Sự cố vỡ đập ở Lào: Những chuyến bay thắp hy vọng

28/07/2018 10:51 GMT+7

“Đưa được người bị nạn về vùng an toàn, bay càng nhiều chuyến, số lượng người được cứu hộ càng tăng, với tôi đó là niềm vui lớn của đời binh nghiệp”.

Đã 5 ngày trôi qua kể từ ngày đập Xe Pian – Xe Namnoy gặp sự cố, suốt ngày trên bầu trời, chiếc máy bay trực thăng Mi-17 của lực lượng Không quân Lào vẫn liên tục quần đảo kiếm tìm người gặp nạn. Điều khiển chiếc máy bay ấy là hai phi công lão luyện Khamvath và Lomthavyxay.
[VIDEO] Việt kiều ở Lào "chỉ còn quần đùi" sau thảm họa vỡ đập
Ở ngày thứ 5, sau những chuyến bay khảo sát buổi sớm, phi công Khamvath cho biết tình hình ngập chung của 6 bản làng hiện đã cải thiện đáng kể, chỉ còn 2 bản bị nước cô lập, hiện còn ngập sâu, 4 bản còn lại người dân đã bắt đầu trở về nhà để dọn dẹp bùn đất, chôn lấp xác gia súc, gia cầm bị chết trong lũ.
Trực thăng cứu hộ đang vận chuyển một trẻ sơ sinh từ vùng lũ đến bệnh viện tỉnh Attapeu
[VIDEO] Vỡ đập nước ở Lào: Xúc động giải cứu em bé khỏi cơn lũ
Đưa được người bị nạn về vùng an toàn, bay càng nhiều chuyến, số lượng người được cứu hộ càng tăng, với tôi đó là niềm vui lớn của đời binh nghiệp
Phi công Khamvath
Trong buổi chiều hạ cánh xuống bản Thinla đưa các cụ già cần được hỗ trợ sức khoẻ ra bệnh viện tỉnh, phi công Lomthavyxay kể: “Từ sáng đến giờ mới bay được 5 chuyến, thời tiết hôm nay có mưa dông, không thuận lợi tiếp cận các khu vực bị chia cắt. Mấy ngày qua chúng tôi cố gắng hết sức, hễ thời tiết cho phép là bay ngay, khi thì cứu hộ, lúc đưa đoàn công tác, lúc đi khảo sát, tìm kiếm trên các vùng ngập nước xem còn nạn nhân để đưa họ ra ngoài”.
Với vốn tiếng Việt rành rọt nhờ khoảng thời gian dài được đào tạo không quân tại Việt Nam, phi công Khamvath chia sẻ thêm: “Hơn 30 năm công tác trong ngành, tôi chưa bao giờ chứng kiến một thảm hoạ lớn đến vậy. Mấy ngày qua tôi cho trực thăng này hoạt động hết công suất mỗi ngày, nhiều nhất được hơn 10 lượt cất và hạ cánh, chuyến cứu trợ nhiều nhất được 41 người, mỗi lần như thế trong thâm tâm tôi vui lắm. Hai đối tượng ưu tiên mà chúng tôi tập trung cứu hộ là người già và các trẻ nhỏ. Có những trường hợp rất thương, khi chúng tôi hạ cánh, trên người họ chỉ còn mỗi chiếc quần đùi, thân thể ướt nhem”.
Phi công Khamvath chia sẻ về công tác cứu hộ cứu nạn
Cuốn sổ nhật trình ghi dày đặc các chi tiết số lần cất cánh và người được cứu hộ của phi công Khamvath
Giở cuốn sổ nhật trình do phi công Khamvath tự tay ghi chép số lần cất cánh, số nạn nhân được cứu hộ, anh bảo: “Sau 5 ngày, lũ rút, việc cứu hộ người giảm dần, nhưng những người đang ở lại các bản rất cần lương thực, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục bay để chuyển đồ cứu trợ đến cho họ vì đường vào còn khó khăn do bùn lầy nên phương tiện phổ thông chưa thể tiếp cận được”.
Những nạn nhân đang chờ đợi máy bay đưa ra vùng an toàn
Chuyển giao đồ tiếp tế đến vùng tạm cư dưới chân núi Phou Luang
Trên bầu trời, chiếc Mi-17 tất bật di chuyển, dưới mặt đất từng đoàn xe nối đuôi nhau kéo vào rốn lũ với những chuyến hàng cứu trợ ngày càng nhiều. Biết rằng khó khăn, gian khổ vẫn ngập đầy phía trước, nhưng mọi người dồn về chân đập Xe Pian-Xe Namnoy với cùng một tinh thần, một tấm lòng, dùng hết khả năng và nguồn lực giúp cư dân từng bước khắc phục hậu quả vụ vỡ đập, sớm ổn định cuộc sống.
[VIDEO] Vỡ đập thủy điện ở Lào: Lũ rút, người dân bắt đầu về nhà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.