Sự leo thang nguy hiểm trên Biển Đông

02/09/2017 09:31 GMT+7

Giới chuyên gia cảnh báo đợt tập trận phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ khiến tình hình khu vực thêm phức tạp, leo thang.

Ngày 1.9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố những cuộc tập trận ngoài cửa vịnh Bắc bộ và xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN là “diễn tập thường niên”. Ít nhất một phần của khu vực tập trận ngoài cửa vịnh Bắc bộ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN. Ngoài ra, 3 cuộc tập trận bắn đạn thật phi pháp trong các ngày 31.8, 1.9 và 2.9, lần lượt được tiến hành gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngang ngược tuyên bố vùng biển tập trận “nằm dưới quyền tài phán của nước này”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “VN hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Lập trường của VN là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp VN và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982. VN đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 1.9, tiến sĩ Trần Thăng Long thuộc Trường đại học Luật TP.HCM khẳng định các cuộc tập trận nói trên xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trong EEZ. Hành vi này còn ngăn cản việc đi lại bình thường của các tàu thuyền tại khu vực, trái với luật pháp quốc tế. “Hành vi này cũng đi ngược lại cam kết của Trung Quốc với các nước ASEAN trong việc không làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình tại khu vực Biển Đông đã được nói đến trong dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thông qua vào tháng 8.2017”, ông nhận định. TS Long cảnh báo đây là bằng chứng cho thấy thái độ ngày càng leo thang của Trung Quốc cũng như dự báo về cách thức hành xử bất chấp luật pháp quốc tế của nước này trong tương lai.
Tương tự, chuyên gia Koh Swee Lean Collin của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho rằng đợt tập trận mới của Trung Quốc là một dạng quân sự hóa và có thể cho thấy Bắc Kinh muốn gửi thông điệp mang tính hăm dọa tới một số nước ở khu vực. “Những cuộc tập trận bắn đạn thật như thế không góp phần tích cực cho việc xây dựng niềm tin và ổn định khủng hoảng ở khu vực. Tác động nói chung là gây bất ổn”, ông Koh nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn của Thanh Niên.
Chuyên gia Anton Tsvetov của Trung tâm nghiên cứu chiến lược (Nga) lưu ý về thời điểm tập trận phi pháp. Theo ông, vấn đề quân sự hóa Biển Đông vừa được đề cập trong đợt hội nghị ASEAN mở rộng hồi tháng 8 nên Trung Quốc muốn nhằm thẳng vào những nhân tố tích cực nhất trong khối đang tìm kiếm giải pháp hòa bình, bảo đảm ổn định cho khu vực. Ngoài ra, nước này muốn thể hiện thái độ cứng rắn khi sắp bước vào Đại hội đảng toàn quốc vào tháng 10 trong bối cảnh những tiếng nói mang tính hung hăng, đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng xuất hiện nhiều trên các trang mạng, nhất là sau đợt căng thẳng kéo dài nhiều tháng qua với Ấn Độ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.