(iHay) Từ thời xa xưa, dâu tây đã ghi tên vào “sử sách” là loại trái cây chỉ dành cho vua chúa. Tới hồi được trồng phổ biến hơn, nó được các đôi uyên ương rất ưa chuộng, luôn đưa vào thực đơn buổi sáng trong ngày cưới với niềm tin rằng dâu tây sẽ giúp tăng đáng kể năng lực phòng the, theo BBC GoodFood.
>> Dâu tây 'phải lòng' bánh phô mai mát lạnh ngày hè
Đến khi các chuyên gia dinh dưỡng vào cuộc, dâu tây được xác định là nguồn bổ sung vitamin C, K, chất xơ, axit folic, ma nhê và kali tuyệt vời. Ngoài ra, dâu tây còn chứa rất nhiều phytonutrient và flavanoid, vốn mang lại màu đỏ cho dâu tây. Chính những chất này được sử dụng để chế tạo thuốc trị các chứng bệnh về tiêu hóa, làm trắng răng và giảm triệu chứng kích ứng da.
Nguồn chất xơ và fructose dồi dào bên trong dâu tây thì giúp điều hòa lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa. Chất xơ còn được cho là giúp tăng cảm giác thỏa mãn ở người thưởng thức, từ đó giảm ăn. Loại dâu có màu đỏ rực còn chứa rất nhiều anthocyanidin, đồng nghĩa với việc đó là nguồn chất chống dưỡng hóa rất tuyệt vời, có công dụng kháng viêm, chống ung thư và bảo vệ tim mạch.
Hãy chọn mua những quả dâu chín đỏ nhưng chắc, căng, đầy đặn, cuống xanh và bám chắc vào quả. Tốt nhất là ăn dâu có nguồn gốc tại địa phương và ăn khi dâu còn mới để đảm bảo hấp thu được nhiều dưỡng chất nhất.
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng loại quả trông rất “lành” này lại là một nguồn dị ứng khá phổ biến, nhiều nhất là gây ngứa ngáy ở miệng, ở họng, chảy nước mắt và chảy nước mũi. Nếu bạn từng một lần “dính chưởng” thì tốt nhất nên ngậm ngùi chia tay với loại quả hấp dẫn và cũng rất bổ dưỡng này.
Đoan Nhật
>> Ăn dâu tây giúp giảm mỡ trong máu
>> Dâu tây tốt cho sức khỏe và... tình yêu
>> Đi hái dâu tây trong nắng xuân Đà Lạt
Bình luận (0)