Sự 'điên loạn' của vàng miếng SJC

08/03/2022 06:55 GMT+7

Chỉ trong một ngày, vàng miếng SJC đã tăng 4 triệu đồng/lượng để chốt ở mức 74 triệu đồng/lượng.

Mức giá này tạo ra nhiều kỷ lục, kỷ lục về bước tăng, kỷ lục về mức giá, kỷ lục về chênh lệch giá mua - giá bán và kỷ lục về sự đắt đỏ so với vàng thế giới.

Tăng gần 5 triệu đồng/lượng/ngày

Một cuộc rượt đuổi mức giá vô tiền khoáng hậu của vàng miếng SJC đã diễn ra trong ngày 7.3 khi cán mức 70 triệu đồng/lượng rồi tiếp tục xác lập 71 triệu đồng, 72 triệu đồng và nhảy vọt lên hơn 73 triệu đồng mỗi lượng cuối phiên hôm qua.

Vàng tăng giá hơn 4 triệu đồng/ lượng trong ngày 7.3

Ngọc Thắng

Các đơn vị kinh doanh vàng điều chỉnh giá với những “bước nhảy” từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng/lần. Nếu cuối giờ sáng, Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng tăng giá bán vàng từ 72,8 triệu đồng/lượng lên 73,3 triệu đồng/lượng thì đến chiều, đơn vị này đã bán ra với giá 73,8 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cũng cộng thêm 500.000 đồng/lượng chỉ trong vòng 30 phút cuối ngày, đưa giá bán lên 73,5 triệu đồng/lượng, còn mua vào 71,7 triệu đồng/lượng. Mức giá vàng miếng SJC cao nhất trong ngày thuộc về Tập đoàn Doji ở 74 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, còn mua vào 71 triệu đồng/lượng…. Eximbank đã có 42 lần thay đổi giá và chốt cuối ngày ở mức 73,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, mua vào 72 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ qua một đêm giá vàng miếng SJC đã tăng 4,2 - 5 triệu đồng/lượng, tương đương 6% và tăng 7,5 triệu đồng/lượng so với đầu tháng 3, tương ứng mức tăng 11%. Tốc độ tăng giá bán vàng miếng SJC nhanh hơn mua dẫn đến chênh lệch từ 1,8 lên đến 3 triệu đồng mỗi lượng, mức kỷ lục từ trước tới nay.

Giải thích cho sự biến động bất thường của giá vàng trong nước, một số đơn vị kinh doanh vàng cho hay lực mua vàng trên thị trường từ người dân xuất hiện rải rác trong ngày. Mỗi người mua 5 - 10 lượng khiến giá bị đẩy lên cao. Với 74 triệu đồng/lượng, vàng trong nước đang đắt hơn thế giới 18 triệu đồng/lượng, tương đương hơn 600 USD/ounce, cũng đồng nghĩa là người mua trong nước phải trả giá cao hơn quốc tế hơn 32%. Đáng nói là giá vàng trong nước tăng điên loạn trong khi giá kim loại trên thị trường thế giới ngày 7.3 chỉ tăng 30 USD/ounce (tương đương 840.000 đồng/lượng), lên 2.001 USD/ounce.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, nhận xét giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao nhưng vẫn chỉ quanh 2.000 USD/ounce trong phiên hôm qua. Thế nhưng, thị trường vàng trong nước đã biến động mạnh hơn, giá vàng miếng SJC đã tăng vọt lên hơn 73 triệu đồng/lượng, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Theo quan sát của ông Hải, thị trường đã xuất hiện một số nhà đầu tư lớn mua vàng nhằm “lướt sóng” vì đánh giá kim loại quý sẽ tiếp tục đi lên. Tại nhiều công ty vàng bạc đá quý, số người đi mua nhiều hơn số bán ra. Chính vì vậy, các công ty đã đẩy giá tăng nhanh gấp nhiều lần so với thế giới.

Ai thao túng giá vàng?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, lắc đầu trước cơn điên của giá vàng trong nước, vì “không biết thị trường có bị thao túng giá không mà trong nước cao hơn thế giới lên đến 30% vẫn có lực mua”.

Theo ông Phan Dũng Khánh, từ nhiều năm trở lại đây, người dân không mấy quan tâm đến vàng như trước. Thế nên, lượng vàng trên thị trường dù có giao dịch cũng không thể nào đẩy giá tăng mạnh đến như vậy. “Trong khoảng một tháng trở lại đây, vàng đúng là kênh đầu tư tỏa sáng, mang lại lợi nhuận cho người nắm giữ nó. Nhưng nhà đầu tư hiện cũng có mối quan tâm hơn như chứng khoán, bất động sản nên khả năng tập trung đổ hết vốn vào vàng là khó”, ông Khánh bày tỏ sự khó hiểu.

Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng mức chênh lệch quá lớn giữa VN và thế giới có thể làm ảnh hưởng đến tỷ giá trong nước nhưng không quá lớn. Về lâu dài cơ quan quản lý cũng cần lưu ý để làm sao giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có sự cân bằng, “lưu thông” với nhau. Vì hiện tượng giá vàng chênh lệnh quá lớn như hiện nay dẫn tới nguy cơ đầu cơ và nhập lậu vàng vào trong nước.

Với tốc độ tăng giá của vàng trong nước hiện nay, ông Phan Dũng Khánh cho rằng rất có khả năng vàng sẽ tăng lên 75 triệu đồng hay 80 triệu đồng/lượng nếu giá thế giới tăng thêm vài chục USD/ounce. Tuy nhiên, với mức chênh lệch giá trong nước hiện nay, người dân mua vàng miếng cần thận trọng vì rủi ro là quá lớn. Riêng vàng nhẫn, nữ trang cùng chất lượng 4 số 9 như vàng miếng nhưng giá 55 - 56 triệu đồng/lượng là điều có thể chấp nhận được. Mức giá này bám sát thế giới nên tính hấp dẫn cũng kém hơn vì không tăng quá mạnh. Ông Khánh cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng mức giá 2.500 USD/ounce có thể xảy ra trong năm nay với điều kiện phải có những biến cố lớn đầy bất ngờ.

Giá vàng thế giới có thể chạm lại được mức đỉnh lịch sử vào tháng 8.2020 hay không là rất khó dự báo. Bởi khi đó, biến động tại chính trường Mỹ gây tác động lên giá USD đã đẩy vàng lên mức kỷ lục. Nhưng hiện nay căng thẳng Nga với Ukraine thì sự can thiệp của Mỹ chỉ ở mức gián tiếp. Vì vậy, chỉ trừ khi Mỹ và NATO có những hành động can thiệp trực tiếp nào đó thì kim loại quý mới có thêm động lực để tăng mạnh nữa. Còn giá vàng trong nước lại phụ thuộc vào tâm lý của nhiều nhà đầu tư. Hiện nay hầu như ai đã mua vàng trước đây cũng đều có lời nhưng vẫn muốn tiếp tục găm giữ và thậm chí mua thêm thì các công ty vàng bạc vẫn sẽ còn tăng giá bán lên cao.

Ông Trần Thanh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.