Dù lập ra Tản Đà thư điếm, rồi Tản Đà thư cục, An Nam ấn thư cục, nhưng sự nghiệp xuất bản sách mà nhà thơ Tản Đà thân làm ông chủ xuất bản, lại long đong lận đận. Cái thu hoạch lớn nhất, có lẽ là đa phần những tác phẩm của ông đã ra đời từ những thư điếm, thư cục này.
Khởi nghiệp xuất bản với Tản Đà thư điếm
Trước khi có Tản Đà thư cục, nhà thơ lập Tản Đà thư điếm, được hiểu là cửa hàng bán sách. Ngay trên bìa 1 sách Tản Đà tùng văn in năm 1922 thể hiện rõ đơn vị in ấn là Tản Đà thư điếm, địa chỉ số 99 phố Hàng Gai, Hà Nội. Bìa 2 sách này dành nguyên trang “Tản Đà thư điếm quảng cáo”.
Nội dung quảng cáo cho biết hàng do thư điếm bán “lấy sách vở làm trọng hơn hết”. Và sách cũng chia làm hai hạng. Thứ nhất là những sách Tứ thư, Ngũ kinh dịch ra quốc ngữ; thứ hai là sách văn thơ của đông tây kim cổ được dịch ra quốc ngữ. Bên cạnh bán sách, thư điếm còn “nhận in để bán mà tính chia lời” những văn thơ của văn thi sĩ.
|
Không rõ Tản Đà thư điếm đã in được tất cả bao nhiêu đầu sách, nhưng những tác phẩm Tản Đà tùng văn, Đại học là do thư điếm này in ấn, phát hành. Và logo người quảy bồ sách đã có trên bìa 4 của Tản Đà tùng văn năm 1922.
Về thời gian ra đời của Tản Đà thư điếm, trong Giấc mộng lớn, nhà thơ tâm sự thư điếm được lập tháng 8.1922 với ba người hợp lại là Tản Đà, một ông Tú và một ông Kép. Thông tin ấy cũng tương ứng với hồi ức Tôi với Tản Đà của Nguyễn Văn Phúc, người cháu của nhà thơ.
Đến sự xuất hiện Tản Đà thư cục
Vẫn lời nhà thơ chia sẻ trong Giấc mộng lớn, sau này Tản Đà thư điếm hợp với Nghiêm Hàm ấn quán để thành Tản Đà tu thư cục, mà tên trên các sách xuất bản gọi là Tản Đà thư cục. Trong lời quảng cáo cho thư cục in nơi cuốn Giấc mộng lớn, Tản Đà ghi rõ việc chủ trương thư cục: “Bản cục canh trương, sẽ có nhiều các thứ sách, truyện, văn tập xuất bản, mới hay cũ, toàn là của bản cục chủ nhân Nguyễn Khắc Hiếu trước thuật, biên dịch, không nhận in sách ngoài”. Thường các thư cục ra đời, muốn khuếch trương, phát triển, không thể bo bo việc in mỗi “sách nhà”, mà còn in ấn sách của các cộng tác viên, tác giả khác.
Trường hợp Tản Đà thư cục “không nhận in sách ngoài”, có lẽ phản ánh đúng cái tinh thần khác người, thiếu thực tế của chủ nhân lập ra nó. Tuy nhiên, tiếng là chỉ in sách của Tản Đà, nhưng thực tế không hoàn toàn vậy, Tản Đà thư cục còn in sách của một số cộng tác viên viết cho An Nam tạp chí như Ngô Tất Tố (Cẩm Hương Đình, dịch thuật), Đoàn Tư Thuật (Truyện Tỳ bà, dịch thuật), Nguyễn Trọng Đường (Chết sống thuyền quyên, Ba Lan, dịch thuật), Nguyễn Đạo Quán (Sự tích mười tám đời Hùng Vương, Khai tâm Hán văn giáo khoa, soạn), Nguyễn Can Mộng (Bức tranh lòng son)…
Về giá cả buôn bán sách của Tản Đà thư cục, vẫn lời quảng cáo ở trên, đối với đối tác mua sách để bán buôn, thì việc chiết khấu tùy vào số lượng tiền mua. Cụ thể là mua cứ 10 đồng trở lên, không phân biệt là mua một đầu hay nhiều đầu sách, sẽ được chiết khấu 20%, nếu mua từ 50 đồng trở lên, chiết khấu tăng là 25%. Lại cũng để kích thích khách mua, lời rao ghi rõ “mỗi thứ sách, cứ 12 quyển, xin xếp biếu thêm một quyển ngoài”.
Đối với khách mua lẻ, Tản Đà thư cục cũng chiều lòng dù có mua chỉ một cuốn, cứ gửi tiền sách, phí bưu điện về thư cục là sẽ nhận sách qua đường bưu điện. Còn mua hơn một cuốn, thư cục sẽ miễn luôn phí bưu điện, và “ngài nào mua tới mười quyển, xin biếu thêm một quyển ngoài”.
Logo để nhận diện Tản Đà thư cục là người đội nón quảy bồ sách. Logo này được giới thiệu nhiều lần trên An Nam tạp chí và đã xuất hiện từ khi có sách do Tản Đà thư điếm in. Một số sách của Tản Đà xuất bản không thể hiện tên Tản Đà thư cục, nhưng vẫn có logo quảy bồ sách.
Sách của Tản Đà thư cục được in tại Đông Kinh ấn quán (Trần ai tri kỷ), Nghiêm Hàm ấn quán (Giấc mộng lớn), Nhà in Thụy Ký (Thề non nước), Kim Đức giang ấn quán (Lên sáu)…
Vậy Tản Đà thư cục tồn tại thời gian nào? Ghi nhận sách của Tản Đà thư cục có vào năm 1924. Cuốn Trần ai tri kỷ in tại Đông Kinh ấn quán dù không đề tên của Tản Đà thư cục, nhưng logo người quảy bồ sách có trên bìa 4. Đến năm 1932, Tản Đà thư cục vẫn còn được chủ nhân duy trì.
|
Qua những trang quảng cáo, ta thấy đại lý bán sách của Tản Đà thư cục trải khắp ba kỳ. Chẳng hạn như Nam Tân (Hải Phòng), Dương Xuân (Hải Dương), Châu Tịnh ấn quán, Tam Kỳ thư quán (Vinh), Quản Hải thư xã, Vĩnh Tường (Huế), Tín Đức thư xã (Sài Gòn)… Trong trí nhớ của Nguyễn Vỹ còn ghi lại nơi Văn thi sĩ tiền chiến, tác giả của Tuấn, chàng trai nước Việt cho biết rất thích cái logo của Tản Đà thư cục: “Tôi vẫn yêu cái hình vẽ “gánh văn lên bán chợ Trời” trên các bìa sách của Tản Đà thư cục”, bán rất chạy vào những năm 1925-1930”.
Trong thời gian tồn tại, Tản Đà thư cục đã in nhiều đầu sách, trong đó có những cuốn được in, tái bản nhiều lần, như Lên sáu đến năm 1929 đã in tới lần thứ mười, Lên tám năm 1928 in tới lần thứ sáu…
Năm 1930, Tản Đà lại ra tiếp An Nam ấn thư cục. Thư cục này được quảng cáo trên An Nam tạp chí số 12, ra ngày 2.7.1930 nguyên trang 28 với lời giới thiệu là “Một cơ quan về sự in có quan hệ mật thiết với An Nam tạp chí, sẽ tiếp tục tường cáo”. Ở số 13, trong mẩu tin quảng cáo cho biết thêm thư cục này được lập ra để in An Nam tạp chí và in các sách để bán, và đây là thư cục được góp vốn với mỗi cổ phần là 25 đồng.
Như tâm sự của thi sĩ, từ 16 tuổi đã bắt đầu kiếm sống bằng văn chương. Rồi theo dòng thời cuộc, nào làm báo, nào xuất bản, nhưng kết cục của sự nghiệp kinh doanh ấy ra sao? Trương Tửu nhìn về công việc bán chữ của thi sĩ, đã nhận xét thẳng thắn trong tác phẩm Uống rượu với Tản Đà, rằng: “Thực ra, trong công cuộc xuất bản sách và báo, nhà nho Nguyễn Khắc Hiếu chỉ gặp toàn thất bại”.
Bình luận (0)