Những vụ bắt cóc
Vào tháng 12.2007, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã tuyên bố sẽ trả tự do cho 3 con tin người Colombia nằm trong số một loạt nhân vật đáng chú ý bị bắt cóc từ năm 1997 đến nay. Vụ việc ngay lập tức được chính phủ nhiều nước quan tâm vì trong số bị bắt cóc còn có 3 chuyên gia chống ma túy của Mỹ, 1 công dân Pháp và nhiều người ngoại quốc. Người ta hy vọng sau vụ phóng thích con tin này, FARC có thể sẽ thả thêm nhiều người nữa.
Theo các tài liệu tình báo mà Hãng tin BBC có được thì FARC hiện đang giữ khoảng 800 con tin tại các căn cứ trong rừng già ở Colombia, trong số đó có khoảng 45 con tin là những chính trị gia, thương gia, sĩ quan quân đội... Sứ mệnh nhân đạo mang tên Emmanuel do Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đề xướng đầu tiên là để giải cứu 3 con tin "có số má" người Colombia.
Vụ việc bắt đầu vào năm 1997, khi FARC bắt cóc cựu nghị sĩ Consuelo Gonzalez. Năm 2002, 2 nữ chính trị gia cấp cao khác của Colombia là Clara Rojas và Ingrid Betancourt cũng bị bắt cóc. Rojas là cựu ứng viên Phó tổng thống Colombia còn bà Betancourt, người mang hai quốc tịch Colombia và Pháp, từng là Thượng nghị sĩ trong Quốc hội Colombia và từng là ứng cử viên tổng thống. Tiếp đó, vào năm 2003, 3 người Mỹ tham gia một chiến dịch do thám chống ma túy tại Colombia cũng rơi vào tay bọn bắt cóc. Các vụ bắt cóc cứ liên tiếp xảy ra trước sự bất lực của lực lượng bảo an Colombia. Đến tháng 6.2007, FARC ra tuyên bố cho biết có 11 con tin đã bị bắn nhầm dẫn đến tử vong.
Sau đó hai tháng, Hội Chữ thập đỏ địa phương đã thu được thi thể những người này nhưng cho biết họ bị bắn từ cự ly gần, loại bỏ khả năng bắn nhầm. Đến ngày 18.12 vừa qua, FARC ra thông báo sẽ thả Rojas, đứa con trai ba tuổi Emmanuel của bà này cùng cựu nghị sĩ Consuelo Gonzalez. Ngay sau đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã đề nghị làm trung gian trong các cuộc thương lượng về trao trả con tin. Ông đề xuất mở sứ mệnh nhân đạo mang tên Emmanuel để đưa các con tin về nơi an toàn. Sứ mệnh này được chính phủ một loạt nước như Brazil, Argentina, Ecuador... ủng hộ và ông Chavez đã mời nhiều nhân vật nổi tiếng như cựu Tổng thống Argentina Nestor Kirchner, đạo diễn Oliver Stone của Hollywood tham gia thực hiện một phim tài liệu trong cuộc giải cứu này. Tại Pháp, Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng tuyên bố việc giải cứu con tin Betancourt là một điểm ưu tiên trong chính sách của ông.
Theo kế hoạch được ông Chavez vạch ra, mở đầu chiến dịch, 2 máy bay trực thăng MI-17 bay từ Venezuela đến Colombia vào ngày 27.12. Tiếp đó, đoàn dự định sẽ liên lạc với FARC để nhận người. Hỗ trợ cho đoàn còn có 2 trực thăng Bell 421 và 2 máy bay Dassault Falcon 20 của Pháp. Tuy nhiên, khi mọi việc đang trôi chảy thì vào ngày 31.12, ông Hugo Chavez nhận được thư của FARC cho biết việc trả tự do đã bị hoãn lại do quân đội Colombia mở nhiều chiến dịch trong khu vực. Giữa lúc đó thì cậu bé mang tên Emmanuel xuất hiện ngay giữa thủ đô Bogota của Colombia.
Đứa trẻ bất ngờ
Sự ra đời của Emmanuel là một câu chuyện thú vị và việc người ta phát hiện cậu bé 3 tuổi này ngay giữa thủ đô Bogota là một bất ngờ sửng sốt. Năm 2002, nữ chính trị gia Clara Rojas bị bắt. Đầu năm 2005, có tin bà đã sinh một bé trai được đặt tên là Emmanuel, cũng là tên mà sau này ông Chavez chọn để đặt cho sứ mệnh giải cứu. Điều đáng ngạc nhiên là bé trai này lại là sản phẩm của nữ chính trị gia và một kẻ bắt cóc. Kể từ đó, người ta luôn tin rằng FARC đang giam giữ cả hai mẹ con bà Rojas.
Tuy nhiên, vào những ngày đầu năm mới, một thông tin cực kỳ sốc đã được loan đi từ thủ đô Bogota của Colombia. Hãng tin AFP dẫn lời Tổng chưởng lý Mario Iguaran nói rằng nhà chức trách Colombia có thể đã phát hiện Emmanuel trong một trại trẻ ở ngay giữa thủ đô. Ông Iguaran cho biết các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra DNA của một cậu bé có tên là Juan David Gomez trong một trại trẻ mồ côi và phát hiện nó trùng khớp với DNA của bà Clara Gonzalez, mẹ của con tin Clara Rojas. "Về mặt khoa học thì Juan David Gomez có DNA trùng khớp với bà Gonzalez. Cuộc kiểm tra đã đi tới kết luận rằng khả năng Juan David là thành viên trong gia đình này là rất cao", ông Iguaran nhận xét. Vị quan chức này nói rằng kết quả kiểm tra vừa qua chỉ là bước đầu và mẩu DNA đã được gửi tới châu u để phân tích tiếp. Dù thế, nhiều người vẫn tin rằng Juan David chính là Emmanuel. Có thể sau khi bà Rojas sinh con, FARC đã tìm cách đưa cậu bé này tới trại trẻ mồ côi ở Bogota vì điều kiện chăm sóc một đứa bé ở trại trẻ vẫn tốt hơn nhiều lần so với trong các căn cứ của FARC ở giữa rừng sâu.
Đến nay thì FARC chưa bình luận gì về chuyện này và sự im lặng của họ cũng khiến sứ mệnh giải cứu của ông Chavez bị đình trệ. Các con tin "có số má" như Clara Rojas, Consuelo Gonzalez, Ingrid Betancourt, các nhân viên Mỹ... vì thế đối mặt với nhiều nguy cơ. Vụ bắt cóc và giam giữ vốn đã kéo dài 10 năm nay có nguy cơ sẽ tiếp tục kéo dài thêm nữa.
Châu Minh Linh
Bình luận (0)