Sử dụng “hộp đen” chống gian lận xăng dầu

26/12/2008 23:32 GMT+7

Tại hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về Đo lường, chất lượng xăng dầu, gas tổ chức ngày 26.12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Quốc Thắng cho biết, sẽ áp dụng công nghệ mới để chống gian lận xăng dầu. Bấm vào đây để nghe đọc bài

Chuẩn bị thử nghiệm lắp "hộp đen"

Theo Chánh thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Trần Minh Dũng, so với đợt thanh tra năm 2003, tỷ lệ vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu vừa qua đã giảm từ 28,3% (số cơ sở đã thanh tra) xuống còn 17,9%. Việc xử lý vi phạm cũng nghiêm khắc hơn với tổng số tiền phạt trong đợt vừa qua lên tới hơn 3,8 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas), thì “mức xử phạt 20 triệu, 30 triệu, thậm chí sắp tới kiến nghị lên 40 triệu đồng cũng chẳng thấm vào đâu so với hàng tỉ đồng các cửa hàng thu lợi bất chính.

Đấy là chưa kể, sau khi bị rút giấy phép, bằng sự man trá của mình các cây xăng đã thay đổi quyền sở hữu để được cấp giấy phép hoạt động trở lại”. Ông Thắng cho rằng, cần tiến hành khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần. “Chúng ta cần đưa ra một vài vụ khởi tố, bắt giam, bỏ tù những đối tượng vi phạm mới đủ tính răn đe”, ông Thắng nói.

Đại diện cho nhà sản xuất cột bơm xăng, ông Đặng Nhật Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần kỹ thuật Seen cho biết, không khó để mua một chiếc IC gắn vào cột bơm xăng với giá 3-4 triệu đồng. Vì vậy, ngoài xử lý các cơ sở kinh doanh gian lận cần truy tìm ra được tận gốc, bắt tận tay những đối tượng sản xuất, cung cấp IC, bộ kích xung - những thiết bị hỗ trợ cho việc gian lận.

Ông Phạm Quang Viễn, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đề nghị: “Bộ Công an nên sớm thành lập ban chuyên án bắt cho được các đối tượng chế tạo, buôn bán thiết bị hỗ trợ gian lận đo lường. Đây là những đối tượng hoạt động có tổ chức, phải truy tìm và xử lý nghiêm khắc”.

Theo báo cáo tổng hợp từ 61/63 tỉnh, thành phố, tính đến 30.11.2008, trong tổng số 3.890 cơ sở kinh doanh xăng dầu và 636 cơ sở kinh doanh gas được thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt vi phạm 797 cơ sở (17,9%). Đối với lĩnh vực xăng dầu, trong số các cơ sở vi phạm đã phát hiện 57 lượt cơ sở có hành vi tác động làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của phương tiện đo (7,15%); 118 lượt cơ sở vi phạm về kiểm định phương tiện đo (14,8%); 140 lượt cơ sở vi phạm về chất lượng xăng dầu (17,56% ); 97 lượt cơ sở vi phạm về ghi nhãn (12,17%).  Những tỉnh, thành đã xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm là: Gia Lai xử phạt 81 cơ sở; Nghệ An: 43; An Giang: 35; Bạc Liêu: 34; Vĩnh Phúc: 30... Có gần 100 cơ sở bị đề nghị rút giấy phép kinh doanh.

Để tránh tình trạng bị động trước các hành vi gian lận mới liên quan đến đo lường, ông Trần Quốc Thắng, Thứ trưởng Bộ KH - CN cho biết trước mắt, Bộ KH-CN đã giao cho Viện Ứng dụng công nghệ nghiên cứu, chế tạo “hộp đen” lắp đặt vào các cây xăng. Thiết bị này giúp có thể biết được cây xăng gian lận vào thời điểm nào, mức độ gian lận là bao nhiêu.

Trong thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ phối hợp với Bộ Công thương lắp đặt thử nghiệm tại một số cây xăng, trước khi đưa ra ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ KH-CN đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản pháp luật, trong đó sửa đổi theo hướng tăng nặng một số hành vi vi phạm như: tự ý phá niêm chì, không kiểm định ban đầu phương tiện đo nhưng vẫn đưa vào sử dụng, gắn thêm IC để làm thay đổi tình trạng kỹ thuật; bổ sung quy định về buộc thu hồi, nộp ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp do hành vi gian lận về đo lường và chất lượng.

Tiếp tục đề nghị ngừng lưu hành xăng A83

Liên quan đến hành vi gian lận pha xăng có chỉ số ốc tan thấp vào xăng có chỉ số ốc tan cao để hưởng chênh lệch giá, một lần nữa vấn đề cần chấm dứt lưu hành xăng A83 lại được đưa ra. Việc có 4 loại xăng đang được lưu hành là A83, A90, A92, A95, nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng này dẫn đến lộn xộn, khó quản lý.

Theo ông Phạm Quang Viễn, trên thế giới không nơi nào lưu hành quá nhiều chủng loại xăng như ở Việt Nam, nhất là loại xăng A83, thế giới đã bỏ từ lâu. Không nên sản xuất, lưu hành xăng A83 khi mà hầu hết các cột bơm xăng ở Việt Nam không còn bán loại xăng này. Đây là loại xăng thường được xuất lậu qua biên giới hoặc pha trộn với các loại xăng khác để bán với giá cao.

Ông Nguyễn Quang Kiên, Phó tổng Giám đốc Petrolimex, đặt vấn đề: "Sản lượng xăng A83 sản xuất trong nước khoảng 1 triệu m3, nhưng không thấy lưu thông ra thị trường. Vậy lượng xăng A83 đi về đâu? Chắc chắn một lượng lớn không nhỏ được sử dụng vào gian lận thương mại”.

Ông Trần Quốc Thắng cho biết, xăng A83 hiện nay vẫn còn dùng cho các xuồng, ghe ở một số tỉnh phía Nam và một số loại xe chuyên dụng. "Bộ KH-CN sẽ kiến nghị với Thủ tướng có lộ trình chấm dứt lưu hành xăng A83 tại Việt Nam”, ông Thắng nói.

 Thu Hằng

>> Xem xét rút giấy phép các cây xăng gian lận
>> Phát hiện thêm hàng loạt cây xăng gian lận 
>> 
Gian lận trong kinh doanh xăng dầu: Chuyện dài không có điểm dừng
>> Bài trừ nạn gian lận xăng dầu như thế nào?
>>  Gian lận trong kinh doanh xăng dầu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.