Sự kiện văn hóa tuần qua: Hàng vạn người chiêm bái Lễ hội Quán Thế Âm

12/03/2023 07:00 GMT+7

Lễ chính thức Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn 2023 là Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm đã thu hút hàng vạn người dân, du khách, Phật tử... đến chiêm bái.

Ngay từ sáng sớm 10.3, hàng vạn người dân và du khách đã đổ về sân chùa Quán Thế Âm (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) để chiêm bái nghi thức chính của Lễ hội Quán Thế Âm - Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Lễ vía được tổ chức vào ngày thứ 3 và cũng là ngày cuối cùng của lễ hội.

Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn năm nay diễn ra từ ngày 8 – 10.3 (nhằm ngày 17 – 19.2 âm lịch). Sau 3 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, lễ hội được tổ chức với quy mô cấp thành phố với rất nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa đặc sắc.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Hàng vạn người dân, du khách chiêm bái Lễ hội Quán Thế Âm - Ảnh 1.

Nữ chính vào vai Quán Thế Âm được ban tổ chức tuyển lựa kỹ càng

HỮU TÚ

Xuyên suốt lễ hội có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc như biểu diễn nghệ thuật Nhật Bản, hô hát bài chòi, triển lãm ảnh về danh thắng Ngũ Hành Sơn và ma nhai Ngũ Hành Sơn; triển lãm mỹ thuật, tranh ảnh, thư pháp, đá cảnh; hội đua thuyền truyền thống, hội cờ làng, kéo co...

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước năm 2000; đến năm 2021 được Bộ VH-TT-DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tháo gỡ bất đồng về chú thích, treo lại ảnh thảm sát Mỹ Lai

Chiều 8.3, ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai năm 1968, đã đồng ý chú thích lại bức ảnh gây tranh cãi và chấp nhận để Bảo tàng Sơn Mỹ treo lại toàn bộ số ảnh của ông liên quan đến vụ thảm sát Mỹ Lai.

Trước đó, Thanh Niên ngày 7.3 đã đăng bài viết Vụ gỡ ảnh thảm sát Mỹ Lai khỏi phòng trưng bày: nhà chứng tích không còn "chứng tích", đề cập việc ông Ronald Haeberle đã yêu cầu gỡ toàn bộ ảnh của ông khỏi phòng trưng bày của Bảo tàng Sơn Mỹ do bất đồng về chú thích bức ảnh Anh che đạn cho em của ông.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Hàng vạn người dân, du khách chiêm bái Lễ hội Quán Thế Âm - Ảnh 2.

Ông Ronald Haeberle thăm phòng trưng bày của Bảo tàng Sơn Mỹ, nơi từng treo những bức ảnh của ông, nay đã phải gỡ xuống (ảnh chụp ngày 7.3)

TRẦN ĐĂNG

Sau nhiều lần thương thuyết giữa đại diện tỉnh Quảng Ngãi với ông Ronald Haeberle, chiều 8.3, tỉnh này đã chính thức có lời mời ông Ronald Haeberle đến dự cuộc gặp mặt để giải quyết những bất đồng xung quanh việc chú thích bức ảnh Anh che đạn cho em gây tranh cãi mấy năm qua.

Tham dự cuộc gặp có lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các sở, ngành liên quan. Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, thay mặt lãnh đạo tỉnh cảm ơn ông Ronald Haeberle đã có thiện ý để có mặt tại cuộc gặp này nhằm tháo gỡ những bất đồng xung quanh chú thích một bức ảnh khiến mối quan hệ giữa tác giả bộ ảnh Mỹ Lai và Bảo tàng Sơn Mỹ đã có những rạn nứt lâu nay. Ông Tuấn cũng chân thành xin lỗi ông Ronald Haeberle về những vụ việc xảy ra trong thời gian qua giữa các bên khiến ông Ronald bị tổn thương do những hiểu lầm không đáng có.

Ông Ronald Haeberle cũng bày tỏ sự chân tình và mối thiện cảm của mình dành cho Quảng Ngãi cũng như bảo tàng và người dân Sơn Mỹ lâu nay. Ông nói rằng hôm 6.3, ông trở lại Sơn Mỹ và có ghé thăm phòng triển lãm của Nhà chứng tích Sơn Mỹ và cảm thấy buồn khi những bức ảnh quen thuộc của mình không còn ở những vị trí lâu nay nữa. Nhiều người dân Sơn Mỹ đã hỏi ông vì sao không còn những bức ảnh ấy nữa tại phòng trưng bày, ông rất khó để có câu trả lời thỏa đáng cho những thắc mắc đó. Theo ông, những chuyện đau lòng trong quá khứ giữa hai nước Việt - Mỹ nên khép lại và đã thật sự khép lại. Tuy nhiên, ông luôn mong muốn những bức ảnh của mình về vụ Mỹ Lai phải được có mặt tại nhà trưng bày của Bảo tàng Sơn Mỹ, không phải để khơi gợi lại buồn đau trong quá khứ mà là để nhắc cho mọi người hôm nay đừng bao giờ lặp lại những sai lầm đó nữa.

Chính vì suy nghĩ như vậy nên ông chấp nhận chú thích lại bức ảnh theo gợi mở của phía đại diện Quảng Ngãi. Theo đó, thay vì "Trần Văn Đức che đạn cho em là Trần Thị Hà", nay ghi lại là "Anh che đạn cho em", có mở ngoặc "Chú thích của tác giả". Chú thích bây giờ không ghi tên nhân vật trong ảnh như yêu cầu của ông ban đầu và tuổi của từng em bé trong ảnh - những chi tiết dẫn đến tranh cãi lâu nay.

Cùng với việc chú thích lại bức ảnh, ông Ronald cũng đồng ý để Bảo tàng Sơn Mỹ treo lại toàn bộ số ảnh về vụ thảm sát như trước đây mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã bày tỏ sự biết ơn ông Ronald về một giải pháp đầy thiện chí như vậy và mong ông mãi là người bạn tốt của Quảng Ngãi cũng như của người dân Sơn Mỹ.

Được biết, trong chuyến trở lại VN lần này, ông Ronald Haeberle cùng những người bạn Mỹ đã trao tặng 300 suất quà gồm cặp và sách vở cho trẻ em Trường THCS Võ Bẩm, xã Tịnh Khê (tức Sơn Mỹ).

Đình cổ 300 tuổi ở TP.HCM được trùng tu với kinh phí 34 tỉ đồng

Ngày 10.3 tại TP.HCM, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị Lịch sử - Văn hóa TP.HCM (Sở VH -TT TP.HCM) và UBND Q.10 tổ chức Lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Chí Hòa, đã tồn tại 300 năm cùng lịch sử phát triển của thành phố.

Đình cổ Chí Hòa tọa lạc trong con hẻm 475 đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10). Đến với di tích, người xem vô cùng ấn tượng với cổng đình Chí Hòa nổi bật những họa tiết rồng bay, phượng múa, câu đối sơn son thếp vàng. Tại TP.HCM, Đình Chí Hòa được xếp hạng đứng đầu danh sách 10 đình chùa cổ và lâu đời nhất, đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Hàng vạn người dân, du khách chiêm bái Lễ hội Quán Thế Âm - Ảnh 3.

Đình cổ Chí Hòa tọa lạc trong con hẻm 475 đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10)

NGUYỄN VĂN HÀ

Đình có bàn thờ nhà giáo Võ Trường Toản trang nghiêm ngay trong chính điện. Được biết, vào khoảng từ năm 1785 đến 1792, cụ Võ Trường Toản có mượn Đình Chí Hòa để mở lớp học, đào tạo ra những thế hệ học trò nổi tiếng sau này như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân, Huỳnh Mẫn Đạt… Có thông tin còn cho rằng, ngôi đình cổ kính và lâu đời 300 năm này từng được vua Tự Đức đời thứ 5 ban sắc phong ngày 29.11 năm Nhâm Tý 1852.

Theo Sở VH-TT TP.HCM, Đình Chí Hòa là công trình đầu tiên trong 31 di tích được tu bổ, phục hồi trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025 do UBND TP.HCM đồng ý chấp thuận trước đây.

Tham dự Lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Chí Hòa có ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM; ông Lâm Thiếu Kỳ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa TP.HCM; ông Bùi Thế Hải, Phó chủ tịch UBND Q.10; ông Phạm Thanh Lâm, Trưởng ban quản lý Đình Chí Hòa.

Được sự quan tâm của lãnh đạo TP.HCM, Sở VH-TT quyết định triển khai việc tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Chí Hòa bằng ngân sách thành phố, với tổng mức đầu tư 34 tỉ đồng.

Trưởng Ban quản lý Đình Chí Hòa Phạm Thành Lâm vô cùng cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo TP.HCM và cho biết sẽ thực hiện tốt các qui định, đôn đốc các đơn vị cùng phối hợp để công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Chí Hòa sớm hoàn thành trong vòng 540 ngày theo dự kiến.

NSƯT Vũ Linh qua đời

NSƯT Vũ Linh qua đời trưa 5.3 không làm giới mộ điệu ngạc nhiên do ông mắc bệnh đã lâu. Nhưng rất nhiều người thương tiếc ông - một tài năng của sân khấu cải lương Nam bộ - người từng làm vang danh những vở cải lương kinh điển.

NSƯT Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Nhà nghèo nên năm 13 tuổi ông đã đứt gánh đường học vấn, gia đình cho theo học nghề hát với thầy Văn Vĩ. 14 tuổi ông đã bước ra sân khấu, lưu diễn các tỉnh Tây Nam bộ. Thời gian sau ông về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng và gặp được NSƯT Diệu Hiền và nghệ sĩ Trương Ánh Loan, hai người này thương ông như người nhà và tận tình chỉ dẫn nghề nghiệp.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Hàng vạn người dân, du khách chiêm bái Lễ hội Quán Thế Âm - Ảnh 4.

NSƯT Vũ Linh

T.L

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông về diễn cho đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long, được giới mộ điệu cải lương biết đến qua các vở: Hòn vọng phu, Giũ áo bụi đời, Bức ngôn đồ Đại Việt, Cô đào hát, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài... Vũ Linh là nghệ sĩ có chất giọng đặc biệt, khác lạ.

Năm 1991, ông đoạt Huy Chương Vàng giải Triển Vọng Trần Hữu Trang, là nam nghệ sĩ duy nhất trong số 6 diễn viên đoạt giải năm đó gồm Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Tài Linh, Phương Hồng Thủy và Thanh Hằng. Năm 1995, ông nhận tiếp Huy chương Vàng - Diễn viên xuất sắc giải Trần Hữu Trang. Đây là năm đầu tiên giải Trần Hữu Trang có phát thêm giải Diễn viên xuất sắc. Năm 1997 ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT).

Nghệ sĩ Vũ Linh và Tài Linh từng hợp thành cặp nghệ sĩ ăn ý trên sân khấu cải lương thập niên 1990, được nhiều khán giả mến mộ. Cả hai đã cùng tạo nên thành công trong các vở diễn như: Thanh Xà Bạch Xà, Tôi không làm hoàng hậu, Chiêu Quân cống Hồ, Nặng gánh giang sơn, Xử án Bàng Quý Phi, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ...

Từ năm 2019, ông liên tục bị bệnh tật hành hạ, sức khỏe không cho phép đứng trên sân khấu và sống bình dị trong ngôi nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.