Thật khó có thể tin được một vận động viên bắn nỏ hoặc kéo co tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh mà mỗi ngày chỉ được “bồi dưỡng” 8.000 đồng. Cũng như một giáo viên tham gia kỳ thi “giáo viên dạy giỏi” mỗi ngày chỉ được uống 300 đồng tiền nước thì là chuyện quá khôi hài.
Các mức giá trên đây giờ chỉ còn trong “kỷ yếu” của ngành tài chính chứ không còn diễn ra trên thực tế nữa, nhất là con số 300 đồng. Chuyện này không chỉ xảy ra ở Ninh Thuận mà hầu như địa phương nào cũng có. Nhiều văn bản quy định chi tiêu của ngành tài chính ban hành cách đây đã 10 năm, lúc ấy chai nước ngọt có 2.000, nay đã là 10.000 đồng nhưng có vẻ như những người soạn các văn bản quy định ấy luôn đứng bên lề các cơn bão giá. Mọi người đều biết các quy định đã quá lạc hậu nhưng tất cả các cơ quan hưởng lương và các chế độ chi tiêu từ ngân sách nhà nước đều phải răm rắp tuân thủ, ai “vượt rào” thì bỏ tiền túi ra mà đền nếu kiểm toán phát hiện sai phạm.
Các nhà soạn luật và các văn bản dưới luật bao giờ cũng phải dựa vào cơ sở thực tế của đời sống. Mà đời sống thì luôn biến đổi từng ngày, chẳng bao giờ “đứng yên”, vì vậy, mặc định những điều đã lạc hậu không những gây cản trở cho sự phát triển của xã hội mà còn thể hiện sự vô cảm và thiếu trách nhiệm của người ban hành. Ngay cả hiến pháp, các điều khoản không quá cụ thể như “chi tiêu tài chính” nhưng vẫn phải sửa đổi cho phù hợp với xu thế hiện thời, huống là chuyện “uống nước 300 đồng”.
Biết lạc hậu nhưng vẫn cố níu giữ những điều phi lý ấy, vì sao? Vì người ra văn bản là để cho người khác thực hiện, còn mình thì không quan tâm. Bộ Tài chính đã từng quy định cho cán bộ “cấp trên” khi về cơ sở công tác, tuyệt đối “cấp dưới” không được lo chỗ ngủ vì đã có công tác phí rồi. Thế nhưng, mỗi khi “trên” về công tác, các địa phương “tự hiểu” là phải làm gì. Không chỉ dừng lại ở những bữa tiệc linh đình, mà sau chuyến công tác, còn được “gói” mang về nữa. Tệ hại hơn, nhiều người còn mua hóa đơn phòng ngủ để về thanh toán với cơ quan. Cấp dưới, sau khi tiễn “cấp trên” ra về, kế toán phải lo khâu “chứng từ hợp lệ”, nghĩa là phải quy đổi tiền uống bia ra uống nước khoáng, tiền quà ra một khoản “chi khác” nào đó cho hợp với quy định. Tất cả những trò gian dối ấy, “trên” biết cả, song họ vẫn xem đó như là chuyện đương nhiên. Đố mà cấp dưới nào dám áp dụng ngay như các văn bản quy định do chính “cấp trên” soạn thảo. Màn kịch “lách” quy định này, từ người ra văn bản lẫn người thực hiện đều là những diễn viên chuyên nghiệp cả, chỉ có người dân là những khán giả bị mua vé hớ mà thôi.
Cập nhật những văn bản lạc hậu để phù hợp với thực tế là điều không quá khó khăn nhưng đáng tiếc là, người soạn thảo các văn bản nọ lại đang tự đứng riêng ở một cõi khác.
Trần Đăng
Bình luận (0)