Trên là ý kiến mà thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (phòng tham vấn tâm lý học đường Trường THCS Lý Phong, TP.HCM) đưa ra về sự khác nhau giữa học trò ngày xưa và bây giờ.
Bạo dạng nói về “chuyện ấy”
Với một người thường xuyên tiếp xúc với các em ở lứa tuổi học sinh (HS), anh Huân cho rằng: “tụi nhỏ bây giờ với mình ngày xưa khác nhau xa lắc”.
Dẫn chứng cho lời nhận định của mình, anh Huân đưa ra các vấn đề cụ thể: “HS bây giờ biết yêu sớm hơn ngày xưa. HS (chủ yếu là nam) bạo dạng nói về 'chuyện ấy' hơn. Hồi đó mình nghe em nào nói 'chuyện ấy' là mình chấn chỉnh liền, giờ học trò đã quan tâm nhiều về vấn đề giới tính. Từ đó, để gần gũi các em, mình phải hành xử thế nào để vừa không khiến chúng thấy mình như là 'sinh vật lạ', vừa rất tâm lý, cởi mở”.
Cũng theo anh Huân thì HS bây giờ học tiếng Anh rất tốt: “Trong một dịp tình cờ, mình phát hiện các em chuyển ngữ từ tiếng Việt qua tiếng Anh và Anh sang Việt rất nhanh, chính xác...”.
Đặc biệt, HS bây giờ và ngày xưa rất khác nhau trong văn hóa ứng xử. Chẳng hạn như HS biểu lộ sự khó chịu, bất bình mạnh mẽ hơn kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp qua mạng xã hội mà ít suy nghĩ về hậu quả hoặc tham khảo ý kiến người lớn như HS ngày xưa...
Tốt hơn nhiều nhưng...
Theo anh Huân sự khác nhau giữa học trò ngày xưa và bây giờ cũng có nhiều điều tốt, nhưng cũng có mặt chưa tốt. “Cái tốt hơn thì ai cũng dễ thấy nhưng mặt chưa tốt thì không phải ai cũng nhận ra”, anh Huân nói.
Anh Huân minh chứng: “Có công nghệ người xa hóa gần, nhưng người gần bỗng hóa xa. Học trò bây giờ về nhà là sẵn sàng ngồi hàng giờ để chat nhưng gặp nhau 10 phút đã không biết nói chuyện gì tiếp nữa. Thời buổi hiện nay học trò có thể 'du lịch' từ nước này đến nước khác, nhưng khám phá bản thân thì quá đỗi khó khăn, không biết mình muốn gì, thích gì, có khả năng gì,... Có công nghệ học trò cũng lười chép bài, lười động não, vì lên google là có...".
Không nên áp đặt
Nhiều sinh viên cho rằng mỗi thời mỗi khác, và HS bây giờ cũng "ăn theo thuở, ở theo thời".
"HS bây giờ tuổi thơ gắn liền với smartphone là chính, không còn nhiều những thứ dân dã như cánh đồng, dòng sông, con cò, viên bi,… HS giờ không còn viết những dòng nhật ký cho nhau, không còn đạp xe đạp lọc cọc như thời xưa mà được ba mẹ đưa đón đi học. Bây giờ các bạn phát triển sinh lý sớm hơn, từ đó yêu đương và bộc lộ tình cảm cũng sớm hơn”, Châu Tấn Hiệp (SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ.
Còn Lê Anh Thư (SV Trường ĐH Y dược TP.HCM) thì cho rằng: “Thời nay các em HS có nhiều điều kiện nên chắc chắn khác xưa rất nhiều. Chưa nói tốt hơn hay xấu hơn nhưng mình nghĩ tốt sẽ nhiều hơn vì người ta nói là xã hội phát triển mà, nên con người cũng phát triển về nhiều mặt mà đã là phát triển thì tốt rồi. Tuy nhiên mình thấy có những điều mà HS bây giờ sẽ không còn được như tụi mình ngày xưa, như là đạp xe đạp đi học, nhặt cánh phượng gấp vào các trang nhật ký, cuối tuần tụ tập với nhau đi chơi..., Các bạn trẻ bây giờ cứ đi ra khỏi nhà một tí là bố mẹ lại sợ bị bắt cóc, sợ bị này bị nọ nên không còn được bay nhảy vô tư như tụi mình ngày xưa”.
Chuyên viên tham vấn tâm lý, thạc sĩ giáo dục học Chế Dạ Thảo, nhìn nhận: Mỗi thời đại sẽ có những điều kiện kinh tế xã hội khác, cho nên những cá thể sống trong thời đại đó cũng sẽ phát triển theo chiều hướng riêng, vì thế sự khác nhau giữa các thế hệ là điều tất yếu. Và tất cả chúng ta đang đi theo sự phát triển của xã hội, mà mỗi một sự phát triển nào cũng sẽ kéo theo mặt tốt và chưa tốt, mặt thuận lợi và hạn chế. Khi đánh giá thì chúng ta cũng phải điều chỉnh cách nhìn, cách đánh giá chứ không nên áp đặt những quy chuẩn của xã hội cũ lên xã hội hiện nay.
Các bậc cha mẹ bây giờ hay hụt hẫng, thấy khó chịu là sao tôi ngày xưa thế này còn con tôi bây giờ lại thế này. Chúng ta đừng áp đặt góc nhìn của thời xưa lên thời nay, đấy là cách nhìn chưa thỏa đáng. Phải thay đổi tiêu chí và tiêu chuẩn khi đánh giá để có cái nhìn khách quan hơn.
Tuy nhiên, mặt hạn chế vẫn không thể tránh khỏi khi có một số bạn trẻ có cái nhìn lệch lạc, hay có những hành vi lệch chuẩn. Nhưng chung quy lại bây giờ tôi thấy có nhiều bạn trẻ, học sinh rất giỏi.
Bình luận (0)