giải thích.
Ông Hải cũng khẳng định Hội động nghiệm thu đã nghiệm thu tất cả các đập tràn, đập dâng…, đã đủ điều kiện tích nước.
Trước đó, tối 19.9, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương khẳng định Sở Công thương, Sở TN-MT chưa nhận được văn bản phản hồi từ phía Ban quản lý thủy điện Sông Bung 2 về giấy chứng nhận an toàn đập.
Trước đó, ngày 23.8, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản thống nhất chủ trương cho tích nước từ nhưng phải đảm bảo một số điều kiện về an toàn hồ đập, xử lý bom mìn, bồi thường hỗ trợ, thiết kế thu dọn lòng hồ, hồ sơ khai thác mặt nước, tận thu khoáng sản, lập phương án phòng chống lụt bão...
|
Bình luận (0)