Năm 2017, khi đang dẫn dắt CLB Changwon City thi đấu ở giải hạng ba tại Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo bất ngờ nhận được lời mời từ ông Đoàn Nguyên Đức, khi đó đang làm Phó chủ tịch LĐBĐ Việt Nam, về làm HLV trưởng tuyển Việt Nam. Chỉ trong vòng 1 ngày thương thảo hợp đồng tại Bảo tàng Bóng đá Hàn Quốc thuộc Sân vận động FIFA World Cup 2002 ở Seoul, hợp đồng chính thức được ký kết, ông Park trở thành tân HLV tuyển Việt Nam đang trong tình cảnh rối bời vì thất bại nặng nề tại SEA Games 1997.
|
Cuối năm 2020, đang thất nghiệp tại quê nhà, HLV Kiatisak bất ngờ nhận cuộc gọi từ ông bầu Đoàn Nguyên Đức mời về dẫn dắt HAGL với lứa cầu thủ tài năng đang mất phương hướng tại V-League. Không cần suy nghĩ lâu, Kiatisak gật đầu đồng ý đến phố núi tìm thử thách mới.
Khi đến Việt Nam, cả ông Park và Kiatisak đều chọn lối chơi 3-5-2 hoặc 5-3-2 để áp dụng cho đội bóng của mình, vì thế chẳng có gì lạ khi cả hai đều nói lên quan điểm bóng đá phải có chiến thắng. Bên cạnh bóng đá đẹp thì người ta nhận ra rằng “Zico Thái” có chung một hệ tư tưởng với ông Park Hang-seo, nghĩa là tính thực dụng phải đặt trên sự hoa mỹ. Với hai vị HLV này, bóng đá đẹp mà không có chiến thắng thì thành quả lao động trở nên vô nghĩa.
Lúc ông Park mới bắt tay vào công việc, các lứa của đội tuyển Việt Nam đều đang rơi vào tình trạng bất ổn về tâm lý, dù lúc đó cầu thủ tài năng không hề thiếu. Nhưng chỉ sau chưa đầy 1 năm, ông đã biến các cầu thủ U.23 Việt Nam trở thành những nhà á quân châu Á, sau đó không lâu lại lên ngôi AFF Cup và nhất là chiếc HCV SEA Games 2019 lịch sử sau 60 năm chờ đợi.
Còn với Kiatisak, chỉ với vỏn vẹn 3 tháng cầm quân tại HAGL, ông biến lứa cầu thủ tài năng Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn... đang mất định hướng trong sự nghiệp về đúng vị trí của mình, như những gì mà họ từng thể hiện ở lứa tuổi U.19 khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam ngây ngất.
|
Điều đáng nói là cả thầy Park và Kiatisak đều biết thổi ngọn lửa nhiệt huyết, khơi dậy niềm tin đúng lúc cho các học trò của mình khi tinh thần của họ đang trở nên suy sụp nhất, khiến họ bùng cháy lại khát khao cống hiến cho đội tuyển quốc gia và CLB của mình. Để làm được điều này, ông Park Hang-seo cũng như Kiatisak đã quan tâm, chăm sóc và "vỗ về" các học trò như con của mình. Chính tình cảm nồng ấm đó đã giúp các cầu thủ và HLV gắn kết lại như một gia đình, đồng lòng hướng đến việc phải đạt mục tiêu cao nhất.
Không chỉ vậy, họ còn bổ sung cho nhau những nét tương đồng để đôi bên cùng có lợi: với Kiatisak chính là thừa hưởng cách chơi của các học trò ở HAGL mà ông Park truyền đạt khi ở trên tuyển, còn ông Park cũng nhận thành quả từ Kiatsak khi các học trò trên tuyển của HAGL ngày càng hoàn thiện các kỹ năng còn thiếu của mình trước đây để chơi thăng hoa hơn.
Chưa hết, việc Kiatisak trong một phát biểu gần đây rằng sẽ bảo vệ đôi chân của tiền vệ Tuấn Anh tối đa, khi ông cho rằng tiền vệ này là cầu thủ rất quan trọng với tuyển Việt Nam đã cho thấy vị HLV người Thái này sẵn lòng "chịu thiệt" ở CLB để giúp ông Park có trò giỏi trên tuyển. Với sự đồng cảm như thế, chẳng lạ gì khi ông Park xuống bắt tay thăm hỏi Kiatisak sau trận HAGL gặp Đà Nẵng trên sân Hoà Xuân, bởi với hai ông, sự chuyên nghiệp chính là chìa khoá đem lại thành công trong nghề nghiệp của mình.
Có thể khẳng định một điều, sự đồng quan điểm này của ông Park và Kiatisak đã, đang và sẽ giúp bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển cả ở cấp đội tuyển và CLB cũng như đem lại quá nhiều thuận lợi cho bóng đá Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Bình luận (0)