“Tội ác của thế kỷ” – theo cách nói của George – tưởng chừng đã “nhấn chìm” di sản của nền văn minh Lưỡng Hà ngay tại Iraq.
Hơn 5 năm sau, tin vui đến. Bảo tàng quốc gia Iraq tại thủ đô Baghdad sẽ mở cửa lại vào cuối tháng 2 này. Khoảng 1/3 hiện vật đã quay về. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng của quá trình tái thiết đất nước và lập lại cuộc sống bình thường ở đất nước có quá nhiều thương đau này. Hãng tin Reuters trích lời một quan chức chính phủ cho biết Chính phủ Iraq kỳ vọng sự kiện trên sẽ góp phần thúc đẩy nền du lịch.
Hai cuộc chiến tranh đã đẩy những cổ vật trải qua 5.000 năm của nền văn minh Lưỡng Hà vào tình thế tuyệt vọng. Năm 1991, sau cuộc chiến vùng Vịnh, chính bảo tàng của Iraq bị “tấn công”, không phải bởi đạn pháo mà bởi đám đông hỗn tạp. “Chúng tôi mất hơn 4.000 hiện vật. Nhiều bảo tàng phải được xây dựng lại. Con trai của Giám đốc Bảo tàng Amara bị giết ngay trước cửa bảo tàng, còn Giám đốc Bảo tàng Kirkuk suýt mất mạng”, George kể lại. Với sự trở lại lần này của bảo tàng quốc gia, mối quan tâm hàng đầu chính là an ninh. Bộ Nội vụ Iraq đã thành lập “lực lượng bảo vệ di tích và di vật” để nạn trộm cắp không thể lần thứ 3 xảy ra sau khi những nỗ lực thành công, cả trong nước và quốc tế, đưa những di sản quý báu của bảo tàng trở về Iraq – nơi được xem là cái nôi của nền văn minh này.
Chung tay cứu di sản thế giới
Chỉ trong ba ngày – thứ năm, sáu và bảy của những ngày giữa tháng 4.2003, Bảo tàng quốc gia Iraq chứng kiến những đám người lao vào hôi của, đập phá và trộm cắp. Những chiếc xe tăng Mỹ gần đó không có hành động nào để ngăn chặn cơn lũ này bởi quân đội Mỹ lúc đó không nhận được lệnh. Việc này khiến dư luận lên tiếng. Nhưng sau đó, Mỹ đã có những hỗ trợ đáng kể với khoảng 13 triệu USD dành riêng cho bảo tàng này và 700.000 USD để khôi phục những khu đổ nát tại thành phố cổ Babylon. Ngay chủ nhật tuần đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ Colin L.Powell phát biểu theo trích dẫn của New York Times: “Nước Mỹ hiểu rõ mọi bổn phận của mình và chúng tôi sẽ nắm giữ vai trò chủ đạo đối với những di sản nói chung và bảo tàng này nói riêng”.
Nhiều hội nghị quy tụ các nhà khảo cổ học và những người phụ trách bảo tàng khắp thế giới đã được tổ chức để tìm ra giải pháp ngăn chặn “sự chảy máu” của di sản.
Những người đứng đầu bảo tàng ở Mỹ đề xuất phương án “tạm ngừng các hoạt động mua bán” để cổ vật không thể lọt ra những thị trường ở nước ngoài và vào tay những kẻ săn đồ cổ. Maxwell L.Anderson, Chủ tịch Hiệp hội Các giám đốc bảo tàng của Mỹ, đã kêu gọi các bảo tàng và các nhà sưu tầm không mua bất kỳ di vật nào của bảo tàng này.
Tổ chức ACCP quy tụ các giám đốc bảo tàng và các nhà sưu tầm của Mỹ cũng kêu gọi chính phủ các nước tham gia phương án “tạm ngừng” này. Ashton Hawkins, người đứng đầu tổ chức này, phát biểu: “Tôi nhận thấy chúng ta cần phải huy động lực lượng và hành động để mọi người hiểu rõ rằng không dễ gì tìm thấy những món đồ quý giá này trên thị trường”. Hawkins còn đề nghị trao cho những người trả lại các cổ vật một món tiền thưởng nho nhỏ, khoảng 10 hay 20 USD, đủ lớn để động viên mọi người chứ không phải đủ hấp dẫn để “khuyến khích” người ta tiếp tục cướp phá.
Lời hiệu triệu kêu gọi bảo vệ nguồn di sản của nhân loại đã có kết quả ngay sau đó. Theo lời George, hai người đàn ông giấu tên đến xin gặp riêng ông. Chính họ đã chứng kiến cảnh cướp phá bảo tàng và quyết định đem một số hiện vật về nhà để cất giữ nơi an toàn. Và khi tình hình yên ổn trở lại, họ mang trả: một bức tượng vua Shalmaneser III bị vỡ làm đôi, một tấm đá khắc chữ cổ, hai bức chạm nổi 6.000 năm tuổi của đế chế Sumerian và nhiều đồ vật khác. “Chúng tôi không hỏi họ là ai, họ sống ở đâu. Nhưng tôi muốn nói điều này: họ là những người Iraq thực sự”, George cho biết.
Người Iraq thầm lặng
Chịu trách nhiệm chính về bộ sưu tập đồ sộ của bảo tàng, George phải tận mắt chứng kiến cảnh cướp phá trong nỗi khiếp sợ. Những gì diễn ra trước mắt ông năm 2003 khiến ông nhớ lại năm 1991, lúc đó ông bị bắn nhiều phát đạn khi cố gắng ngăn chặn bọn trộm cướp. Tiên đoán trước được tình hình, ông nhiều lần cảnh báo khả năng lập lại thảm họa 1991 nhưng bất thành.
Hàng loạt cổ vật được phát hiện tại Diwaniya, cách Baghdad 180 km, được đưa về Bảo tàng quốc gia Iraq vào tháng 12.2007 - Ảnh: Reuters |
Rồi khi chuyện này xảy ra, người phương Tây bàng hoàng còn người trong cuộc như George thì vẫn giữ thái độ bình tĩnh. Ông điềm tĩnh nhìn nhận: Tôi không tìm lý do đổ lỗi trong chuyện này nhưng mọi người biết đấy, sau 30 năm sống dưới chế độ Saddam Hussein, gánh nặng đè lên mọi người. Đa số người dân không được đi học và với họ, bảo tàng này cũng chỉ là một tòa nhà của chính phủ. Họ không lấy đi những món đồ cổ, chỉ lấy đồ nội thất, máy vi tính và camera mà thôi”.
Ông hiểu những người đồng bào của mình. Tại một cuộc họp sau đó tại London, ông kể lại câu chuyện về số phận của những viện bảo tàng Iraq, về sự ra đi của những cổ vật thuộc về những thành phố đầu tiên của nhân loại. Đau xót nhưng vẫn bình thản vì ông vẫn luôn hy vọng. “Tôi nghĩ rằng những nỗ lực ngăn chặn sự xuất hiện của những món đồ quý giá này trên thị trường lần này có hiệu lực hơn nhiều so với năm 1991. Sẽ không có bảo tàng nào trên thế giới bỏ tiền ra mua những gì đến từ bảo tàng của chúng tôi”.
Ông đã nhìn thấy những kẻ cướp trắng trợn. Đó là những người cầm trong tay sơ đồ chi tiết của tòa nhà. Họ bỏ qua những bức tượng giả cổ và biết tìm đến những buồng cất giữ cổ vật được khóa kỹ lưỡng. Ông kể lại: “Chúng tôi tìm thấy những chiếc máy cắt kính và hàng chùm chìa khóa”.
Trước tình thế đó, George âm thầm tìm cách liên lạc với người bạn là ông John Curtis ở Bảo tàng quốc gia Anh nhờ giúp đỡ. “Tôi nói với ông ấy rằng chúng tôi ở đây hoàn toàn không được bảo vệ. Bảo tàng bị cướp phá. Và chúng tôi sợ rằng những người đó sẽ quay trở lại thiêu rụi tòa nhà”, ông kể lại.
George và các quan chức Iraq đã hợp tác chặt chẽ với các đại sứ quán khắp nơi trên thế giới để thu hồi những đồ vật bị mất. Từ Peru, Anh và nhiều nước châu u khác, di sản của nền văn minh Lưỡng Hà đã tìm được đường về nhà để sắp tới đây sẽ lại ra mắt công chúng.
Nguyệt Hàn
(tổng hợp)
Bình luận (0)