Sách tham khảo cho học sinh bày bán tràn ngập trong các nhà sách. Vì thế, chọn sách gì giữa hàng ngàn đầu sách, hàng trăm tác giả là việc khó khăn đối với nhiều phụ huynh.
|
Bà Phạm Thị Hóa, Trưởng phòng Kinh doanh của hệ thống nhà sách Fahasa, cho biết: “Trong khoảng 1, 2 năm trở lại đây, do sự cạnh tranh rất lớn nên các nhà xuất bản đầu tư nhiều vào nội dung và hình thức của sách tham khảo, do đó phụ huynh không cần lo nhiều về chất lượng sách. Quan trọng nhất là phải chọn những cuốn phù hợp với lực học của con mình, hướng dẫn con cách sử dụng sao cho phát huy được cái hay của từng cuốn sách, tránh việc để trẻ phụ thuộc vào sách dẫn đến thiếu tự giác, lười tư duy”.
Bà Trần Tiễn Hạnh Dung, phụ trách bộ phận sách của nhà sách Nguyễn Văn Cừ, thông tin: “Hiện nay hệ thống nhà sách chúng tôi bán cả ngàn đầu sách tham khảo. Trong đó có tác giả viết nhiều tựa sách, cũng có nhiều tựa sách giống nhau nhưng của nhiều tác giả khác nhau”. Hệ thống nhà sách Fahasa hiện cũng nhập khoảng 7.000 đầu sách, trong đó các môn toán, văn và tiếng Anh chiếm phần lớn. Bà Phạm Thị Hóa công nhận do lượng sách quá nhiều nên việc trùng lặp về đề, bài giải là không tránh khỏi. “Do đó, phụ huynh không nên mua nhiều dễ bị trùng. Chỉ nên chọn một số cuốn quan trọng và nên mua theo bộ của cùng một tác giả thì sẽ dễ dàng tiếp thu hơn”, bà Hóa khuyên.
Cô Võ Thị Thùy Linh, giáo viên Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Điều quan trọng nhất là phụ huynh phải dành thời gian hướng dẫn con cách tham khảo sách như thế nào chứ không phải mua sách về và để con tự đọc”. Theo bà Hạnh Dung, trong trường hợp phụ huynh không biết phải lựa chọn sách nào thì nên nhờ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn.
Cần định hướng cho học sinh
Theo bà Hóa, sách tham khảo rất đa dạng, có loại chỉ gợi ý, có loại giải chi tiết, có sách kết hợp cả hai. “Dù là sách gợi ý hay sách giải thì mỗi loại đều có giá trị riêng. Phụ huynh có vai trò giám sát định hướng cho con trong trường hợp nào thì dùng bài gợi ý, trường hợp nào thì đọc bài giải”. Bà Hóa lấy ví dụ: “Trước khi cho con đọc bài văn mẫu thì nên để con đọc bài gợi ý, tự làm bài; sau đó đọc văn mẫu để bổ sung thêm những ý thiếu hụt và học cách diễn đạt, cách sử dụng câu, từ”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hữu Tá cũng nhận định: “Sách tham khảo rất có ích nếu biết cách sử dụng. Tuy nhiên, trong môn văn nếu quá phụ thuộc vào các cuốn giải văn mẫu, đọc để thuộc lòng và vận dụng máy móc vào các bài tập làm văn thì rất nguy hiểm”. Ông Tá khuyên phụ huynh chỉ nên mua những cuốn sách gợi ý cách làm bài chứ không nên mua sách văn mẫu, vì nó dễ khiến học sinh bắt chước, làm triệt tiêu đi tư duy sáng tạo và mất dần cảm xúc. Chỉ nên cho học sinh đọc các bài văn mẫu để học hỏi chứ tuyệt đối không khuyến khích con sử dụng cho bài văn của mình.
Ở môn toán, Giáo sư Đặng Đức Trọng, Trưởng khoa Toán - Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, gợi ý: “Nếu con có lực học khá, giỏi thì nên mua sách giải sẵn các bài toán từ sách giáo khoa hoặc toán nâng cao để con tự đọc, tìm hiểu. Sau đó nói con trình bày lại”. Giáo sư Trọng nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là phải hiểu chứ không phải thuộc. Nếu học sinh trung bình, yếu thì phải có người giảng giải, kèm cặp thêm. Những sách trình bày nhiều cách giải cho một bài toán thì chỉ phù hợp với học sinh khá giỏi”.
Mỹ Quyên
>> Tuyệt đối không giới thiệu, vận động mua sách tham khảo
>> Nhầm nhân vật lịch sử trong sách tham khảo tiểu học
>> Phải thẩm định sách tham khảo
>> Thả nổi chất lượng sách tham khảo
>> Rà soát sách tham khảo trước khi tái bản
>> Lại có nhiều sai sót trong sách tham khảo
>> Cần có chế tài về sách tham khảo
>> Tràn lan sách tham khảo
>> Giảm giá sách giáo khoa, sách tham khảo
>> Gánh nặng giáo trình, sách tham khảo của sinh viên
Bình luận (0)