Sự dịch chuyển của viễn thông VN - Kỳ 3: Khai mở tiềm năng

04/12/2013 00:27 GMT+7

Không chỉ các dịch vụ thoại, tin nhắn hay internet di động... mà viễn thông VN còn có thể khai thác nhiều tiềm năng mới về công nghệ, thậm chí là phát triển thành phố thông minh.


Thị trường viễn thông VN còn nhiều tiềm năng để khai mở - Ảnh: Diệp Đức Minh 

Tại hội thảo ở sự kiện Vietnam Telecomp 2013, PGS-TS Trần Minh Tuấn, Viện Chiến lược thông tin và truyền thông - Bộ Thông tin - Truyền thông, dẫn nguồn Sách trắng CNTT&TT VN cho biết hiện trạng thị trường viễn thông VN như sau:

Thị phần điện thoại cố định: Viettel (22,96%), VNPT (75,54%), FPT Telecom (0,23%), SPT (1,21%), VTC (0,06%).

Thị phần 2G và 3G: Viettel (44,05%), MobiFone (21,4%), Vinaphone (19,88%), Vietnamobile (10,74%), GMobile (3,93%), Sfone (0,01%).

Thị phần 2G: Viettel (45,31%), MobiFone (19,81%), Vinaphone (18,55%), Vietnamobile (11,87%), GMobile (4,46%), Sfone (0,01%).

Thị phần 3G: Viettel (34,73%), MobiFone (33,19%), Vinaphone (29,71%), Vietnamobile (2,36%).

Thị phần internet băng thông rộng (cố định và di động): VNPT (62,82%), Viettel (29,45%), FPT Telecom (6,36%), SCTV (0,51%), CMC (0,46%), SPT (0,25%), khác (0,15%).

Thị phần internet băng thông rộng cố định: VNPT (57,69%), FPT Telecom (26,78%), Viettel (9,8%), SCTV (2,14%), CMC (1,93%), SPT (1,07%), Netnam (0,28%), khác (0,31%).

Thị phần internet băng thông rộng di động: VNPT (64,42%), Viettel (35,57%), khác (0,01%).

Các số liệu trên được thống kê đến ngày 31.12.2012, cho thấy mức độ cạnh tranh quyết liệt của thị trường viễn thông VN với nhiều đơn vị tham gia. Chính vì thế, các doanh nghiệp phải nỗ lực phát triển những dịch vụ mới, theo kịp xu hướng thế giới để đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

Từ điện toán đám mây đến đô thị thông minh

Điện toán đám mây là một trong những dịch vụ được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng - Công ty thông tin di động (MobiFone), dẫn định nghĩa từ Công ty nghiên cứu thị trường Gartner cho biết: “Điện toán đám mây là mô hình máy tính có khả năng cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin trên diện rộng, thông qua môi trường internet đến nhiều khách hàng khác nhau”. Hiểu đơn giản, nếu lâu nay dữ liệu được lưu trữ trên máy tính của người dùng, doanh nghiệp thì nay có thể lưu trữ trực tuyến, được bảo vệ bởi nhiều tầng lớp an ninh và các biện pháp dự phòng. Nhờ đó, người dùng không chỉ có thể truy cập trực tiếp bất cứ nơi nào có internet, mà còn tránh những rủi ro về khả năng đánh mất dữ liệu do các tác động vật lý như ổ cứng bị hỏng. Mặt khác, chi phí sử dụng cũng được giảm đáng kể. Dịch vụ điện toán đám mây được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Hiện nay, các đại gia công nghệ trên thế giới như IBM, Microsoft, Google... đã tham gia cung cấp dịch vụ này ở nhiều hình thức khác nhau.

Ngoài ra, Phó giám đốc Trung tâm giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (Viettel) Hoàng Nghĩa Phú giới thiệu định hướng xây dựng thành phố thông minh (smartcity). Mô hình này dựa trên 4 lớp chính: Hạ tầng kết nối băng thông rộng, Trung tâm dữ liệu thu thập và xử lý thông tin, Lớp dịch vụ nền tảng (Platform) cho bên thứ 3 cung cấp dịch vụ, Lớp các dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông tới người dùng cuối.

Dựa vào 4 lớp trên, thành phố sẽ tích hợp các hoạt động một cách “thông minh” từ hệ thống giao thông, giáo dục trực tuyến và cả các hoạt động hành chính, giao dịch ngân hàng. Nhờ đó, hoạt động của người dân sẽ được tiết giảm chi phí tối đa.  

Ngô Minh Trí

>> Sự dịch chuyển của viễn thông - Kỳ 2: Toàn cảnh OTT
>> Sự dịch chuyển của viễn thông VN
>> Lãnh đạo Cục Viễn thông: Tăng cước 3G là tất yếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.