Trong buổi hội thảo trực tuyến Ai góp ý giơ tay lên diễn ra chiều qua 26.9, các nhà làm phim gồm đạo diễn, nhà sản xuất tham gia cho rằng nhiều vấn đề lớn tồn tại của luật Điện ảnh (ra đời năm 2006) vẫn chưa được giải quyết trong dự thảo luật Điện ảnh (mới).
Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến |
CHỤP MÀN HÌNH |
Mặc dù là thành viên Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim truyện (gọi tắt là hội đồng duyệt phim), nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng không lý giải được vì sao 2 bộ phim Miền ký ức (đạo diễn Bùi Kim Quy) và Vị (Lê Bảo) mà bà nhìn nhận là những tác phẩm quý của điện ảnh Việt Nam đương đại lại có 2 “số phận” hoàn toàn trái ngược. Miền ký ức được cấp phép để tranh giải tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan ( Hàn Quốc ), còn Vị không còn cơ hội trình chiếu tại LHP này bởi lệnh cấm phổ biến với lý do có cảnh khỏa thân kéo dài. “Với tôi là vừa đủ, còn với người khác lại không. Sự đong đếm chỉ dựa trên cảm tính”, bà Điệp bày tỏ.
Mất 3 năm chuẩn bị cho Bụi đời Chợ Lớn, đạo diễn Charlie Nguyễn và ê kíp chưa kịp mừng khi có nhà phát hành ở Mỹ muốn mua bộ phim để phát hành trên thế giới thì nhận lệnh cấm phát hành từ Cục Điện ảnh. Trước đó, cơ quan quản lý này không đưa ra văn bản cụ thể nào cho biết phim có cảnh nào cần cắt, hay cần chỉnh sửa...
Đạo diễn của phim Ròm Trần Thanh Huy thì từng rất ngạc nhiên khi nhận được văn bản của Cục Điện ảnh cho rằng bộ phim có những thông tin “tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị”. Và bằng một cách không theo đường văn bản, thành viên hội đồng duyệt phim đã gọi điện cho anh, yêu cầu cụ thể cắt, chỉnh sửa những cảnh phim. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh băn khoăn về điều cấm phim không được trái với tự nhiên và không tiết lộ đời tư cá nhân. Ông không hiểu, dòng phim kỳ ảo, siêu anh hùng có bị loại bỏ, hay với phim tiểu sử mà ông đang thực hiện thì các nhân vật trong phim có phải xin phép? Khi làm nhà sản xuất cho bộ phim Tiệc trăng máu, ông Linh đã gặp tình huống dở khóc dở cười với việc xin phép: “Trong khi có câu thoại nói đùa: “Ủa, Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh hả?” hay “Đẹp như Ngọc Trinh!”, hội đồng duyệt cũng yêu cầu chúng tôi phải xin phép diễn viên Ngô Thanh Vân, hay xin chữ ký đồng ý của Ngọc Trinh”.
Các nhà làm phim cho biết hầu hết những ý kiến yêu cầu chỉnh sửa, cắt gọt phim thường đến với họ không ở dạng văn bản chính thức, nhưng hầu hết đều “chấp hành” nếu muốn phim ra rạp. Các ý kiến cũng cho rằng, cần trao quyền cho khán giả như những quốc gia có nền điện ảnh phát triển trên thế giới đã làm. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay, ở Mỹ, MPAA (Hiệp hội Điện ảnh Mỹ mà thực tế là công ty tư nhân liên kết với những nghiệp đoàn điện ảnh) đưa ra hệ thống dán nhãn dành cho các bộ phim, bên cạnh đó đưa ra cảnh báo cho khán giả.
Sau buổi tọa đàm, các nhà làm phim cùng ký vào bản kiến nghị gửi tới Quốc hội xoay quanh những vấn đề cần sửa đổi với luật Điện ảnh (mới).
Vĩnh biệt Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu
Giáo sư Vũ Khiêu từ trần trưa 30.9 tại Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội), hưởng thọ 105 tuổi.
Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19.9.1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và hoạt động trên nhiều lĩnh vực: công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội, đối ngoại. Sau năm 1954, ông chuyển từ công tác tuyên huấn sang nghiên cứu, tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và đại học.
Giáo sư Vũ Khiêu |
NGUYỄN ĐÌNH TOÁN |
Ông trở thành Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học xã hội VN, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học và mỹ học tại VN. Ngoài ra, ông cũng từng đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Sở Văn hóa khu 10 tại Việt Bắc, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã VN, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội VN (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN).
Ông là một trong những người được phong hàm giáo sư đầu tiên, đã viết và xuất bản hàng trăm tác phẩm, công trình khoa học ở nhiều lĩnh vực: triết học, mỹ học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội… Những tác phẩm, công trình nghiên cứu nổi bật của ông có thể kể đến: Đẹp (1963); Anh hùng và nghệ sĩ (1972); Cách mạng và nghệ thuật (1979); Cao Bá Quát (1970); Ngô Thì Nhậm (1976); Nguyễn Trãi (1980); Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người tri thức VN (1980)… Không thể không nhắc đến tác phẩm, công trình đồ sộ của Giáo sư Vũ Khiêu xuất bản trong những năm gần đây như Bàn về văn hiến VN (3 tập), Văn hiến Thăng Long (3 tập), Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng mãi trên bầu trời VN…
Trùng tu chùa Thổ Hà, sau vỡ bia có vỡ trách nhiệm?
Khi vụ việc bia thế kỷ 17 bị vỡ ở chùa Thổ Hà còn chưa được xử lý, liên tiếp thông tin của người dân cho thấy hiện vật kiến trúc khác ở chùa cũng bị ảnh hưởng.
Những người yêu di sản trong diễn đàn Chùa Việt cho đến giờ vẫn không nguôi xót xa vì việc bia đá tứ diện chùa Thổ Hà (xã Vân Hà, H.Việt Yên, Bắc Giang) vỡ ra thành 2 khúc lớn và một vài mảnh lẻ trong quá trình được cẩu lên.
Hiện vật đã không được bảo vệ trong quá trình trùng tu chùa Thổ Hà |
NGƯỜI DÂN CUNG CẤP |
Nhưng câu chuyện trùng tu như phá ở chùa Thổ Hà không chỉ dừng ở việc bia đá của ngôi chùa di tích quốc gia này bị tổn hại mà những bức ảnh từ hiện trường cho thấy quy trình tu bổ chùa đã không được thực hiện đúng luật. Chẳng hạn khi thi công, nhiều vật liệu xây dựng đã được đổ đống ngay sát với hiện vật của chùa. Những hiện vật kiến trúc này cũng bị quăng quật, không được bao che, đánh số…
Về vụ việc chùa Thổ Hà lần này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương cho biết ông đã giao Cục Di sản xuống kiểm tra để làm rõ hiện trạng của di tích quốc gia này. Theo ông Cương, đây là kiểm tra toàn bộ chứ không chỉ riêng vụ việc bia đá bị vỡ. “Ngoài bia còn một số vấn đề khác cần kiểm tra như trang trí gỗ và 2 con rồng đá chẳng hạn”, ông Cương nói.
Bức tranh khắc gỗ hiếm hoi của nhà văn Nhất Linh được đấu giá quốc tế
Lúc 19 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 30.9, tại Pháp đã diễn phiên đấu giá Peintres & Arts du Vietnam của nhà Aguttes với 204 lô hàng được đưa lên sàn, chủ yếu có xuất xứ từ Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý có bức tranh khắc gỗ hiếm hoi của nhà văn Nhất Linh.
Trong lĩnh vực hội họa mỹ thuật thì mọi quan tâm của giới sưu tập và người trong nghề ở phiên đấu giá này tập trung vào họa sĩ Mai Trung Thứ, cả về số lượng và giá bán các tác phẩm. Bức La cérémonie du thé ( Trà đàm, mực và màu trên lụa, 55,8cm x 55,8cm, 1971) có giá ước định từ 300.000 - 500.000 euro nhưng kết quả chung cuộc đã được gõ búa là 560.000 euro (tương đương 14,7 tỉ đồng).
Tiếp đó, bức La danse du foulard ( Điệu múa cổ, mực và màu trên lụa, 81cm x 31cm, 1979) có giá ước định 200.000 - 300.000 euro, kết quả gõ búa cũng ở mức khá cao là 200.000 euro (tương đương 5,2 tỉ đồng).
Tranh khắc gỗ La Tonkinoise et La Vieille Sage của nhà văn Nhất Linh tại phiên đấu giá |
T.L |
Phiên đấu giá này còn xuất hiện bức tranh khắc gỗ La Tonkinoise Et La Vieille Sage của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) với một sáng tác hiếm hoi được mua ở mức 8.000 euro (hơn 210 triệu đồng). Ông cũng là người thành lập nhóm Tự Lực văn đoàn và là cây bút chính của nhóm, từng là chủ bút các tờ tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay...
Định mệnh nghiệt ngã với giọng ca vàng Phi Nhung
Thông tin Phi Nhung qua đời trưa 28.9 ở tuổi 51 khiến công chúng khắp nơi bàng hoàng. Sau 42 ngày chống chọi với Covid-19, đã không có phép màu nào xảy ra với ngôi sao dòng nhạc trữ tình quê hương có giọng hát buồn như cuộc đời cô.
Nói định mệnh nghiệt ngã bởi Phi Nhung nhiễm Covid-19 trong lúc đi làm từ thiện, nấu ăn và phát lương thực cho những hoàn cảnh khó khăn , người nghèo ở các khu phong tỏa, cách ly. Nghiệt ngã khi bệnh tình quái ác này quá khó đoán và không lường trước được điều gì; sức khỏe Phi Nhung trong những ngày mà khán giả cả trong nước lẫn hải ngoại theo dõi, lo lắng cho cô cứ lúc lên lúc xuống; lúc lạc quan, lúc yếu ớt, héo rũ như chiếc lá trong mưa sa gió táp. Cuộc sống khép lại ngay lúc Phi Nhung đang nỗ lực muốn được sống, được hiện diện trên đời với bản năng sinh tồn làm mẹ dành tình cảm cho con gái ruột đang ở Mỹ suốt 2 năm qua chưa gặp lại, cùng 23 đứa con nuôi vốn là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.
Ca sĩ Phi Nhung |
T.L |
Phi Nhung là con lai, sinh năm 1970 tại Gia Lai, gia cảnh khó khăn nên cô phải lang bạt sống ở nhiều tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Quảng Nam... Cha người Mỹ, sau chiến tranh thất lạc nhau, mẹ Phi Nhung lấy chồng khác. Khi mới học lớp 6, Phi Nhung đã phải kiếm sống bằng nghề may để phụ mẹ nuôi thêm 5 người em cùng mẹ khác cha.
Phi Nhung sang Mỹ định cư theo diện con lai từ năm 1989. Khi sang xứ người, cô phải đi làm công nhân, bồi bàn, đủ việc lao động chân tay... cho đến khi tình cờ gặp ca sĩ Trizzie Phương Trinh trong một buổi biểu diễn từ thiện tại một ngôi chùa ở Mỹ, Phi Nhung mới được giúp đỡ để theo đuổi ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Đời buồn hơn vui nên cô cũng chọn sống đơn thân, không lấy chồng suốt 25 năm qua, chỉ nhận nuôi trẻ côi cút, mồ côi mà như Phi Nhung lúc sinh thời cho biết “mọi thứ đều do duyên, do ông trời sắp đặt”. Giờ thì trong số 23 đứa trẻ con nuôi của Phi Nhung có em lại mồ côi thêm một lần nữa!
BTS và Coldplay tung MV My Universe đậm chất khoa học viễn tưởng
Ngày 30.9, nhóm nhạc Hàn Quốc BTS và nhóm nhạc Anh Coldplay giới thiệu MV My Universe với nhiều cảnh quay lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng.
MV My Universe ra mắt ngày 30.9, do Dave Meyers đạo diễn, gây ấn tượng với những cảnh quay lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng. Tác phẩm mở đầu bằng câu chuyện dải ngân hà ra lệnh cấm âm nhạc, nhưng nhóm BTS, Coldplay và một nhóm nhạc người ngoài hành tinh khác quyết tâm chống lại điều đó. Họ cùng nhau nhún nhảy theo điệu nhạc, truyền đi thông điệp về tình yêu, sự tự do giúp xóa nhòa mọi khoảng cách.
7 thành viên nhóm BTS trong một cảnh quay thuộc MV My Universe |
ATLANTIC RECORDS |
Sau khoảng 4 giờ trình làng trên kênh YouTube chính thức của nhóm Coldplay, MV My Universe cán mốc hơn 5 triệu lượt xem. Đây là lần đầu nhóm nhạc lừng danh nước Anh hợp tác với 7 chàng trai nhóm BTS . Trước khi có MV chính thức, ca khúc My Universe của hai nhóm nhạc ra mắt hôm 24.9 cũng thu về phản hồi tích cực, đạt hơn 100 triệu lượt nghe trên các nền tảng phát trực tuyến.
Bình luận (0)