Thế nhưng kênh đầu tư này lại đầy rủi ro cho những người muốn nhảy vào ở thời điểm giá quá cao hiện nay.
Vàng SJC tăng 10% trong 2 tháng
Tháng 10.2021, chị Hạ Anh (ngụ Q.7, TP.HCM) mua 5 lượng vàng miếng SJC với giá 58 triệu đồng/lượng. Tích lũy vàng là thói quen lâu năm của chị khi có dư tiền.
Đến ngày vía Thần tài hồi đầu tháng 2, giá vàng lên 62 - 63 triệu đồng/lượng, thấy đã có lời nên chị Hạ Anh định bán ra nhưng chưa kịp vì giá giảm quá nhanh. Chưa hết nuối tiếc thì từ đó đến nay, giá vàng liên tục lập đỉnh. Khi giá ở mức 65 - 66 triệu đồng/lượng, chị Anh bán vàng chốt lời mỗi lượng 7 triệu đồng, bỏ túi hơn 35 triệu đồng cho 5 lượng. Vui mừng chưa được bao lâu, hôm qua, giá đã vọt lên 66,7 - 67,5 triệu đồng/lượng (giá mua - giá bán), chị Hạ Anh ngậm ngùi tiếc rẻ.
Vàng SJC lập giá kỷ lục vào ngày 4.3 ở 67,7 triệu đồng/lượng |
Ngọc Thắng |
“Nhiều người nói vàng vẫn tăng, nhưng tôi không dám liều mà chuyển qua mua vàng nhẫn 4 số 9 có mức giá thấp hơn, 55 triệu đồng/lượng, một phần tiền mặt còn lại tạm thời gửi tiết kiệm để chờ ngày giá vàng miếng SJC giảm thì mua lại”, chị Hạ Anh nói.
Vàng trong nước tăng giá liên tục với mức tăng mạnh, vượt xa mức tăng của kim loại quý trên thị trường quốc tế. Giá vàng SJC ngày 4.3 tăng lên mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay khi thêm 350.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào lên 66,95 triệu đồng/lượng và bán ra 67,7 triệu đồng/lượng. Hôm qua, các đơn vị kinh doanh vàng chấp nhận mua lại với giá khá cao trên thị trường. So với mức giá đầu năm 2022, giá vàng miếng SJC đã tăng 6 triệu đồng/lượng, tương ứng gần 10%, mức sinh lời này khá tốt so với những kênh đầu tư khác. Trong khi giá vàng thế giới tăng khoảng 100 USD/ounce, tương ứng mức tăng 5,4%, lên 1.930 USD/ounce. Vàng miếng SJC đắt hơn tới 14 triệu đồng/lượng, một kỷ lục không ai tưởng tượng được.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận xét tỷ suất lợi nhuận 10% chỉ sau 2 tháng là cao hơn rất nhiều so với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng và tốt hơn kênh đầu cơ vào bất động sản trong vòng 2 tháng qua. Nhưng nếu so với những người đang đầu tư vào cổ phiếu thì mức lợi nhuận này chưa là gì, bởi nhiều mã cổ phiếu chỉ trong vòng một tuần có thể tăng 10% hoặc cao hơn. Hiện vàng được coi là tài sản đầu cơ vì biến động xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhưng việc phụ thuộc hoàn toàn vào căng thẳng này sẽ khiến cho giá kim loại quý có thể tiếp tục đi lên nhưng cũng có thể lao dốc ngay ngày mai. Chẳng hạn khi có thông tin tích cực về đàm phán của Nga với Ukraine, căng thẳng dịu bớt thì giá vàng cùng giá dầu sẽ hạ nhiệt ngay. Đó là ẩn số lớn nhất mà không ai có thể dự báo chính xác được.
Coi chừng “sập hố”
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Đối tác mới, nhận xét: Hầu hết những người nắm giữ vàng miếng đều lời với mức giá kỷ lục hiện nay. Nếu tính từ năm 2021, có lúc giá vàng miếng SJC ở mức giá 54 triệu đồng/lượng thì đến nay đã tăng lên gần 14 triệu đồng mỗi lượng, tăng gần 26%. Đối với dân buôn vàng thì gần như không lỗ, họ có nguyên tắc là khi bán 1 lượng thì ngay lập tức mua lại 1 lượng, do đó giá vàng tăng lên kỷ lục thì tài sản vàng quy đổi của họ cũng gia tăng lên theo. Thủ thuật giá vàng tăng cao, người vay vàng bán ra, chờ giá xuống mua lại trả nợ hiện nay không còn xuất hiện trên thị trường. Bài học tiệm vàng Tuấn Tài vỡ nợ cách đây chục năm khiến không ai dám dùng chiến thuật này để kiếm lời. Những cá nhân có vay mượn lẫn nhau mà dùng vàng làm vật cho vay thì với mức tăng giá 10% trong 2 tháng qua sẽ chịu nhiều áp lực khi phải bỏ ra số tiền nhiều hơn mới mua lại được lượng vàng tương ứng. Chính vì giá vàng ngày càng tăng, giá trong nước càng “đắt đỏ” so với thế giới càng làm cho tâm lý người giữ vàng chỉ có lời chứ không lỗ dẫn đến không ai bán vàng ở mức giá kỷ lục.
Vàng SJC tăng 60% trong vòng 10 năm
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng VN, nhận xét giá vàng trong nước có tốc độ tăng nhanh hơn thế giới trong vòng 10 năm qua. Kim loại quý tăng khoảng 23% khi lên 1.930 USD/ounce nhưng giá vàng miếng SJC tăng khoảng 60%, lên 67,7 triệu đồng/lượng. Chính vì giá cứ tăng lên một cách không bình thường càng kích thích người dân nắm giữ vàng. Mức tăng giá trong nước không bình thường nên nhà nước cần có động thái để tình trạng vàng hóa không xảy ra.
Lỗ nhất trên thị trường, theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, là những người tham gia đánh vàng tài khoản. Hình thức này, nhà nước hiện không khuyến khích nhưng vẫn có những diễn đàn rủ nhau chơi “chui”. Đánh vàng tài khoản chủ yếu đánh theo giá thế giới, mặc dù giá quốc tế những ngày gần đây biến động trong biên độ từ 1.900 - 1.980 USD/ounce nhưng luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ đầy rủi ro. Hầu hết vàng tài khoản dùng đòn bẩy tài chính khá lớn, người chơi chỉ bỏ ra vài phần trăm mà giá biến động ngược trạng thái thì ngay lập tức “cháy” tài khoản, lỗ nặng. Khi giá đang tăng lên mà kim loại quý quay đầu sụt giảm mạnh 20 - 30 USD/ounce, tài khoản nhà đầu tư bị cắt lỗ ngay lập tức.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment, cho rằng những người mua vàng miếng ở đỉnh 62 triệu đồng/lượng vào tháng 8.2020 và giữ đến nay thì tính ra lợi nhuận thua xa tiền gửi tiết kiệm. Đặc biệt nếu với những người mua vàng nhẫn thì lỗ. Do đó ông vẫn giữ quan điểm là trong bối cảnh các thị trường tài chính biến động mạnh và dự báo sẽ còn nhiều rủi ro, thì việc phân bổ một phần vốn vào vàng là nên có để phòng thủ. Lướt sóng ngắn sẽ càng rủi ro hơn khi chênh lệch giữa giá mua và bán cũng như khoảng cách giữa vàng miếng trong nước với thế giới vẫn đang quá cao.
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển nhận định nếu đầu cơ lướt sóng thì phải chấp nhận rủi ro cao vì có thể tăng tiếp nhưng cũng có thể quay đầu giảm. Còn nếu đầu tư thì sẽ không ai mua khi giá vàng đã liên tục tăng và tỷ suất lợi nhuận cũng khó ở mức cao. Tương tự dù thị trường bất động sản hiện chưa phải là giai đoạn lướt sóng tốt nhưng với những người thận trọng xuống tiền đầu tư thì sẽ có cái nhìn dài hạn, khi đó tỷ suất lợi nhuận cũng sẽ cao hơn bỏ tiền vào vàng.
Bình luận (0)