Trong năm nay và giai đoạn tiếp theo, EVN tiếp tục tập trung triển khai các dự án đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo theo các quyết định của Chính phủ, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Ban chấp hành Trung ương đã đánh giá: “Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên rõ rệt, có bước phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%. Ngoài các ngành kinh tế biển truyền thống như thủy sản, hàng hải, du lịch, điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, diêm nghiệp,... cơ cấu ngành, nghề cũng thay đổi cùng với sự xuất hiện các lĩnh vực kinh tế mới. Đáng kể là các lĩnh vực như: khai thác dầu khí, kinh tế đảo, kinh tế ven biển, kinh tế bảo tồn, tìm kiếm cứu hộ và cứu nạn, quản lý nhà nước về biển, lĩnh vực đối ngoại và biên giới lãnh thổ trên biển; chế biến dầu khí, chế biến thủy sản... Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X có đóng góp không nhỏ của EVN trong việc cấp điện đầy đủ, liên tục, ổn định và từng bước vươn xa cấp điện cho các huyện đảo, xã đảo và các đảo có dân cư sinh sống. Điện được thắp sáng trên các đảo đã phát huy đúng vai trò, sứ mệnh “điện đi trước một bước”.
Vượt qua gian nan trong khâu huy động vốn từ khi dự án còn nằm trên giấy đã khó, đến quá trình triển khai thi công các công trình xuyên biển cũng không hề dễ dàng. EVN và các nhà thầu, các đơn vị thi công đã phải vận dụng sáng tạo ứng dụng và sáng kiến kỹ thuật để triển khai thi công các công trình xuyên biển. Không những phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết trên biển, các cơn bão, thủy triều thất thường, mà còn phải linh hoạt với điều kiện thi công phức tạp, phụ thuộc vào địa chất từng vùng.
Trước khi EVN tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp cho các đảo, người dân trên các đảo chỉ được cấp điện từ các nguồn phát diesel trong khoảng 5 - 9 giờ trong ngày, chủ yếu chỉ đủ để phục vụ chiếu sáng và những sinh hoạt cần thiết (tivi, quạt, radio...). Sau khi được EVN tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp, người dân trên các huyện đảo đã được cấp điện 24/24h, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Đặc biệt là người dân được hưởng giá điện thống nhất trên toàn quốc, không phải chịu giá điện cao như trước đây (4.000 đồng/kWh - 6.000 đồng/kWh). Một ví dụ điển hình nhất gần đây, vào ngày 18.8.2020, EVN đã đóng điện thành công dự án cấp điện bằng cáp ngầm 22 kV xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu, TP.Quy Nhơn, (Bình Định), cung cấp ổn định và liên tục từ lưới điện quốc gia cho hơn 650 hộ. Trước khi có lưới điện quốc gia, Nhà nước cũng có hỗ trợ chạy máy phát điện diesel để cấp điện cho dân 12 tiếng/ngày nhưng nguồn điện thiếu ổn định, không thường xuyên khiến kinh tế trên đảo khó phát triển.
Đối với các đảo được cấp điện lưới quốc gia, điện đã góp phần để địa phương phát huy các tiềm năng kinh tế trong du lịch, thương mại, giúp ngư dân tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống tinh thần được cải thiện. Điện cũng là yếu tố không thể thiếu để phát triển các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề biển, hệ thống thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn trong chiến lược phát triển kinh tế biển, gắn kết với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Tăng cường cấp điện gió, mặt trời cho các đảo xa
Để tiếp tục ưu tiên cấp điện ổn định, liên tục cho các đảo tiền tiêu bằng điện lưới quốc gia hoặc những nguồn năng lượng tái tạo, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh quốc gia và chủ quyền biển đảo, EVN sẽ tiếp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Về quản lý phụ tải và phát triển lưới điện, EVN chỉ đạo các công ty điện lực phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt khả năng tăng trưởng phụ tải, xây dựng kế hoạch phát triển lưới điện tổng thể đáp ứng nhu cầu qua từng năm. Khai thác sử dụng tối đa các loại nguồn năng lượng chiếm ít diện tích đất như năng lượng gió và kết hợp với các công trình xây dựng trên đảo, lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà.
EVN đã và đang thường xuyên cập nhật công nghệ, đặc biệt là công nghệ đối với nguồn năng lượng tái tạo để đầu tư phát triển hệ thống điện độc lập trên các đảo. Nghiên cứu ứng dụng lắp đặt cột gió trên biển tại vùng biển có điều kiện thuận lợi. Cùng với đó, EVN sẽ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành để quản lý theo dõi từ xa hoạt động của hệ thống điện và nhu cầu phụ tải. Phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo (bộ đội biên phòng, hải quân...) để có phương án quản lý vận hành phù hợp với các điều kiện đặc thù của từng đảo.
EVN đã hoàn thành việc tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo. Trong đó 6 huyện dùng nguồn lưới điện quốc gia gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải (Hải Phòng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang). 5 huyện đảo được cung cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ (kết hợp máy phát điện diesel với điện mặt trời và điện gió) gồm: Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Vũng Tàu).
|
Bình luận (0)