Sự kiện văn hóa tuần qua: Tết Nguyên tiêu Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

05/02/2023 07:33 GMT+7

Sáng 3.2, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam), cho biết "Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng tết Nguyên tiêu ở Hội An" vừa được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Lanh, vào ngày 5.2 (ngày 15 tháng giêng năm Quý Mão), trong không khí náo nức của cộng đồng tham dự lễ hội tết Nguyên tiêu, TP.Hội An sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu này.

Tết Nguyên tiêu (hay còn gọi là tết Thượng nguyên) là một trong những lễ hội quan trọng có từ lâu đời của cộng đồng cư dân Hội An.

Lễ hội tết Nguyên tiêu ở Hội An được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa, bản địa người Việt từ rất sớm, là sự giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Hoa, có ý nghĩa tâm linh rất lớn; được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ và tổ chức hằng năm, tạo thành nét văn hóa đặc trưng của Hội An.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Tết Nguyên tiêu Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Du khách xin lộc trong dịp tết Nguyên tiêu ở Hội An

Q.T

Cứ sau ngày Khai hạ (mùng 7 tháng giêng), người dân lại nô nức chuẩn bị tết Nguyên tiêu. Vào dịp này, tại các hội quán và di tích tín ngưỡng trong và ngoài khu phố cổ tổ chức lễ cúng tiền hiền, cầu an, cầu tài lộc đầu năm với ước vọng mọi việc trong năm mới được hanh thông, như ý.

Việc tổ chức các hoạt động tết Nguyên tiêu năm nay, đặc biệt là diễu hành và lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - tết Nguyên tiêu ở Hội An, không chỉ nhằm bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền hiền, cầu mong sự thịnh vượng trong năm mới mà còn tôn vinh giá trị nổi bật của di sản văn hóa phi vật thể.

Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của các chủ thể trong việc bảo tồn cũng như các bên liên quan trong việc xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình công nhận di sản. Đây cũng là dịp tuyên truyền nâng cao lòng tự hào và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói riêng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

UBND TP.HCM có kết luận xử phạt Live concert 'Kosmik' của SpaceSpeakers

Sau khi Sở VH-TT TP.HCM xác định "chương trình Spacespeakers live concert – Kosmik đã có dấu hiệu vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, tâm lý cộng đồng xã hội; một số hình thức trình diễn của nghệ sĩ trong chương trình đã gây dư luận xấu về hành vi phản cảm, coi thường các giá trị văn hóa truyền thống", cũng như thông tin "sẽ xử lý theo quy định", UBND TP.HCM đã có quyết định xử phạt đối với các hành vi vi phạm của Công ty TNHH Một thành viên Quảng cáo Truyền thông Người Hâm Mộ Việt - đơn vị tổ chức chương trình Spacespeakers live concert – Kosmik hôm 12.11.2022 tại Nhà thi đấu Quân khu 7, TP.HCM.

Theo quyết định xử phạt (số 4346/QĐ-XPHC do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký ngày 14.12.2022), công ty tổ chức Kosmik đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính:

Một, là tổ chức biểu diễn không đúng nội dung ghi trong văn bản chấp thuận (trong các bài: Live set, Nhạc Anh, A veil of mist).

Sự kiện văn hóa tuần qua: Tết Nguyên tiêu Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2.

Tiết mục đổ bia lên ngực của vũ công trong Kosmik gây phản ứng nhiều nhất

S.S.G

Hai, là tổ chức biểu diễn có sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc (trong tiết mục They said, nghệ sĩ múa ăn mặc tương tự quần áo lót biểu diễn cùng ca sĩ trên giường ngủ, ưỡn ngực cùng ca sĩ tay cầm lon bia rót vào phần ngực nghệ sĩ múa; trong Forget about her, nghệ sĩ múa mặc trang phục tương tự bikini của phụ nữ, thực hiện các động tác trườn, bò trên đàn piano thể hiện sự gợi dục, gợi tình).

Theo đó, mức xử phạt hành chính là 25 triệu đồng với hành vi 1 và 85 triệu đồng với hành vi 2. Tổng cộng 110 triệu đồng.

Ngoài ra, sẽ đình chỉ hoạt động tổ chức biểu diễn 18 tháng theo quy định tại điểm c, khoản 9 điều 11 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ, kể từ ngày nhận quyết định này.

Spacespeakers live concert – Kosmik là chương trình đánh dấu 11 năm đồng hành của 11 thành viên SpaceSpeakers. Có thể xem đây là một concert lịch sử của rap/hip hop Việt cũng như là chương trình biểu diễn đáng nhớ nhất của nhạc Việt trong 10 năm trở lại đây.

Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên qua đời

Khoảng 9 giờ 45 ngày 31.1, KTS Trần Thanh Bình, con trai cả của Nhà giáo Nhân dân - Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên báo tin cho bạn bè biết, bà đã qua đời, thọ 106 tuổi tại nhà riêng ở Hà Nội.

NSND Đặng Thái Sơn, con trai thứ hai của bà, tết Quý Mão về Việt Nam thăm gia đình, cách đây mấy ngày vừa tạm biệt mẹ ra nước ngoài biểu diễn, nghe tin bà mất, đã vội lấy vé máy bay, đang trên đường về Hà Nội. Bà Thái Thị Liên sinh ngày 4.8.1918 tại Chợ Lớn, TP.HCM trong một gia đình đại trí thức. Cha của bà là kỹ sư Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp. Anh trai của bà là luật sư Thái Văn Lung, hoạt động cách mạng, hy sinh năm 1946 và tên ông được đặt cho một con đường giữa trung tâm TP.HCM. Chị gái của bà là nghệ sĩ Thái Thị Lang, nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam, nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris và từng lưu diễn khắp thế giới.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Tết Nguyên tiêu Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 3.

NSND Thái Thị Liên và NSND Đặng Thái Sơn

T.L

Bà Thái Thị Liên là một trong số nữ danh cầm piano đầu tiên của Việt Nam, tiên phong đồng sáng lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Là trưởng khoa piano đầu tiên của Học viện, bà là mẹ của NSND Đặng Thái Sơn, NSND Trần Thu Hà và là người thầy của nhiều nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng.

Bà Thái Thị Liên sang Pháp du học năm 1946 và lấy chồng là nhà cách mạng Trần Ngọc Danh, lúc đó là Trưởng phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (em ruột Tổng Bí thư Trần Phú). Sau đó bà về nước cùng với chồng ở chiến khu Việt Bắc và có hai người con là Trần Thu Hà và Trần Thanh Bình. Sau khi chồng mất một thời gian, bà lấy nhạc sĩ-nhà thơ nổi tiếng Đặng Đình Hưng và sinh ra NSND Đặng Thái Sơn. Trong những năm kháng chiến và thời bao cấp, vượt qua muôn ngàn khó khăn, bà Thái Thị Liên đã một mình nuôi dạy 4 người con (có một con riêng của chồng) đều thành đạt, trở thành những trí thức, nghệ sĩ tiêu biểu.

Yên Tử khai hội

Ngày mùng 10 tháng giêng năm Quý Mão (tức ngày 31.1), tại Cung Trúc Lâm (thuộc Khu di tích - danh thắng Yên Tử), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TP.Uông Bí (Quảng Ninh) tổ chức Khai hội xuân Yên Tử 2023.

Hội xuân Yên Tử sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19 đã được tái tổ chức. Lần đầu tiên lễ hội xuân lớn nhất tỉnh Quảng Ninh này được tổ chức tại Cung Trúc Lâm (thuộc Khu di tích - danh thắng Yên Tử). Theo số liệu thống kê, từ ngày mùng 1 tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến ngày mùng 9 tháng giêng năm Quý Mão, Khu di tích - danh thắng Yên Tử đã đón tiếp được trên 130.000 lượt khách về tham quan, chiêm bái. Dự kiến, sẽ có khoảng 2 - 3 vạn du khách trong và ngoài nước đến với Yên Tử trong ngày khai hội.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Tết Nguyên tiêu Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 4.

Yên Tử khai hội xuân 2023

Lã Nghĩa Hiếu

Lễ khai hội được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật "Yên Tử vào xuân", ôn lại huyền thoại của non thiêng Yên Tử, cội nguồn lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm, công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông; ca ngợi sức sống thành phố trẻ Uông Bí và không khí tưng bừng, náo nức trẩy Hội xuân Yên Tử...

Lễ khai hội gồm nhiều nghi lễ, như: nghi thức rước lễ mở hội, lễ gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ cầu quốc thái dân an và lễ đóng dấu thiêng Yên Tử…

Tại buổi lễ, các đại biểu, chư tôn đức tăng ni đã thành kính dâng hương, thực hiện các nghi lễ thành kính tưởng nhớ công ơn của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, cầu quốc thái dân an. Lễ cầu quốc thái dân an gồm các nghi lễ dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an…

Hiện nay 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đang hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận Yên Tử là Di sản thế giới.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ 4 cụm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử nhà Trần (TX.Đông Triều, Quảng Ninh); Khu di tích - danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.