Sử dụng liệu pháp gien để chữa bệnh mù lòa

07/10/2017 14:29 GMT+7

Các nhà khoa học của Đại học Oxford (Anh) đã sử dụng liệu pháp gien để lập trình lại các tế bào trong võng mạc cảm thụ lại ánh sáng và chữa trị bệnh mù lòa.

Trên website của Đại học Oxford, các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết nguyên nhân của mù lòa là vì mất hàng triệu tế bào cảm quang trong võng mạc phía sau mắt.
Các bệnh thoái hóa võng mạc di truyền như bệnh viêm võng mạc sắc tố gây suy giảm thị lực nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến mù lòa. Đây là một nguyên nhân khá phổ biến gây nên mù lòa ở người trẻ.
Trong một nghiên cứu mới tại Đại học Oxford, Samantha de Silva và các đồng nghiệp đã cấy một vi rút đã được biến đổi gien vào các tế bào cảm quang trong võng mạc để tạo ra một gien mới, sau đó kích thích nhanh protein cảm thụ được ánh sáng và các tế bào biểu lộ quang sắc tố (melanopsin) để xác định cường độ ánh sáng tới. Nghiên cứu này được thực hiện trên những con chuột bị mù do viêm võng mạc sắc tố.
Theo thông tin được các nhà nghiên cứu ghi trên website của Đại học Oxford, những con chuột được theo dõi hơn một năm và chúng đã khôi phục lại thị lực trong suốt thời gian này. Chúng đã có thể phân biệt rõ nhiều đồ vật xung quanh trong một môi trường mà đòi hỏi một thị lực tốt mới có thể nhìn thấy được.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ cũng đã thử nghiệm thành công ghép võng mạc điện tử vào người khiếm thị. Tuy nhiên, họ cho rằng liệu pháp gien có thể đem lại nhiều lợi ích cho người khiếm thị vì dễ dàng thực hiện, quản lý và theo dõi.
Nhà nghiên cứu Silva nói trên website của Đại học Oxford: “Bước kế tiếp của nghiên cứu là chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người”.
Giáo sư Robert MacLaren, một trong các nhà nghiêu cứu, cho biết: “Ảnh hưởng của viêm võng mạc sắc tố rất kinh khủng và chúng tôi đã mất rất nhiều năm để tìm ra nhiều phương thức mới để làm chậm lại quá trình mất thị lực và bắt đầu khôi phục lại. Cách tiếp cận mới này thật thú vị. Sử dụng một protein có sẵn trong mắt là giúp chúng ta giảm đi nguy cơ phản ứng miễn dịch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.